Sáng 20/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Với 452/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,2%).
Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) với 452/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,2%) |
Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 10 chương, 96 điều với nhiều nội dung mới nổi bật, quan trọng, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019.
Một trong những điểm chú ý là Điều 20 Luật này quy định, người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn...; không được để người thân kinh doanh trong những lĩnh vực mà mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước; không được để người thân giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu...
Về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, theo Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề mới, lần đầu tiên đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.
Trong khi đó, tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội và pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản thì việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp. Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo Luật mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành.
Thy Lê