Khảo sát 2.000 doanh nghiệp (DN) thuộc Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội cho thấy có đến 79% trả lời chưa chuẩn bị cho cuộc CMCN 4.0; 55% cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu; 19% đã xây dựng kế hoạch và chỉ có 12% đang triển khai các biện pháp ứng phó.
Thiếu sự chuẩn bị
Đối với các DN không quan tâm đến CMCN 4.0, 67% cho biết không thấy liên quan và ảnh hưởng nhiều đến DN, 56% cho rằng lĩnh vực hoạt động của mình không bị tác động nhiều; 76% cho rằng chưa hiểu rõ bản chất cuộc CMCN 4.0. Trong khi đó, có đến 54% khẳng định chưa có nhu cầu.
Ts. Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Nghiên cứu và Dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), cho hay trong cuộc CMCN 4.0, cộng đồng DN sẽ chính là một trong những chủ thể quan trọng tham gia và quyết định sự thành công hay thất bại của quốc gia. Tuy nhiên, các DN hiện nay đa số vẫn có quy mô nhỏ và vừa.
Mặt khác, trình độ quản trị và vận hành còn chưa đồng đều, nguồn nhân lực cả về quản lý và chuyên môn vẫn có hạn. Trong khi đó, để tồn tại và phát triển trong điều kiện hiện nay, cụ thể là tham gia tích cực vào cuộc CMCN 4.0, DN cần phải giải quyết cùng lúc ba vấn đề liên quan là công nghệ; kinh nghiệm điều hành, quản lý theo chuỗi; và nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Ts. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia, cho rằng đổi mới là chìa khóa để nâng cao năng suất và cải thiện sức cạnh tranh của DN, ngành và nền kinh tế. Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra sôi động trên toàn thế giới, đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi để DN không bị tụt hậu và ra khỏi thị trường.
Tuy nhiên, hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn đầu. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 (Diễn đàn Kinh tế thế giới), về trụ cột đổi mới, Việt Nam xếp hạng trung bình trong khu vực, tương đương Philippines và chỉ xếp trên Brunei, Lào, Campuchia. Điểm số của Việt Nam không thay đổi nhiều trong 5 năm gần đây, tăng từ 3,1 điểm lên 3,3 điểm.
Tổng chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam đã tăng theo thời gian: năm 2002 chiếm gần 0,18% GDP, năm 2011: 0,19% GDP, năm 2013: 0,374% GDP… Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, mức đầu tư cho R&D của Việt Nam còn nhỏ bé cả về tỷ lệ GDP và giá trị. DN thuộc các ngành có trình độ công nghệ thấp vẫn chiếm tới hơn 60% số lượng, trong khi ngành công nghệ trung bình cao và cao mới có khoảng 13,5% DN.
Phân tích ở ngành công nghiệp và chế biến, tính trung bình chỉ có khoảng 6,5% DN có R&D công nghệ trong giai đoạn 2011- 2016. Nguyên nhân là do thiếu vốn, thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật, thiếu máy móc hiện đại.
Theo khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, tỷ lệ nhập khẩu công nghệ trung bình của Việt Nam chỉ ở mức 10% (thấp hơn nhiều con số trung bình 40% của các nước đang phát triển), trong đó nhiều công nghệ thuộc thập niên 1980 – 1990 và 75% máy móc đã hết khấu hao.
Mức đầu tư cho R&D của Việt Nam còn nhỏ bé cả về tỷ lệ GDP và giá trị |
Vì sao chậm đổi mới?
Sự yếu kém trong cải tiến công nghệ của các DNNVV xuất phát bởi các yếu tố chi phối đến khả năng đổi mới của DN, như quy mô nguồn lực của DN, đặc điểm của chủ DN, cơ chế chính sách cho đổi mới sáng tạo…
Ts. Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và Dự báo (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia), cho biết nhiều DN nhận thức được lợi ích từ việc đổi mới, cải tiến công nghệ, nhưng khi đối mặt với những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, họ đành chấp nhận không cần phải ưu tiên đầu tư giải quyết.
