Năm 2018 là một năm thắng lợi vượt bậc của xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản Việt Nam với kim ngạch vượt 40 tỷ USD. Đây là kỷ lục của ngành nông nghiệp, khẳng định vị thế cường quốc nông sản.
Dù đối mặt sức ép lớn từ các đối thủ cạnh tranh, nhưng các thị trường XK của nông sản Việt luôn được củng cố và mở rộng, nhất là các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc. Đây chính là khích lệ lớn để nông sản Việt tiếp tục cất cánh cao hơn nữa trong năm 2019 cũng như những năm tiếp theo.
Chờ nhà máy chế biến lớn
Trước bài toán cạnh tranh mới trên sân chơi thương mại thế giới, cửa ngõ ra thị trường lớn còn nhiều chông gai, để bước ra thị trường toàn cầu và tiếp cận những tập đoàn thu mua nông sản lớn trên thế giới, nông sản Việt rất cần nội lực, nguồn lực lớn và đa dạng, cũng như chiến lược phát triển chuỗi giá trị theo định hướng thị trường.
Thêm vào đó, hệ thống tiêu chuẩn khắt khe cần được thiết lập ngay từ đầu cộng với việc tích hợp logistics, giao thông vận tải vào ngành nông nghiệp nhằm tạo ra những mắt xích quan trọng.
Vấn đề được đặt ra là làm sao để tăng nội lực cho nông sản Việt, chẳng hạn với ngành hàng rau củ quả? Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, lưu ý hiện nay ở Việt Nam có 145 nhà máy chế biến rau củ quả nhưng đa phần có quy mô nhỏ, ở mức độ sơ chế và chế biến thô.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, nhu cầu tiêu thụ rau củ quả cho sản phẩm chế biến là khoảng 317 tỷ USD/năm và hơn 600 tỷ USD/năm cho rau quả tươi. Với nhu cầu lớn như vậy, theo ông Thành, cần có những nhà máy chế biến rau củ công nghệ cao, quy mô lớn.
Vì sao phải chọn nhà máy chế biến công nghệ cao? Ông Thành lý giải: khi chọn nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao sẽ tiếp cận được các thị trường lớn trên thế giới.
Bước ra thị trường lớn, nông sản Việt rất cần nội lực lớn |
Sân chơi lớn cần chuỗi liên kết lớn
Những "ông lớn" bán lẻ như Walmart, Trader joes… khi ký hợp đồng tiêu thụ với nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao (như Lavifood – một nhà máy chế biến nông sản hàng đầu Việt Nam với vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng) đều có thời hạn 5 năm trở lên. Điều này đồng nghĩa người nông dân được hưởng lợi tốt nhất vì họ "sống" được với hợp đồng 5 năm trở lên.
"Với hợp đồng này, chẳng hạn với cây xoài 5 năm tiêu thụ vẫn được, hoặc những cây trồng dài hạn vẫn tiêu thụ được. Còn với những nhà máy sơ chế nhỏ với hợp đồng chỉ một năm rưỡi đến hai năm thì rất khó cho người nông dân", ông Thành nói.
Vì vậy, theo ông Thành, yêu cầu đặt ra cho nông sản Việt là phải có nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao với quy mô lớn thì mới giải được bài toán tiêu thụ nông sản. Sau đó là xây dựng chuỗi giá trị như logistics hiện đại, chợ đầu mối, HTX, công ty phân bón, trung tâm hỗ trợ nông dân… với nguồn tài chính đi theo hỗ trợ lâu dài.
Người nông dân phải là người hưởng lợi nhiều nhất trong chuyện này. Nếu như trước đây, khi chưa tham gia vào chuỗi giá trị, người nông dân phải vay vật tư nông nghiệp, vay giống, vay phân bón và tất cả những gì có liên quan, nhưng khi tham gia vào chuỗi giá trị thì chi phí đầu vào có thể giảm đến 20% và chi phí đầu ra tăng lên 20%.
Bàn về chuỗi liên kết để tăng nội lực cho nông sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho rằng nông sản Việt tự hào đã xuất đi 180 quốc gia trên thế giới, riêng mặt hàng rau củ quả đang là thế mạnh đã đến được 60 quốc gia, nhưng thực ra còn nhiều việc phải làm về chuỗi sản phẩm, về hạ tầng thương mại, về logistics…
Đặc biệt là vấn đề chuỗi liên kết cho nông sản, theo ông Toản, làm sao phải đặt doanh nghiệp vào trọng tâm và liên kết chặt chẽ với người nông dân. Nếu hai chủ thể này không có sự đồng bộ, không có cộng hưởng giá trị lẫn vào với nhau thì sẽ không có chuỗi liên kết.
Để tăng nội lực thì không thể không nhắc tới nhóm nông sản chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới. Ts. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết Bộ NN&PTNT hiện chia nông sản ra làm ba nhóm sản phẩm: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, cấp địa phương; nhóm sản phẩm đặc thù, đặc sản vùng miền.
Nếu nói sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia tức là những nông sản XK tỷ đô như lúa gạo, rau củ quả… thuộc dạng bao phủ lớn trong cả nước và quy mô vùng nguyên liệu lớn, có thể làm bài bản từ khâu đầu vào đến khâu sản xuất, chế biến và khâu phân phối. Chuỗi giá trị nông sản cần phải được thực hiện trên nền tảng logistics hiện đại, lấy doanh nghiệp làm hạt nhân liên kết.
Thế Vinh