Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (JVEPA) là hiệp định tự do hóa thương mại song phương đầu tiên của Việt Nam và là hiệp định đối tác kinh tế thứ 10 của Nhật Bản.
Theo cam kết của phía Nhật Bản, thuế suất bình quân với hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản sẽ giảm dần xuống 2,8% vào năm 2018. Nhật Bản cam kết sẽ giảm thuế suất cho 95% tổng số dòng thuế, trong đó khoảng vài nghìn dòng thuế xuống 0%.
Tận dụng ưu đãi thấp
Cùng với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Nhật Bản được đánh giá là thị trường xuất khẩu (XK) tiềm năng của hàng Việt. Tuy nhiên, thực tế, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam chưa cao.
Theo Ts. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong AJCEP, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan của hàng Việt chỉ đạt 33%, thấp hơn nhiều nước ASEAN cũng như thấp hơn mức độ tận dụng trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA).
Tốc độ tăng trưởng XK và tận dụng ưu đãi từ VJEPA cũng thấp hơn so với FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – Mỹ…
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), đánh giá Việt Nam có nhiều cơ hội tận dụng ưu đãi để tăng trưởng thương mại với Nhật Bản. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội còn rất nhiều việc phải làm.
Hiện nay, với JVEPA, Việt Nam mới chỉ tận dụng được khoảng 34- 35% ưu đãi thuế quan, thấp hơn nhiều khi so sánh với FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam- Chile.
Bộ Công Thương từng lý giải một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tận dụng ưu đãi này chưa cao là do quy tắc xuất xứ AJCEP và VJEPA được coi là chặt nhất trong số các FTA.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, trong JVEPA, Nhật Bản dành khá nhiều thuận lợi cho Việt Nam, nhưng đáng tiếc Việt Nam không tận dụng được như các quốc gia có FTA với Nhật Bản.
Bằng chứng là thời gian vừa qua, tăng trưởng XK hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản khá chậm chạp, dường như mới chuyển hướng XK chứ chưa cố gắng tạo thêm những mặt hàng mới, gia tăng chất lượng để nâng cao giá trị thu về từ XK.
Bà Lan ví dụ như mặt hàng tôm, thị trường Nhật Bản rất mở, tuy nhiên vì làm hời hợt nên một số DN Việt Nam đã bị phía Nhật "tuýt còi" về vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn tới việc kiểm tra và giám sát tất cả mặt hàng tôm của Việt Nam nhập khẩu…
"Ai cũng nói thị trường Nhật là thị trường cao cấp, khó tính và đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Tuy nhiên, một số DN Việt hoặc nhiều DN của các quốc gia khác vẫn đáp ứng được. Tại sao những DN còn lại của Việt Nam không cố gắng vượt lên, làm tốt hơn để đưa hàng hóa XK sang Nhật với giá trị cao, thay vào đó cứ muốn làm hàng tầm tầm, chất lượng thấp để bán sang Trung Quốc cho dễ. Với tư tưởng như vậy, DN Việt sẽ không bao giờ phát triển được", bà Lan chia sẻ.
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản chưa đạt kỳ vọng từ FTA |
Tránh "lắm mối, tối nằm không"
Theo bà Lan, sắp tới, khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực tiếp tục mở ra cánh cửa rộng lớn cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường Nhật.
Nhật Bản quyết định mở cửa thị trường nông sản, giảm thuế cho các mặt hàng xưa nay bảo hộ cao. Đây là cơ hội cho Việt Nam tăng tỷ trọng XK nông sản vào Nhật Bản, chuyển cấp nền nông nghiệp sang các mặt hàng giá trị gia tăng cao, chất lượng đảm bảo.
"Tuy nhiên, muốn nắm bắt cơ hội, chúng ta buộc phải thay đổi, chủ động hơn, chứ đừng ngồi chờ một cách thụ động", bà Lan nói.
Ông Đặng Văn Thái, Giám đốc công ty Artex Gobelin, chia sẻ người Nhật Bản rất quý gạo hương lài – loại gạo được trồng ở cả Việt Nam và Campuchia. Trong các siêu thị, loại gạo này cũng được bán với giá khá cao.
Tuy nhiên, nếu như gạo Campuchia XK với giá trên 850 USD/ tấn thì Việt Nam chỉ bán được khoảng 600- 650 USD/tấn, do khác nhau về phương thức sản xuất. Các sản phẩm hữu cơ, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của người Nhật sẽ được chào đón và trả giá cao.
Ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM, thẳng thắn cho rằng dường như Việt Nam luôn trông chờ vào đối tác tự cho mình cơ hội, mà không thấy rằng nỗ lực của mình trong mối quan hệ đó là quan trọng nhất.
"Chúng ta có câu "lắm mối, tối nằm không". Hiện nay, Việt Nam đã tham gia ký kết, thực thi và đang đàm phán 17 FTA, trong đó đã ký và có hiệu lực 10 FTA, đã ký nhưng chưa có hiệu lực 2 FTA, kết thúc đàm phán 2 FTA và 3 FTA đang đàm phán. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta mất nhiều hơn được. Hàng hóa nước ngoài "tấn công" thị trường nội địa, trong khi hàng Việt vẫn không thể tận dụng được các ưu đãi mà FTA đem lại".
Lý giải cho điều này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam – Nhật Bản rất tiềm năng. Việt Nam còn có thể làm được nhiều hơn nữa, có điều là cần phải hành động.
"Việt Nam ký nhiều FTA nhưng bản thân cải cách trong nước lại chậm trễ, dẫn tới DN Việt không tận dụng được cơ hội. DN chủ yếu quy mô nhỏ, khó có khả năng cạnh tranh. Do vậy, chúng ta cần tự xem xét lại mình và có nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn từ Chính phủ tới DN", ông Doanh lưu ý.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng muốn tận dụng được các cơ hội, trước hết phải cải cách trong nước. Cải cách theo hướng thị trường, dân chủ, tự do hơn. Nếu Nhà nước dẫn dắt, áp đặt từ trên xuống có thể đem đến thành tựu trước mắt nhưng chắc chắn không bền vững về dài hạn.
Lê Thúy
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO Với vai trò đảm nhiệm công tác hỗ trợ cho DN Việt Nam khi thực thi các FTA, chúng tôi chỉ mong muốn trong thời gian tới làm thế nào tận dụng tốt hơn các cơ hội, sáng kiến chung, chương trình hỗ trợ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chấm dứt tình trạng kỳ vọng nhiều nhưng hiện thực chưa được bao nhiêu như hiện nay. Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) Lợi ích tham gia FTA Việt Nam – Nhật Bản nói riêng và các FTA cần phải được đo đếm, cũng như đến với người dân, người lao động và cộng đồng DN. Trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, chúng ta không chỉ chờ phía Nhật Bản kéo mình tiến lên mà chính chúng ta phải đi nhanh. Không phải XK bao nhiêu mà tăng trưởng chất lượng, giá trị thế nào. Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế Lâu nay, chúng ta cứ coi Trung Quốc là thị trường dễ tính nhưng thực tế cho thấy không phải vậy, thấy rõ từ cách nay mua mai bỏ tới yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Điều này cho thấy Việt Nam càng cần từ bỏ tư tưởng làm hàng rẻ, hàng đại trà cho dễ bán. Thay vào đó, chú trọng làm hàng chất lượng cao, đáp ứng các đòi hỏi khắt khe của nhiều thị trường và đem về giá trị gia tăng cao hơn. |