Trong tháng 6/2023, nhà máy Sản xuất Găng tay của Thaco Industry (thuộc Thaco Group) đã xuất khẩu (XK) khoảng 2,8 triệu đôi găng tay bảo hộ, trong đó thị trường Mỹ gần 1,5 triệu đôi; thị trường Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản hơn 1,3 triệu đôi. Với đà XK như trên, dự kiến năm 2023, tổng doanh thu từ các sản phẩm găng tay của nhà máy này sẽ tăng trưởng 30% so với năm 2022.
Xuất nhập khẩu sẽ khả quan khi nhu cầu hồi phục
Điều đó cũng nhờ nhà máy này đã nắm bắt xu thế và nhu cầu sử dụng găng tay bảo hộ ngày càng tăng, trở thành sản phẩm phổ biến và có số lượng tiêu thụ lớn trên thị trường thế giới. Nhất là đẩy mạnh hoạt động sản xuất, XK sang các thị trường trọng điểm như: Mỹ, Ba Lan, Kuwait, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mông Cổ, Philippines.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN kỳ vọng có sự khởi sắc và đột phá trong quý 3/2023. |
Còn vào ngày 26/6, Tập đoàn Cicor (một trong những doanh nghiệp sản xuất điện tử hàng đầu của Thụy Sĩ) đã khánh thành nhà máy thứ 4 của họ tại tỉnh Bình Dương. Qua đó không chỉ giúp tăng gấp đôi khả năng sản xuất mà còn đưa nhà máy của tập đoàn này tại Việt Nam đạt đến mức độ sản xuất tầm thế giới, ngang tầm các nhà máy sản xuất tại Thụy Sĩ, Đức và Mỹ.
Giữa bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, những thông tin tích cực về sản xuất kinh doanh, XK, đầu tư như trên từ bản thân doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư vào tháng cuối cùng của quý 2/2023 là điều rất đáng khích lệ, đặc biệt khi các DN trên đà bước vào quý 3/2023 với nhiều kỳ vọng.
Theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Yuanta, tình hình xuất nhập khẩu sẽ khả quan hơn từ quý 3/2023 khi nhu cầu hồi phục tại Mỹ, EU, việc Trung Quốc mở cửa cũng như việc các DN mở rộng các thị trường xuất khẩu mới thay thế.
Các chuyên gia phân tích của Yuanta vẫn giữ quan điểm tích cực về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong trung và dài hạn, và đây cũng là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho đồng USD chảy vào Việt Nam. Khách du lịch quốc tế sẽ hồi phục nhanh hơn trong thời gian tới, đặc biệt từ Trung Quốc vào dịp hè này.
Ngoài ra, tỷ giá trong quý 3 và cho cả quý 4/2023 được dự báo sẽ tiếp tục ổn định, biến động trong biên độ +/- 3%, dưới mức biên độ theo Ngân hàng Nhà nước quy định +/- 5%. Tỷ giá ổn định trở lại sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước ưu tiên ổn định lãi suất, xem xét mua ngoại tệ tăng cung tiền ra nền kinh tế.
Như nhận định từ Yuanta, các DN xuất nhập khẩu cũng như các DN có nợ ngoại tệ lớn sẽ giảm thiểu rủi ro tỷ giá, các DN có dư nợ ngoại tệ lớn có thể sẽ hoàn nhập dự phòng một phần khoản lỗ tỷ giá dù tỷ giá USD/VND đã tạo mặt bằng mới cao hơn so với bình quân năm 2022.
Doanh nghiệp cần 'bắt nhịp' nhanh hơn
Cần nhắc thêm, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2,0%/năm. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động cũng đã giảm 100-130 điểm. Mức giảm này là tiền đề để các DN và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh trong 3 tháng tới.
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng trong hai quý đầu của năm 2023 gần như bị chững lại trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quý 3/2023 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) khởi sắc và có sự đột phá hơn.
Theo ông Dũng, với những DN, nhà đầu tư đã có sự sẵn sàng từ trước thì khi bước vào quý 3 họ sẽ có sự bắt nhịp nhanh hơn. Ngành sản xuất công nghiệp và nông nghiệp trong quý 1 và quý 2 vốn đã chịu nhiều tác động tiêu cực, một khi có sự phục hồi và phát triển tốt trong 3 tháng tới sẽ kéo theo các ngành thương mại, dịch vụ chuyển động theo.
Ngoại trừ những DN, tập đoàn lớn đã có một chuỗi tương đối ổn định, về “sức khỏe” của các DN vừa và nhỏ trong ngắn hạn, vị chuyên gia này lưu ý vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc, tập làm quen với chuỗi mới. Họ sẽ phải lựa chọn mua nguyên liệu sao cho phù hợp, sản xuất phải dùng công nghệ nào, coi lại vấn đề về nhân sự, vốn liếng, còn thị trường tiêu thụ cũng phải tìm nhà mua hàng mới…
“Cho nên, ngoại trừ những DN lớn và siêu lớn, đa số các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong nước cần phải tích cực phục hồi trong 3 tháng tới, dẫu biết rằng khoảng 50% trong số các DN này vẫn đang gặp khó khăn”, ông Dũng chia sẻ.
Trên thực tế, điều mà nhiều DN sản xuất quan tâm khi bước vào quý 3/2023 là làm sao có thể giải quyết được khối lượng lớn hàng tồn kho, cải thiện đơn hàng XK sau quãng thời gian khó khăn, nguồn lực ngày càng lung lay. Không chỉ mong thị trường trong và ngoài nước sớm hồi phục, để cải thiện đầu ra còn đòi hỏi các DN phải cơ cấu lại mặt hàng, tìm hiểu thị trường, sức mua, nhu cầu thực tế của thị trường.
Triển vọng cho sản xuất kinh doanh cho quý 3 còn có thể đến từ việc Quốc hội vừa thông qua quyết nghị giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, được thực hiện từ 1/7 đến hết năm nay (nhưng trừ nhóm hàng viễn thông, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng).
Sau động thái này, điều mà người tiêu dùng trong nước quan tâm là liệu từ ngày 1/7 sau khi giảm thuế thì giá hàng hóa, dịch vụ có giảm theo hay không. Nếu giá hàng hóa giảm và tăng được sức mua thì mối lo về sản xuất kinh doanh của các DN sẽ giảm thiểu được phần nào.
Tuy vậy, mới đây, khi góp ý với Bộ Tài chính về Dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có cho rằng, một số loại hàng hoá, dịch vụ có thể giảm giá 2% khá dễ dàng, nhưng một số loại hàng hoá, dịch vụ có giá đã được làm tròn để dễ thanh toán thì việc điều chỉnh giá biên độ nhỏ (2%) sẽ không khả thi.
Nói chung, để hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN khởi sắc trong quý 3/2023 đang cần những tín hiệu tích cực hơn từ tình hình kinh tế trong và ngoài nước và bản thân các DN cũng phải thích nghi với bối cảnh mới, với biến động cung cầu. Về phía cơ quan quản lý và khâu chính sách cũng cần có những động tác hỗ trợ nhiều hơn cho thị trường và cho DN trong 3 tháng tới.
Thế Vinh