Ngày 25/2, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) công bố báo cáo tác động định lượng của Hiệp định EVFTA sau đại dịch COVID-19 đối với các mặt kinh tế - xã hội cũng như các ngành cụ thể của Việt Nam.
Các đánh giá trước đây (báo cáo năm 2019) cho thấy Hiệp định EVFTA có thể giúp tăng trưởng GDP năm 2025 tăng thêm 2,14 - 3,03%, năm 2030: GDP tăng thêm từ 4,65% - 5,26%. Tương tự, với xuất khẩu, năm 2025 tăng thêm 5,8 - 8,3%; năm 2030 tăng thêm 15,0 - 19,7%.
![]() |
Nguồn: Tính toán của Bộ KH&ĐT.ừ mô hình CGE/GTAP |
Tuy nhiên, ông Lương Minh Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, đánh giá trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những dự báo tác động từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVFTA) sẽ có phần thay đổi so với báo cáo được đưa ra hồi năm 2019.
Sở dĩ phải đánh giá lại tác động vì COVID-19 đã ảnh hưởng tới mọi đời sống toàn cầu, ảnh hưởng có thể nặng hơn với các nước có độ mở thương mại cao như Việt Nam.
Cụ thể, báo cáo của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho hay, năm 2025, nếu không có COVID-19, GDP tăng thêm 2,4 điểm % nhờ có Hiệp định. Mức độ tác động giảm xuống 0,45 điểm % nếu dịch COVID-19 vẫn diễn ra trong năm 2022; giảm xuống 0,62 điểm % nếu dịch bệnh vẫn diễn ra năm 2025.
Năm 2030: Ở kịch bản không có COVID-19, GDP tăng thêm 3,29 điểm %. Mức tác động giảm 0,5 điểm % (COVID 2022); xuống 0,7 điểm % (COVID 2023), giảm 0,81 điểm % (COVID 2025).
Về xuất khẩu sang EU, trong trường hợp không có COVID-19, xuất khẩu sang EU tăng bình quân 5,15%/năm giai đoạn 2021-2025. Lũy tiến đến 2025: 30,4%; 2030: 36,2%.
Tuy nhiên, trong trường hợp COVID-19 kéo dài đến 2022, năm 2025: xuất khẩu sang EU chỉ tăng trưởng 29,7%; 2030: xuất khẩu tăng trưởng 35%.
Với trường hợp COVID-19 kéo dài tới 2025, xuất khẩu sang EU chỉ tăng 25,5% (giảm 3% so với không có COVID-19; tăng 33,16% vào năm 2030 (giảm 3%).
Năm 2030: COVID-19 có thể làm giảm tác động xuất khẩu của Hiệp định trong khoảng từ 1,37 điểm % tới 2,35 điểm % tùy vào diễn biến kéo dài của đại dịch.
Theo đó, ông Khôi kiến nghị cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện văn bản pháp luật, cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đáp ứng quy tắc xuất xứ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI), năm 2021 mặc dù chịu khó khăn do đứt gãy chuỗi sản xuất, kết quả tổng thể xuất khẩu Việt Nam đi thị trường EU vẫn tăng trưởng hơn 14%.
Tuy nhiên, bà Trang so sánh mức độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU vẫn thấp hơn mức tăng xuất khẩu nói chung. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với thế giới năm 2021 là 19%.
Bà Trang cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chúng ta không nên chờ dịch COVID-19 kết thúc mà nên có hành động để tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA. Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần phải có sự chủ động về nguồn nguyên liệu, giải pháp linh hoạt ứng phó với chi phí logistics "leo thang".
Nhật Linh