Góp ý mới đây với Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP), bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH TM Đoan Việt (ở huyện Hóc Môn, Tp.HCM) có lưu ý nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu đã và đang phải gánh chịu rất nhiều chi phí, lỗ chồng lỗ.
Mối lo phát sinh thủ tục lẫn chi phí
Cụ thể, theo bà Trâm, một số chi phí cơ bản mà DN bán lẻ xăng dầu ở Tp. HCM phải chịu như sau: Vận chuyển, mặt bằng, lương, thưởng và chế độ nhân viên, thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lãi suất khoản vay, hoá đơn điện tử từng lần bơm (cùng với hệ thống phần cứng, phần mềm để vận hành hoá đơn điện tử từng lần bơm), điện, nước, internet, chi phí hao hụt, khấu hao, chi phí quản lý, chi phí cơ hội. Chẳng hạn với giá xăng là 24.950 đồng/lít RON 95-III thì tổng chi phí cho 1 lít xăng là 1.300 đồng/lít, tương đương hơn 5.6%/lít.
Điều mong mỏi của các DN sản xuất là tránh phát sinh chi phí trong khâu thủ tục. |
Ngoài ra, theo vị giám đốc này, các thủ tục gia hạn giấy tờ đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu cần giản lược. Đơn cử như gia hạn giấy đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, phòng cháy chữa cháy, môi trường và các giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh xăng dầu, cần được hệ thống và giản lược. Bởi lẽ, nếu DN bán lẻ xăng dầu không thay đổi kết cấu thì cơ quan quản lý nên xem xét để cấp gia hạn cấp lại, tránh dẫn đến việc gián đoạn trong kinh doanh và phát sinh chi phí.
Không riêng gì băn khoăn của một DN bán lẻ xăng dầu, việc tốn kém và phát sinh chi phí vẫn là mối lo chung của nhiều DN hiện nay. Và việc ban hành những quy định mới trong các luật, nghị định, thông tư cần hết sức tránh để kéo dài mối lo này.
Như tại quy định mới “Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu” trong Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản) có hiệu lực vào ngày 19/5/2024; và quy định xử phạt vi phạm hành chính cho quy định “trộn lẫn” tại khoản 4 Điều 42, Nghị định 38/2024/NĐ-CP đang khiến cho các DN trong ngành thủy sản băn khoăn lo lắng về việc phát sinh chi phí.
Trong văn bản gửi đến Bộ NN&PTNT vào trung tuần tháng 5/2025, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) đã chỉ rõ bất cập của quy định nêu trên. Đó là các DN thủy sản không biết khái niệm “trộn lẫn nguyên liệu” trong “cùng một lô hàng xuất khẩu” được hiểu như thế nào mới đúng. Bởi tại Luật Thủy sản (2017), Nghị định 26/2019, Nghị định 37/2024 và 38/2024 không thấy có định nghĩa cụ thể về hành vi “trộn lẫn nguyên liệu” kể trên.
Đơn cử với một trường hợp thông dụng trong thực tiễn hiện nay như vấn đề “container ghép” là khá phổ biến và là thông lệ thương mại quốc tế. Ví dụ khách hàng có thể đặt và yêu cầu giao 1 container gồm: 10 tấn cá ngừ, 5 tấn cá phèn và 5 tấn cá nục. Cá ngừ thì từ nguồn nhập khẩu, cá phèn-nục thì thu mua từ bà con ngư dân trong nước. Tất cả đều có giấy tờ chứng minh hợp pháp, hợp lệ, không vi phạm. Nhưng nếu DN thực hiện theo quy định kể trên của Nghị định 37/2024 thì bắt buộc phải tách container trên ra thành 2 container: Tách 10 tấn cá ngừ ra đóng riêng vào 1 container, và số cá phèn, cá nục (10 tấn) đóng riêng vào container thứ 2.
Với trường hợp như vậy, theo Vasep, không chỉ khiến DN phải trả gấp đôi chi phí logistic và cước tàu vận chuyển đường biển ra nước ngoài, mà còn phát sinh gấp đôi nguồn lực và chi phí quản lý/thông quan của cả DN cùng nhà nhập khẩu ở nước ngoài.
“Điều quan trọng là không chỉ phát sinh thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ mà đặc biệt Hiệp hội và DN cũng chưa thấy phương thức hay quy định này của các nước cùng đang xuất khẩu hải sản khai thác vào EU”, phía Vasep nêu rõ.
“Vắng bóng” phương án đơn giản hóa?
Hay như ở lĩnh vực quảng cáo ngoài trời. Góp ý trong trung tuần tháng 5/2024 về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã dẫn phản ánh của các DN về việc thực hiện quy hoạch ngoài trời hiện nay gây khó khăn, tốn kém nhiều thời gian và chi phí cho DN.
Như lý giải của VCCI, do quy hoạch không phù hợp với thực tế, các DN phải xin bổ sung vào quy hoạch mới có thể triển khai thi công bảng quảng cáo. Việc xin bổ sung quy hoạch mất rất nhiều thời gian, đặc biệt khi so sánh tương quan với một công trình nhỏ như vậy.
Không chỉ vậy, theo phản ánh của các DN trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời, một số quy định trong luật quảng cáo hiện hành đang có sự chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ với với các các quy định của luật khác. Hơn nữa, quy hoạch quảng cáo ngoài trời không sát thực tế, luôn có nguy cơ lỗi thời, thậm chí có khả năng không xác định đúng các vị trí phù hợp. Điều đó dẫn đến tình trạng vị trí được quy hoạch thì DN không cần, còn vị trí vàng lại không có trong quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực kinh tế.
Từ một số dẫn chứng nêu trên để thấy vẫn còn đó mối lo phát sinh chi phí của DN từ những quy định hiện hành cho đến quy định mới trong các luật, nghị định hay thông tư. Trong khi đó, hôm 20/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, DN. Nhất là cần đảm bảo cho chi phí tuân thủ thấp nhất.
Cũng nên nhắc lại trong Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2023 do VCCI ban hành mới đây, có lưu ý các vấn đề lớn, tác động đến DN, dường như “vắng bóng” trong các phương án cắt giảm, đơn giản hóa.
Như hồi năm 2023, VCCI có tiến hành lấy ý kiến cộng đồng DN về những khó khăn, bất cập, chồng chéo trong các văn bản pháp luật về kinh doanh. DN, hiệp hội đã phản ánh 94 bất cập, vướng mắc trong đó liên quan đến các quy định từ cấp luật đến nghị định, thông tư.
Có thể nhận thấy, các vướng mắc của DN phản ánh dường như rất ít được phản ánh trong các đề xuất cắt giảm của các bộ, ngành. Điều này cho thấy, dường như hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh vẫn chưa phản ánh được mong muốn thực sự của DN.
Chính vì vậy, điều mong mỏi của các DN ở khâu hoạch định chính sách là nên tránh lặp lại các tình huống dẫn đến bất cập, chẳng hạn như quy định mới trong nghị định lại trái hoặc chồng chéo với luật hoặc có những quy định không cần thiết khi đã có các luật hay nghị định khác có liên quan đã quy định. Có như thế thì các DN sẽ không còn phải lo chi phí phát sinh từ khâu thủ tục.
Thế Vinh