Chiều ngày 14/7, Câu lạc bộ Cafe Số tổ chức tọa đàm "Câu chuyện chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện tăng cao".
Tính giá điện bậc thang là văn minh
Trả lời quan điểm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc Bộ Công Thương đang nghiên cứu phương án tính tiền điện một giá, ông Nguyễn Quốc Dũng cho hay, doanh nghiệp này sẽ thực hiện phương án mà Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành.
Đại diện EVN cho rằng phương án tính tiền điện nào có lợi cho người dùng thì chọn |
"Dù phương án nào đi chăng nữa, điều chúng tôi mong muốn là làm thế nào để người dân được hài lòng nhất. Nếu có một biểu giá hay nhiều biểu giá thì cái gì công khai, minh bạch nhất cho người dân là EVN mong muốn thực hiện", ông Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, đại diện EVN không tiết lộ nếu triển khai phương án tính tiền điện theo một giá thì giá sẽ là bao nhiêu cho phù hợp.
Trong khi đó, trả lời thêm về phương án biểu giá bán lẻ điện bậc thang, Trưởng Ban Kinh doanh EVN, cho rằng, các nước trên thế giới, từ giàu có như Mỹ, Nhật Bản... hay những nước nghèo đều dùng biểu giá điện bậc than vì nó khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Điện năng là nguồn năng lượng không thể phục hồi. Do vậy, quốc gia càng giàu, họ lại càng tiết kiệm.
Ông Dũng nhấn mạnh: "Rõ ràng trong biểu giá điện bậc thang, người sử dụng ít điện được dùng điện với mức giá thấp, cuộc sống tốt hơn. Qua đó, thể hiện nhân văn của chính sách trợ cấp tiền điện cho người có hoàn cảnh khó khăn. Tôi nghĩ nên duy trì biểu giá điện bậc thang, đi theo con đường mà các nước văn minh đã chọn".
Tuy vậy, đại diện EVN cũng cho rằng, hiện nay mức độ tiêu thụ điện đang tăng lên rõ rệt. Nếu năm 2016, mức sử dụng điện bình quân của một hộ dân là 156 kWh/tháng, năm nay tăng lên 189 kWh/tháng. Điều này cho thấy, đời sống nhân dân được cải thiện, dùng nhiều thiết bị điện hơn. Do vậy, chúng ta nên điều chỉnh rút ngắn bậc thang.
Nhiều vấn đề phát sinh khi áp dụng tính điện một giá
Trong khi đó, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, cho rằng, việc áp dụng biểu giá một bậc rất khó khăn với cơ cấu nguồn điện đang thiếu hiện nay ở Việt Nam. Ông phân tích: Khi chia theo biểu giá bậc thang sẽ có sự chia sẻ giữa các hộ, người dùng nhiều điện có trách nhiệm trả nhiều tiền hơn vì điện năng là nguồn tài nguyên hữu hạn nên phải tiết kiệm. Trong hoàn cảnh hiện nay, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Do vậy, không thể nào lãng phí vì thói quen tiêu dùng điện hoang phí do nhận thức của người dân về tiết kiệm điện còn hạn chế. Hơn nữa, so với thế giới, người dân Việt Nam vẫn đang được bù giá điện.
Chưa kể khi chuyển sang giá điện một bậc? Ông Sơn đặt câu hỏi vậy mức giá là bao nhiêu. Ví dụ mức giá nằm ở ngưỡng bậc 3, trong trường hợp này người thu nhập thấp phải trả nhiều hơn người có thu nhập cao. Như vậy, liệu có đảm bảo an sinh xã hội không.
Ngược lại, nếu đặt mức giá điện thấp hơn, mục tiêu liên quan tới câu chuyện tiết kiệm điện có đạt không. "Nếu giá điện thấp, tôi chắc chắn sẽ bật điều hòa cả ngày vì muốn có cuộc sống tiện nghi hơn", ông Sơn chia sẻ.
Nêu quan điểm của mình, vị chuyên gia này cho rằng, câu chuyện tính tiền điện một giá chỉ mang tính chất là một đề xuất cân nhắc. Chắc chắn khi tính toán, Bộ Công Thương sẽ thấy rằng phát sinh nhiều vấn đề như cân bằng chi phí, tác động đến thói quen tiêu dùng điện...
Ông Sơn dẫn chứng một số quốc gia đang áp dụng tính điện một giá. Cụ thể Singapore đang áp dụng giá điện rất cao, hay Úc cũng có một số bang áp dụng điện một giá, với giá tầm hơn 4.000 đồng/kWh.
"Nếu Việt Nam áp dụng một giá điện, liệu rằng khả năng chi trả của người dân có chịu đựng được mức giá cao như vậy không", ông đặt vấn đề.
Chưa thể, nếu áp dụng song song 2 phương án là một giá điện và biểu giá điện bậc thang. Vậy mùa Đông, người tiêu dùng chọn biểu giá điện bậc thang, mùa Hè họ chọn cách tính một giá. Các chi phí để sửa đổi hợp đồng điện lực như thế nào, cũng như khi áp dụng như vậy, chúng ta không thể dự báo được trước nhu cầu của người dân.
Vì vậy, chuyên gia Hà Đăng Sơn cho rằng, nên áp dụng biểu giá bán lẻ điện bậc thang. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải rút bớt số bậc thang, cũng như tính toán khoảng cách giữa các bậc thang. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mức tiêu dùng điện bình quân của các hộ hiện quanh ngưỡng 200 kWh/tháng. Vì thế, nhà chức trách nên tính toán các mức giá và chia bậc thang giá điện trên cơ sở mức trung bình 200 kWh này, để dễ dàng thực hiện và không phải điều chỉnh nhiều trong thời gian dài.
Lê Thúy