Thủ tướng nhấn mạnh, năng suất lao động (NSLĐ) quyết định sự thịnh vượng của các quốc gia. Chỉ số NSLĐ tại Việt Nam chưa cao do xuất phát điểm thấp nhưng tiềm lực trong mỗi người dân rất lớn.
Điều này thể hiện mức tăng NSLĐ của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, năm 2018, tốc độ tăng NSLĐ khoảng 6% so với năm 2017; bình quân giai đoạn 2016- 2018 tăng 5,8%.
“Chúng ta có một niềm tin là chúng ta đang đi đúng hướng”, Thủ tướng nói.
Còn nhiều điểm nghẽn
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nguyên nhân khiến NSLĐ chưa cao một phần vì các điểm nghẽn về thể chế kinh tế; trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực còn thấp; thiếu nhân lực kỹ năng cao, đặc biệt là kỹ năng mới nổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số; động cơ sáng tạo đổi mới còn thiếu và yếu.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước. Do đó, hơn bao giờ hết, việc cải thiện NSLĐ là nhiệm vụ cốt lõi, cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ: Nhiều năm qua, Việt Nam cạnh tranh chủ yếu dựa trên giá lao động rẻ và chi phí nguyên liệu thấp (yếu tố cơ bản) – là yếu tố dẫn dắt năng lực cạnh tranh ít quan trọng nhất. Trong khi đó, Thái Lan và Malaysia tạo dựng lợi thế cạnh tranh bằng cách liên tục cải tiến sản phẩm, dịch vụ; còn Singapore từ lâu đã cạnh tranh thông qua các sản phẩm, dịch vụ đặc thù với trình độ kỹ thuật rất cao.
Việc dựa dẫm vào lợi thế lao động giá rẻ và chi phí thấp trong một thời gian dài đã khiến các doanh nghiệp (DN) lơ là trong việc nâng cao khả năng hoạch định chiến lược, trình độ quản trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, cải thiện tay nghề lao động và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn. Điều này dẫn đến kết cục là NSLĐ của Việt Nam ngày càng thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Đại diện CTCP Thương mại và Dịch vụ Hoàng Dương (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng thời trang xuất khẩu), cho biết nhiều năm qua chú trọng vào cải tiến năng suất nhưng ở Việt Nam không có nơi đào tạo chuyên cho ngành dệt len, công ty chủ yếu học hỏi qua các mối quan hệ công tác, chia sẻ lẫn nhau giữa các DN trong ngành.
Trong khi đó, việc tiếp cận học hỏi từ các DN FDI rất khó khăn. Đã khó như vậy, nhưng nhiều khi học được các kiến thức từ họ lại không áp dụng được. Ví dụ, với DN quy mô lớn, đơn hàng ổn định có thể áp dụng công nghệ chuyền treo tự động nhưng khi áp dụng vào công ty – với những đơn hàng nhỏ, thay đổi liên tục thì không hiệu quả.
NSLĐ đã có chuyển biến mạnh trong những năm gần đây |
Cải cách mạnh mẽ thể chế
Là người điều hành trực tiếp sản xuất, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, cho hay công nghệ và thể chế chính là hai phần cốt lõi nhất để nâng cao NSLĐ.
Về công nghệ, rõ ràng bất kỳ ông chủ DN nào cũng muốn có công nghệ cao, nhà máy xanh sạch đẹp nhưng thực tế điều này không đơn giản. Ông Huyền cho biết Hóa chất Đức Giang có một nhà máy chế biến Apatit (Lào Cai) với trên 1.500 lao động, năm ngoái doanh số đạt 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận thu về 864 tỷ đồng. Như vậy, 1 lao động của DN này làm ra khoảng 4 tỷ đồng/ năm, cao hơn rất nhiều bình quân NSLĐ chung của toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, vấn đề mà DN đang gặp phải đó là đầu ra của sản phẩm. Làm ra Axit phosphoric điện tử giá gấp đôi axit thực phẩm thông thường nhưng sản phẩm của DN hiện nay chủ yếu xuất khẩu sang Ấn Độ, còn tiêu thụ trong nước rất khó khăn, đặc biệt là tham gia các chuỗi sản xuất của DN FDI.
“Không phải cứ nâng cao công nghệ là bán được hàng. Chúng ta không tự tay làm ra điện thoại, nên muốn đưa sản phẩm vào chuỗi của khối ngoại rất khó, do các DN FDI luôn ưu tiên sản phẩm của DN nước họ”, ông Huyền nói.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng việc sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia là rất cần thiết, trong đó hình thành bộ máy, cơ quan chuyên sâu về NSLĐ thực hiện nhiệm vụ điều phối, phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, khẩn trương xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao NSLĐ với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn để NSLĐ của Việt Nam bắt kịp các nước trong khu vực.
Ghi nhận ý kiến từ phía bộ ngành, DN, chuyên gia trong và ngoài nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa các nền tảng về thể chế để mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực có thể được huy động, phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, tập trung cải thiện tính hiệu quả của thị trường lao động cả về phía cung (phía người lao động) lẫn phía cầu (phía DN) của thị trường lao động. Ưu tiên các dự án FDI sử dụng nguồn lực chất lượng cao để cùng với khu vực trong nước nâng cấp nền sản xuất, tăng năng suất chung của nền kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu, thiết lập một cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút những người tài năng, các chuyên gia giỏi, các nhà quản lý xuất sắc đến với Việt Nam, đặc biệt người Việt Nam nói chung, các tài năng Việt Nam đang ở nước ngoài nói riêng, trong đó có du học sinh Việt Nam.
“Người Việt Nam có câu “Một người lo bằng một kho người làm”, năng suất ở đó chứ đâu nữa”, Thủ tướng nói.
Đi vào nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT sớm thể chế hóa nội dung Hội nghị, đề xuất Thủ tướng ban hành một văn bản, tạo cơ sở pháp luật để triển khai ở các bộ ngành, không để “lời nói gió bay”. Đồng thời, Thủ tướng đã phát động phong trào Năng suất lao động quốc gia.
Lê Thúy
Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn đồng hành và mong muốn cộng đồng DN, doanh nhân, nhà đầu tư và các tầng lớp hãy nỗ lực, cố gắng hơn nữa, chủ động tham gia, tích cực thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để tăng NSLĐ, kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, cùng nhau tạo nên một cuộc bứt phá mới trong NSLĐ để đưa đất nước Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh và bền vững. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT - Nguyễn Chí Dũng Chúng ta cần đặc biệt lưu ý mối quan hệ tương hỗ giữa NSLĐ và tăng trưởng GDP, năng suất cao thì tăng trưởng GDP cao và ngược lại, tăng trưởng GDP cao thì NSLĐ sẽ cao. Với năng suất cao hơn, tăng việc làm có chất lượng hơn sẽ tạo ra “lợi ích theo cấp số nhân”. Tăng NSLĐ phải gắn chặt với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam - Nguyễn Quang Thái Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành nghề có năng suất từ thấp sang cao là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, không phải cứ thấp là lên cao được ngay, cũng như ngay cả “anh cao” cũng phải cố gắng để không bị tụt hậu. Vì vậy, chúng ta cần tạo khí thế mới để nâng cao NSLĐ, tạo nên một đất nước Việt Nam hùng cường. |