Khi đại dịch Covid-19 ghìm sức mua thì hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành ô tô ở Việt Nam đã bị ảnh hưởng khá lớn. Báo cáo mới đây của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 6/2020 giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Áp lực vẫn đè nặng
Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 32%, xe thương mại giảm 25% và xe chuyên dụng giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến hết tháng 6/2020, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 43% trong khi xe nhập khẩu giảm 21% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ tồn kho cao đang đè nặng áp lực lên các DN ngành chế biến, chế tạo |
Chỉ số tồn kho của ngành sản xuất ô tô nói riêng và sản xuất xe có động cơ nói chung hiện nay được ghi nhận là tăng kỷ lục. Theo số liệu mới công bố của Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ số tồn kho của sản xuất xe có động cơ đã tăng đến 129,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tồn kho trong nửa đầu năm nay được đánh giá là tăng cao so với cùng thời điểm năm trước. Điển hình như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng đến 156,2%.
Bộ Công Thương lưu ý tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2020 khá cao với 78,9%. Trong đó, một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: dệt 118,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 104,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 103,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 96,5%; sản xuất chế biến thực phẩm 96%.
Ở góc độ một doanh nghiệp (DN) trong ngành nhựa được cho là có chỉ số hàng tồn kho khá lớn, ông Phan Văn Quân, Tổng giám đốc CTCP Sản xuất và thương mại nhựa Việt Thành, cho biết sản phẩm của công ty trong mùa dịch Covid-19 không phải là mặt hàng thiết yếu, tâm lý người tiêu dùng ít mua sắm sản phẩm gia dụng nên DN khó khăn trong đầu ra, dẫn đến tăng tỷ lệ hàng tồn kho là khó tránh khỏi.
“Đến nay cũng đã hết nửa năm rồi, do ảnh hưởng dịch bệnh nên rõ ràng hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty không thể bằng năm trước. Và chúng tôi cũng hy vọng sẽ dần dần lấy lại thị trường nhưng cũng không thể nào như mong muốn trong kế hoạch đề ra cho năm 2020”, ông Quân nói.
Có thể thấy, việc gia tăng chỉ số hàng tồn kho đang “đè nặng" thêm áp lực lên nhiều DN trong lĩnh vực chế biến, chế tạo hiện nay, khi mà xu hướng phục hồi hậu Covid-19 vẫn còn chưa rõ ràng, nhất là từ thị trường xuất khẩu (XK), trong khi sức mua ở thị trường trong nước thì đang có giới hạn nhất định.
Linh động hướng hồi phục
Đứng ở góc độ chuyên gia phân tích thị trường, về hướng hồi phục khác nhau cho các thương hiệu và ngành hàng trước áp lực hàng tồn kho, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển thị trường của Công ty Kantar Việt Nam, có lời khuyên là các DN cần cập nhật thường xuyên trên số liệu người mua hàng. Đặc biệt là cần tìm hiểu hàng tháng hoặc hàng tuần về sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng khi tình hình dịch bệnh được cải thiện.
Mặt khác, theo bà Nga, các DN cần có những dự báo về nhu cầu tiêu dùng, nhất là hiểu về nhu cầu của người tiêu dùng hậu Covid-19 và có những giải pháp để bù đắp những dịp sử dụng bị mất đi.
Bên cạnh đó, các DN ngành chế biến, chế tạo đang tồn kho nên tìm động lực tăng trưởng từ hoạt động tiếp thị. Cụ thể là DN nên suy xét những yếu tố nào của các hoạt động tiếp thị sẽ giúp đẩy nhanh tăng trưởng sau đại dịch? Theo đó, quảng cáo, khuyến mãi hay các hoạt động tại cửa hàng, hệ thống phân phối sẽ có vai trò và tầm quan trọng rất lớn.
Ngoài ra, chuyên gia của Kantar lưu ý, DN phải tìm ra những dịp sử dụng mới phát sinh trong và sau thời gian dịch bùng phát là cần thiết trong việc phát triển những sản phẩm mới để đáp ứng người tiêu dùng trong tương lai và giải phóng hàng tồn kho.
Trong việc giải "bài toán" tồn kho ở ngành chế biến, chế tạo có thể liên hệ đến ngành dệt may trong bối cảnh ngành này có thể mất tới 50% đơn đặt hàng như hồi tháng 5/2020 do ảnh hưởng dịch Covid-19 và trong bối cảnh nhu cầu giảm có thể khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm 20%.
Theo đó, các DN dệt may trong nước đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh.
Cụ thể như: Khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì DN chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống..., đồng thời sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và XK.
Theo Bộ Công Thương, đến cuối quý II/2020, các thị trường XK chính của ngành dệt may (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU) đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần. Nhiều DN dệt may đã bắt đầu XK được hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây.
Và ngành dệt may đang kỳ vọng hàng tồn kho sẽ được kéo giảm trong nửa cuối năm. Bởi, theo chu kỳ hàng năm, kim ngạch XK dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may tại các dịp lễ tết, Giáng sinh tăng cao.
Thế Vinh