Mới đây CTCP Thế Giới Số (DWG) đã phải gửi văn bản đến cổ đông để cập nhật tình hình kinh doanh sau khi giá cổ phiếu của công ty trong tuần vừa qua giảm sâu. Công ty cho biết, tình hình thị trường khó khăn, đang tích cực làm việc với các nhãn hàng như Apple, Xiaomi, HP, Dell, Acer, Asus,…để kích cầu cũng như tăng nguồn cung phục vụ thị trường.
Chịu tác động ròng tiêu cực
Điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính riêng (chưa tính các công ty con), tính tới cuối tháng 10/2022 cho thấy tổng nợ phải trả của DWG đạt 3.787 tỷ đồng. Còn trong báo cáo tài chính hợp nhất Quý 3/2022 cho thấy, tổng nợ phải trả là hơn 4.369 tỷ đồng (trong đó nợ ngắn hạn là hơn 4.359 tỷ đồng), trong khi vốn chủ sở hữu là hơn 2.240 tỷ đồng.
Nhóm ngành tiêu dùng không thiết yếu đối mặt sức mua giảm mạnh hơn kỳ vọng, dưới áp lực lạm phát, lãi suất tăng và biến động tỷ giá. |
DWG là một trong những doanh nghiệp (DN) lớn ở lĩnh vực phân phối bán lẻ các mặt hàng công nghệ. Theo giới phân tích, những công ty kinh doanh ngành tiêu dùng không thiết yếu như DWG đang chịu tác động tiêu cực ròng từ môi trường tài chính kém thuận lợi trong thời điểm cuối năm.
Tác động ròng này có thể thấy rõ từ môi trường lãi suất tăng và đồng VND mất giá so với USD là tiêu cực lên hầu hết các công ty này. Và chỉ có những công ty nào có nền tảng tài chính mạnh thì mới có thể giảm thiểu được phần nào tiêu cực.
Không chỉ vậy, đầu ra của các mặt hàng không thiết yếu trong mùa mua sắm cuối năm nay cũng là cả vấn đề. Như trong nhóm mặt hàng máy tính, theo đánh giá từ một số công ty nghiên cứu thị trường, dự kiến doanh thu của thị trường laptop trong Quý 4/2022 sẽ sụt giảm so với quý trước đó và so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, trên thị trường laptop, số liệu hồi năm ngoái cho thấy DWG chiếm thị phần 38%. Còn CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) chiếm 4% và CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) chiếm 25%. Đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các đối thủ khác nên việc có giữ được thị phần hay không là điều không hề đơn giản.
Tuy vậy, với mặt hàng điện tử tiêu dùng (CE), doanh thu thị trường trong Quý 4/2022 được dự kiến sẽ phục hồi đáng kể so với quý trước đó nhờ yếu tố thời vụ, gồm sự kiện World Cup và Tết Nguyên đán 2023.
Mới đây, trong báo cáo cập nhật ngành hàng tiêu dùng - hàng không thiết yếu vào tháng 11/2022, bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vẫn kỳ vọng tiêu thụ nhóm hàng không thiết yếu diễn biến tốt trong Quý 4/2022, thúc đẩy bởi yếu tố thời vụ: World Cup, mùa cưới và Tết âm lịch 2023 đến sớm hơn thường lệ. Tiêu thụ laptop có khả năng tiếp tục trở lại bình thường.
Thế nhưng, theo BVSC, triển vọng 2023 đối với hàng hóa không thiết yếu kém thuận lợi hơn dưới áp lực lạm phát. Điện tử tiêu dùng có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tăng trưởng, nguyên do thị trường bất động sản trầm lắng và lãi suất cao hơn.
Lo khó khăn sẽ còn tiếp diễn
Xét về thế khó của ngành tiêu dùng không thiết yếu trong thời gian tới, ngoài tác động tiêu cực của môi trường tài chính kém thuận lợi, giới chuyên gia tỏ ra quan ngại sức mua giảm mạnh hơn kỳ vọng, dưới áp lực lạm phát, lãi suất tăng và biến động tỷ giá.
Hơn nữa, nguồn cung trong ngành hàng này tiếp tục thiếu hụt, do chính sách zero-Covid tại Trung Quốc. Thị trường bất động sản trầm lắng ảnh hưởng đến nhu cầu điện máy. Và việc cắt giảm việc làm tác động đến nhóm người tiêu dùng công nhân.
Bên cạnh sức mua của nhóm mặt hàng điện tử tiêu dùng không có nhiều chỉ dấu tươi sáng, thì đầu ra của các sản phẩm cao cấp hơn (chẳng hạn như điện thoại di động cao cấp, đồ trang sức thời trang và ô tô) cũng đang là dấu hỏi lớn trong thời gian tới.
Như với mảng trang sức thời trang, doanh thu trong Quý 4/2022 dự kiến phục hồi so với quý trước đó và tăng nhẹ so với cùng kỳ khi bước vào mùa cao điểm. Thế nhưng, doanh thu trang sức toàn thị trường năm 2023 được dự báo sẽ sụt giảm so với mức cao của năm nay.
Hay với mảng xe máy. Sản lượng tiêu thụ trong Quý 4/2022 có thể phục hồi so với quý trước đó và cùng kỳ năm ngoái nhờ nguồn cung nới lỏng và bước vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, những dự báo cho thấy sản lượng xe máy trong năm 2023 sẽ giảm 5% so với năm nay do lạm phát tác động lên người mua xe máy (chủ yếu thuộc nhóm khách hàng đại chúng) và thị trường bão hòa.
Thực tế cho thấy các công ty trong ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu đang trải qua thời gian khó khăn không chỉ trong quý cuối cùng của năm nay mà còn sang cả năm tới khi người tiêu dùng Việt có xu hướng tiết kiệm hơn trong việc chi tiêu. Trong khi đó, theo bộ phận phân tích của BVSC, việc tăng giá bán có thể diễn ra trong thời gian tới khi mà cả nhà phân phối và bán lẻ đang cố chuyển phần chi phí gia tăng từ nhập khẩu sang khách hàng cuối.
Để hạn chế tác động tiêu cực, điều quan trọng là các công ty trong ngành hàng này bắt buộc phải quản lý tồn kho và thanh toán tốt hơn nhằm giảm đòn bẩy, điều mà họ đã thực hiện trong thời gian qua.
Mặt khác, nhằm khơi thông đầu ra tốt hơn thì các doanh nghiệp sẽ phải đẩy mạnh bán hàng qua kênh trực tuyến. Nhất là theo dự báo trong các năm tới có khoảng 55% khách hàng của các nhãn hàng xa xỉ phẩm thuộc về Thế hệ Y & Z (những người sinh trong giai đoạn từ 1981 – 2012). Trong khi đó, các kênh số ảnh hưởng tới 60% khả năng mua hàng của người tiêu dùng ở nhóm khách hàng này.
Cho nên, để phần nào thoát khỏi mớ "tơ vò" đòi hỏi các công ty nhóm ngành tiêu dùng không thiết yếu cần xây dựng hệ sinh thái số nhằm hình thành lợi thế cạnh tranh trước xu hướng mua sắm của thế hệ khách hàng mới.
Thế Vinh