Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn “Logistics Việt Nam - Chuyển mình phát triển".
Việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số của ngành logistics còn nhiều hạn chế. |
Theo đó, logistics là một trong ba công đoạn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của hoạt động xuất nhập khẩu cùng với hoạt động sản xuất và phát triển thị trường.
Thống kê cho thấy, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tạo ra 557,93 tỷ USD, đây là một khối lượng xuất khẩu rất lớn có sự đóng góp quan trọng của logistics.
"Nếu so sánh với các nước trong khu vực Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia thì năng lực, khả năng của doanh nghiệp chúng ta tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu là rất lớn, đây là một thành tích đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhìn về tương lai phát triển thì logistics vẫn còn đó những hạn chế nhất định, cần được định hướng cụ thể, toàn diện”, ông Chinh chia sẻ.
Ông Lê Huy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng cho rằng, dịch vụ logistics có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số của ngành còn nhiều hạn chế từ tư duy, nhận thức đến năng lực tiếp nhận và nguồn tài chính.
“Chúng ta chưa có một nền tảng số thích hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics với hơn 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh doanh 17 loại hình dịch vụ logistics khác nhau theo quy định tại Nghị định 163/2017/NĐ - CP năm 2017 của Chính phủ”, ông Lê Huy Hiệp cho biết.
Trong khi đó, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đã làm xuất hiện nhiều dịch vụ phát sinh đặc biệt. Thị trường cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam và thế giới cạnh tranh gay gắt khi thương mại điện tử phát triển vượt bậc với các hình thức dịch vụ logistics tiên tiến như E-logistics, Green logistics… khiến cho chi phí dịch vụ của doanh nghiệp logistics Việt Nam còn tương đối cao.
Chưa kể, việc thiếu tính chuyên nghiệp, tự động hóa còn thấp, năng suất thực hiện dịch vụ chưa tiếp cận được các nước tiên tiến, việc ứng dụng công nghệ thông tin và trình độ số hoá chưa cao dẫn đến giảm sức cạnh tranh so với thị trường quốc tế.
Trước thực tế trên, ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh trong chiến lược xuất nhập khẩu từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2045 vẫn luôn đề cập nhiều đến định hướng phát triển ngành logistics, tiếp tục xác định ngành là một trong ba trụ cột chính bên cạnh hoạt động tổ chức sản xuất, phát triển thị trường.
Định hướng cho ngành logistics phát triển trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, hiện nay, ngành logistics vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vậy nên, trong chiến lược phát triển của ngành, cần có sự hỗ trợ, liên kết giữa các doanh nghiệp để cùng thúc đẩy, phát triển thị trường. Cùng với đó, cần xây dựng những doanh nghiệp “đầu đàn” đủ năng lực, có quy mô để tư vấn, dẫn dắt các doanh nghiệp trong ngành theo mô hình cộng sinh, cùng tăng trưởng và phát triển.
“Dù còn rất nhiều việc phải làm trên con đường phát triển, thế nhưng, là một trong những trụ cột phát triển xuất nhập khẩu, ngành logistics cần phải có những đánh giá tổng thể từ thực tế đã qua, để rút ra những bài học kinh nghiệm, định hướng lại cho toàn ngành”, ông Chinh bày tỏ.
Thy Lê