Tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức, sáng ngày 3/10, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Cho đến nay, đã có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả các quốc gia đang phát triển ban hành các chiến lược, chương trình hành động liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều tên gọi khác nhau.
Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp 4.0 |
Bên cạnh đó, nhiều nước cũng xây dựng và triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia - một trong những nội dung cốt lõi của tham gia cách mạng công nghiệp 4.0. Đối với Việt Nam, nhiều kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dự báo việc tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông...
Tuy vậy, ông Bình đánh giá mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình, năm 2018 Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia; thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới của cách mạng công nghiệp 4.0...
Xuất phát từ thực tế nêu trên, để nắm bắt và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp này để phát triển bứt phá, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, xây dựng và ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị là quan trọng nhưng đưa Nghị quyết nhanh chóng vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp này có tầm quan trọng không kém. Do đó, với tinh thần “cách mạng” đòi hỏi sự vào cuộc nhanh chóng.
Để Việt Nam không bỏ lỡ cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài những nỗ lực tự thân của mình, Việt Nam cần sự giúp đỡ, hợp tác và chia sẻ của các nước cũng như các doanh nghiệp quốc tế. Với tinh thần xác định “nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”, Việt Nam mong muốn được mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác về khoa học, công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đang đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 được xây dựng trên tư tưởng "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên". Gồm 3 nền tảng chính: Đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế, phát triển hạ tầng kết nối, phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng.
"Tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đối với chúng ta, đây còn là một chủ trương lớn, quan trọng, một định hướng mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước", ông Dũng nhấn mạnh.
Để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng Việt Nam cần một nguồn lực to lớn, một kế hoạch hành động hiệu quả, thiết thực; cần có sự tham gia của cả xã hội, nhất là các doanh nghiệp, và sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế.
Lê Thúy