Trên thực tế, khối ngoại hiện đang chiếm tới 60 – 70% kim ngạch XK của nhiều ngành. Vì vậy, họ hưởng lợi nhiều hơn từ CPTPP là điều khó tránh khỏi.
Báo cáo tác động kinh tế của Hiệp định CPTPP được Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện dự báo XK sẽ tăng thêm 4,2% và sẽ tăng cao hơn mức 6,9% với kịch bản có năng suất tăng. “Tính đến năm 2030, XK sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng XK”, WB cho biết.
Xuất khẩu sẽ bứt phá
Theo quy định của CPTPP, mức thuế suất xuất nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng cho các DN Việt Nam XK sang các thị trường CPTPP sẽ giảm từ 1,7% xuống 0,2%.
Hàng rào phi thuế quan áp dụng đối với Việt Nam tại các thị trường CPTPP dự kiến sẽ giảm bình quân 3,6 điểm phần trăm tính tương đương thuế quan theo giá hàng.
Theo dự báo, XK sang các nước thành viên CPTPP sẽ tăng ở các ngành “thực phẩm, đồ uống, thuốc lá”, “may mặc, hàng da” và “dệt may”, để tính chung các ngành này sẽ tăng XK lần lượt được 10,1 tỷ USD, 6,9 tỷ USD và 0,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là các DN trong nước có nắm bắt được cơ hội này không? Thực tế nhìn lại năm 2017 vừa qua được xem là một năm đặc biệt thành công của XK.
Lần đầu tiên, XK của Việt Nam đã vượt mốc 200 tỷ USD, với mức tăng trưởng trên 21%, là mức tăng rất ấn tượng trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu vẫn đang ở mức thấp.
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 70% giá trị XK. Một số mặt hàng chiếm tới 100% kim ngạch XK như điện thoại di động.
Người đứng đầu ngành công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thừa nhận XK vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khu vực DN FDI, trong đó, nhóm các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo với giá trị gia tăng vẫn chủ yếu do các DN FDI chiếm lĩnh.
Ngay với CPTPP, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chia sẻ: Hiệp định sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng XK cũng như thay đổi cơ cấu thị trường XK theo hướng cân bằng hơn.
Tuy nhiên, ông Cẩm nhìn nhận các DN FDI được đánh giá sẽ nhanh chân hơn DN nội trong việc tận dụng ưu đãi thuế từ CPTPP, khi họ có đủ tiềm lực để giải quyết các vấn đề mà DN trong nước đang gặp phải.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, chia sẻ rằng mối lo nhất là các DN FDI có nguy cơ hưởng lợi nhiều hơn DN trong nước vì họ là những DN mạnh về tài chính, công nghệ nên đã đầu tư theo chuỗi và hưởng lợi. Trong khi đó, các DN Việt Nam vừa yếu về tài chính, công nghệ, trang thiết bị… nên kém cạnh tranh hơn.
“Vì vậy, để phát triển và tìm kiếm các cơ hội ở những thị trường mới, các DN cần đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng, nâng cao công tác quản trị, chất lượng nguồn nhân lực…”, ông Vũ nói.
Thị trường xuất khẩu trong từng FTA tínhđếnnăm 2030 (nguồn Ngân hàng Thế giới)
Phải biết liên kết với nhau
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, CPTPP sẽ mang tới cơ hội nhiều hơn thách thức cho ngành gỗ, tuy nhiên Nhà nước cần có những cơ chế chính sách để cho khối DN nội tận dụng tốt thời cơ này.Theo ông Quyền, hiện nay, các DN FDI đang chiếm hơn 42% kim ngạch XK của ngành gỗ.
Với ngành gỗ, ông Quyền cho rằng không thể cấm DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách thu hút FDI cần thay đổi, quản lý ra sao để các DN ngoại đóng góp nhiều hơn cho mục tiêu phát triển bền vững của ngành, có trách nhiệm hơn đối với ngành, như xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ cao.
“Chứ không chỉ đơn thuần là mua nguyên liệu từ một nước, sau đó chọn Việt Nam để gia công rồi xuất đi để hưởng lợi thuế quan”, ông Quyền nói.
Ở góc độ chuyên gia, Ts. Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Tp.HCM, cho rằng không nên cứ nói rằng tại sao nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào FDI và chỉ họ mới làm được XK. Mặc dù cũng phải thừa nhận DN FDI có những thuận lợi hơn DN nội như có quản trị tốt hơn, có chuỗi phân phối, hệ thống toàn cầu, dòng tài chính tốt hơn…
Theo ông Lịch, thay vào đó, DN trong nước nên nhìn thẳng vào sự thật là hiện nay tiềm lực của DN rất yếu, liên kết với nhau kém. Do vậy, để tận dụng cơ hội từ CPTPP nói riêng và các FTA nói chung, khối DN trong nước phải xây dựng chiến lược dài hạn, liên kết mới có thể giúp cho nhau tham gia vào chuỗi giá trị. Trong đó, những DN lớn cần dẫn dắt các DN nhỏ vào chuỗi sản xuất của mình.
“Không còn cách nào khác là DN trong nước cần tính lại con đường mình đi. Nếu không làm thì sẽ mất cơ hội và để nước ngoài họ đầu tư, hưởng lợi tại Việt Nam”, ông Lịch cảnh báo.
Bên cạnh đó, một trong những điều kiện thành công trong CPTPP là Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ để DN nhỏ và vừa có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ts. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhấn mạnh, các DN trong nước cần lấy tấm gương ăn nên làm ra của các DN FDI mà răn mình, để nỗ lực, có chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn, tránh sự phụ thuộc đến mức thấp nhất vào khối các DN FDI.
Hơn nữa, để tận dụng tốt cơ hội, DN cần phải có sự chuẩn bị. Vừa qua, nghiên cứu từ các FTA cho thấy có 63% DN không có chuẩn bị gì cho các FTA trong tương lai. Chính điều này khiến cho DN nội không tận dụng cơ hội từ hội nhập tốt như DN nước ngoài.
Theo Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nếu DN không có chiến lược dài hạn, không chú ý đầu tư phát triển nguồn nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến thì không những không tận dụng được cơ hội từ hội nhập mà còn gây hại tới môi trường kinh doanh.
Lê Thúy
Ts. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Hội nhập là quan trọng, nhưng hội nhập như thế nào để có được giá trị gia tăng, nâng cao công nghệ còn quan trọng hơn. Hội nhập phải đi đôi với năng lực cạnh tranh, sản xuất và nâng cao mức sống của người dân. Thu hút FDI cần có tầm nhìn dài hạn, chứ không thể để FDI biến Việt Nam thành điểm tựa để XK. Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương Không thể phủ nhận vai trò của khối DN FDI đối với XK của Việt Nam. Thực tế, nhờ có khu vực FDI làm động lực, Việt Nam mới giữ được tốc độ tăng trưởng XK như hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, các DN trong nước phải nỗ lực hơn nữa, lấy DN FDI làm động lực để phát triển, hạn chế đến mức thấp nhất sự phụ thuộc, đảm bảo tăng trưởng bền vững. Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco)
Để tận dụng cơ hội trong CPTPP, các DN Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại sân nhà. Nếu không có hướng đi hợp lý, mạnh về tài chính thì rất có thể nhiều DN phải bán lại thương hiệu cho công ty nước ngoài hoặc phải đi gia công cho các thương hiệu và phân phối ngay tại thị trường trong nước. |