Tại họp báo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2020 tăng 0,66% so với tháng trước, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.
Giá điện sẽ tác động tới CPI vào tháng 7
Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao 3 đợt liên tiếp sau chuỗi giảm kéo dài kể từ Tết Nguyên đán và giá thịt lợn tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng 6.
Tổng cục Thống kê họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 |
Trong mức tăng 0,66% của CPI tháng 6/2020, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất. CPI quý II/2020 giảm 1,87% so với quý trước và tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2019.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số CPI tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, đánh giá 6 tháng đầu năm 2020, giá xăng và giá thịt lợn tăng làm tăng CPI.
Với giá thịt lợn, 6 tháng đầu năm nay, giá thịt lợn tiếp tục tăng 68,2%, riêng thịt lợn đóng 2,68% trong tổng mức tăng CPI 4,19% của 6 tháng đầu năm 2020. Như vậy, mặt hàng thịt lợn chiếm gần 2/3 mức tăng chung này, giá thịt lợn tăng kéo theo giá thực phẩm chế biến tăng theo.
Về giá xăng dầu, theo bà Ngọc, từ đầu năm đến hết tháng 4/2020, giá xăng dầu liên tục giảm do dịch bệnh Covid-19 diễn ra. Giá xăng được xem là nhân tố kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, từ tháng 5 trở lại đây, khi các nước nới dần giãn cách xã hội, giá xăng dầu liên tiếp được điều chỉnh tăng. Dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục tăng và ảnh hưởng tới CPI.
Đặc biệt, đại diện Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra nhân tố mới: giá điện có thể tác động lên chỉ số CPI trong thời gian tới. Trong 3 tháng qua, do Nhà nước trợ giá tiền điện nên trong giỏ tính CPI, giá điện không ảnh hưởng nhiều.
Cụ thể, bà Ngọc cho biết, trong các tháng 4, 5 và 6, các hộ gia đình sử dụng 300 kWh đều được giảm 68.000 đồng (10%), nhưng các số sau 300 kWh sẽ không được trợ cấp. Số liệu tổng hợp của ngành điện thời gian tháng 5 và 6 vừa qua, có khoảng 3 triệu hộ tiêu dùng tiêu thụ hơn 300 kWh trong tổng số 26 triệu hộ sử dụng điện, như vậy, giá điện tăng mạnh ít ảnh hưởng đến CPI trong những tháng này. Tuy nhiên, bà Ngọc cho biết, trong tháng 7 tới, giá điện có thể sẽ ảnh hưởng mạnh vào CPI.
Dự kiến, kỳ hoá đơn tháng 6/2020 còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng 5/2020.
Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến ngày 20/6/2020, đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5/2020 (gấp 2,33 lần so với tháng 5/2020). Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó.
Sóng FDI dịch chuyển chưa tới Việt Nam
Bên cạnh chỉ số CPI, một vấn đề cũng được đưa ra tại cuộc họp báo là cơ hội của Việt Nam trong việc đón làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc. Theo ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, hiện chưa có bằng chứng về việc xu hướng dịch chuyển FDI từ các nước sang Việt Nam sau dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Giai đoạn năm 2018 và 2020, FDI vào Việt Nam vẫn tăng đều qua các năm, không có tăng đột biến. 6 tháng đầu năm 2020, FDI vào Việt Nam giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư của hầu hết các nước lớn vẫn giữ vững hoặc giảm nhẹ, trong khi một số nước và vùng lãnh thổ tăng đầu tư vào Việt Nam như Thái Lan tăng 320%, Singapore 247,2% và Đài Loan 143,4%.
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, việc chuyển dịch FDI từ Trung Quốc sang các nước, trong đó có Việt Nam do chiến tranh thương mại và Covid-19 có thể xảy ra.
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cho rằng cần có thời gian để rà soát, đánh giá số liệu có hay không việc chuyển dịch này và đánh giá tác động cụ thể đối với nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông Phạm Đình Thúy, sở dĩ có kết luận trên là bởi số dự án và vốn vẫn tăng đều qua các năm, kể cả các dự án lớn lẫn nhỏ. Bên cạnh đó, dù Việt Nam có nhiều ưu đãi nhưng các nước trong khu vực cũng xây dựng các cơ chế ưu đãi vượt trội, điều này khiến Việt Nam không có lợi thế so sánh quá lớn so với các nước.
"Việc chuyển đầu tư từ quốc gia này sang quốc gia khác không phải là việc dễ dàng, các nước đang có xu hướng giữ chân doanh nghiệp FDI ở nước của họ để bảo vệ thị trường và tăng trưởng của mình, việc chuyển dịch đầu tư cần thời gian ít nhất 2 - 5 năm mới có thể được thực hiện.
Thy Lê