Cho ý kiến về Báo cáo Phòng chống tham nhũng (PCTN) của Chính phủ năm 2018, hầu hết các đại biểu đều nhận định, báo cáo đã đề cập sát hơn về tình hình đấu tranh PCTN có chuyển biến tích cực, chủ động hơn, không có vùng cấm, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được đưa ra xét xử, thể hiện quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước.
Tham nhũng vặt còn nhức nhối
Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học (Đoàn Phú Yên) đánh giá trong năm 2018, công tác đấu tranh PCTN có diễn biến tích cực, tỷ lệ xử lý hành vi tham nhũng cao hơn nhiều so với mọi năm.
Bên cạnh những kết quả, báo cáo PCTN của Chính phủ đã thẳng thắn đề cập những hạn chế, tồn tại vướng mắc, cũng như chỉ rõ nguyên nhân bắt nguồn từ đâu và giải pháp khắc phục.
Đưa ra sự so sánh, đại biểu Nguyễn Thái Học nêu, trước đây Chính phủ đánh giá PCTN là “nghiêm trọng và phức tạp, diễn ra ở các cấp các ngành”, còn năm nay đánh giá nêu “tham nhũng đang từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm”. Đây là một kết quả vượt bậc cần phát huy và nhân rộng.
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Thái Học nói: “Người dân tiếp cận với các cấp cơ sở phản ánh tham nhũng vặt vẫn còn nhức nhối. Lòng dân vẫn chưa yên do hàng ngày, hàng giờ vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, vòi vĩnh trong một bộ phận cán bộ thực thi công vụ, làm ảnh hưởng niềm tin của người dân”.
Từ đó, đại biểu Nguyễn Thái Học khẳng định, dù quyết tâm nhưng cũng chưa có sự đồng bộ, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, vẫn còn có một bộ phận cơ quan đơn vị chưa thật sự chú ý đến việc phát hiện và xử lý hành vi tiêu cực tham nhũng ngay trong cơ quan đơn vị của mình.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) đánh giá, nếu các các nhóm tham nhũng trục lợi chính sách làm suy kiệt về kinh tế, thì tham nhũng vặt về số lượng đông đảo cũng có sức gây hại rất lớn đối với đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt làm giảm niềm tin của người dân.
Tham nhũng vặt đã làm tha hóa biến chất nhiều công chức |
Vẫn lo “trên nóng dưới lạnh”
Để xử lý loại tội phạm này không dễ vì số lượng đông, diễn ra mọi lúc, mọi nơi và trong nhiều lĩnh vực theo các hình thức, như đưa phong bì lót tay, nhờ người chạy điểm, chạy việc, chạy chức, chạy án... đã trở thành thói quen.
“Tham nhũng vặt thực sự đã làm tha hóa biến chất nhiều công chức và lâu dần trở thành nét văn hóa xấu xí của người Việt”, bà Hoa nói và đề nghị cần có sự nghiên cứu, đánh giá tổng thể nguyên nhân, tác hại cũng như có giải pháp để ngăn chặn vấn nạn này.
Đóng góp thêm giải pháp PCTN, bà Hoa đề xuất không coi vấn đề lót tay, chung chi là một phần tất yếu trong giao dịch; Kiên quyết nói không với tiếp tay cho tham nhũng; Thanh lọc bộ máy công quyền để tiến tới chấm dứt nạn tham nhũng vặt.
Trong khi đó, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) lo ngại thực trạng “trên nóng, dưới lạnh” sẽ khiến “tinh thần đấu tranh PCTN lắng xuống”.
Lý giải vấn nạn trên, theo bà Hạnh, trong thực tế vẫn có không ít trường hợp hô hào rất mạnh mẽ về chống tham nhũng, nhưng sau lưng lại âm thầm tiếp tay để được việc cho mình. Từ đó, đại biểu này cho rằng giữa lời nói và việc làm phải đồng bộ từ trên xuống dưới, từ cán bộ Đảng viên thực thi công vụ đến người dân, từ người trực tiếp tiếp xúc, tiếp cận công việc đó thì trên cũng nóng và dưới cũng nóng.
Do đó, bà Hạnh đề xuất để dưới không còn lạnh thì kinh điển nhất vẫn quy trách nhiệm đến cùng với người đứng đầu khi xảy ra tình trạng tham nhũng tại cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
Ngoài ra, để PCTN rất cần sự chia sẻ thông tin từ người dân. Thực tế cho thấy, các vụ tham nhũng từ lớn đến bé, từ to đến nhỏ đều khởi nguồn chủ yếu từ hai “kênh” chính: người dân cung cấp và báo chí tố cáo.
Thanh Hoa