PGs. Ts. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng những năm gần đây, nhiều DNNVV đã coi trọng đầu tư đổi mới công nghệ, kể cả sử dụng robot trong công nghiệp cơ khí, nhựa… Tuy vậy, vẫn còn không ít lực cản với CMCN 4.0.
So sánh với các DN FDI, DN trong nước do quy mô quá nhỏ nên không đủ vốn đầu tư đổi mới công nghệ, lại chưa nhận được sự giúp đỡ thiết thực từ tín dụng ngân hàng, quỹ hỗ trợ của Nhà nước, từ các DN lớn khi tham gia chuỗi giá trị, nên vẫn phải sử dụng công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả.
Cùng với đó, một số bộ ngành do thiếu tầm nhìn chiến lược đối với CMCN 4.0 nên không kịp thời sửa đổi, bổ sung thể chế, luật pháp để thích ứng với phương thức kinh doanh mới; trong khi đó, vì nhu cầu cấp thiết như cân đối ngân sách đã điều chỉnh các luật thuế gây trở ngại cho DN trong quá trình tích tụ vốn để đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô kinh doanh.
Việc thực hiện Chính phủ hành động, Chính phủ điện tử tuy đã có tiến bộ nhưng còn xa mới đáp ứng được đòi hỏi của người dân và DN, bộ máy công quyền, công chức nhà nước là hai nút thắt cần được tháo gỡ.
Ông Mại nhấn mạnh: "CMCN 4.0 thay đổi cơ bản quản lý nhà nước và quản trị DN. Chính phủ điện tử và quản trị DN trong thời đại kỹ thuật số đòi hỏi không những thiết lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin hiện đại, mà còn thay đổi tư duy và hành động của công chức nhà nước và cán bộ quản lý DN để đạt được hiệu quả kinh tế – xã hội cao hơn với chi phí về thời gian và tiền của ít hơn".
Các chuyên gia cũng cho rằng hiện nay thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ DNNVV trong đổi mới công nghệ. Đánh giá từ các cuộc điều tra cho thấy DN khó có thể tiếp cận được với các nguồn thông tin như các cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ, còn thiếu sự kết nối giữa DN và các nguồn R&D công nghệ.
Vì vậy, Chính phủ cần có những hoạt động trợ giúp DN để DN tham gia nhiều hơn vào các hoạt động R&D tăng dần theo các năm. Bên cạnh đó, có chiến lược, chính sách thúc đẩy sự hợp tác giữa DN và viện nghiên cứu, trường đại học, tăng cường hợp tác giữa các DN, đặc biệt là giữa các tập đoàn xuyên quốc gia, đa quốc gia với các DN trong nước.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, chính bản thân mỗi DN phải ý thức được rằng đổi mới là chìa khóa để tận dụng thời cơ từ CMCN 4.0.
Lê Thúy
Ts. Đặng Đức Anh - Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH Quốc gia Năng lực đổi mới công nghệ của DNNVV vẫn còn rất thấp, không chỉ chênh lệch lớn so với khu vực mà còn trên cả thị trường trong nước khiến DN có sức cạnh tranh kém, khó có thể mở rộng thị trường và phát triển hơn. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, CMCN 4.0, nếu tiếp tục như hiện nay, DNNVV có thể mất chỗ đứng ngay cả trên sân nhà. Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hà - Viện Chiến lược phát triển Việt Nam cần phải khẩn trương ban hành một chiến lược CN 4.0, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và quan trọng là hình thành khung pháp lý và các cơ chế chính sách liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đo lường đánh giá mức độ sẵn sàng 4.0 với quốc gia, các địa phương và các ngành theo từng năm. PGs. Ts. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Cần coi trọng chính sách kết nối DN FDI với DN trong nước để khắc phục nhược điểm chuyển giao công nghệ, tác động lan tỏa của DN FDI còn hạn chế, đồng thời phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua đó, nâng cao tiềm lực kinh tế của DN trong nước, hướng đến mục tiêu 1 triệu DN tư nhân vào năm 2020, trong đó DNNVV có quy mô lớn hơn nhiều, có hàng trăm tập đoàn kinh tế tư nhân hoặc hỗn hợp tầm cỡ khu vực và thế giới. |