Sau 10 năm triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", ông Phí Ngọc Chung, Tổng Giám đốc công ty TNHH Trung Thành Foods, cho biết các sản phẩm gia vị, thực phẩm của công ty không chỉ xuất khẩu (XK) ra nhiều nước và lãnh thổ trên thế giới, mà đã chinh phục được người Việt.
Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Thành Foods cũng không giấu nỗi lo ngại, đó là câu chuyện DN hoàn toàn đủ khả năng sản xuất ra sản phẩm có uy tín, chất lượng nhưng hệ thống phân phối luôn là bài toán khó.
Sợ trở thành nhà gia công
Ông Chung đánh giá hiện nay, hầu hết các kênh phân phối hiện đại đã và sẽ bị DN nước ngoài sở hữu hết, tương lai chợ cũng thành trung tâm thương mại – sở hữu của DN nước ngoài, dẫn tới kết nối giữa sản xuất và phân phối của Việt Nam bị đe dọa nghiêm trọng.
Đây là thách thức vô cùng to lớn đối với nhà sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam, nếu các nhà sản xuất không chủ động xây dựng được hệ thống phân phối của mình, chắc chắn sẽ gặp khó khăn vô cùng.
"Các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia vào Việt Nam luôn cam kết sử dụng thương hiệu Việt Nam nhưng thực tiễn họ đang từng bước chuyển các nhà sản xuất của Việt Nam thành nhà gia công. Trong các kênh phân phối hiện đại, chúng ta luôn khẳng định 80-90% là hàng Việt Nam nhưng thực tế tỷ lệ có đạt được như vậy. Nguyên nhân là do các tập đoàn bán lẻ luôn yêu cầu nhà sản xuất Việt Nam phải gia công hàng hóa mang thương hiệu của họ", ông Chung nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Vinalines, cho hay nhu cầu về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, hàng tiêu dùng của Việt Nam rất lớn nhưng thực tế đội tàu của Vinalines nói riêng và DN vận tải Việt Nam nói chung vận tải chưa đến 20%, còn lại do đội tàu nước ngoài chiếm lĩnh.
"Chúng ta đừng nhầm tưởng rằng người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chỉ dừng ở góc độ hàng hóa mà còn bao gồm cả dịch vụ. Do vậy, việc bảo hộ, khuyến khích DN trong nước sử dụng dịch vụ vận tải nội địa là điều cần thiết. Không chỉ ở Việt Nam, ở Trung Quốc, Nhật Bản… các nước cũng làm điều này. Trung Quốc bỏ ra hàng tỷ USD hỗ trợ công nghiệp đóng tàu và XK", ông Trung chia sẻ.
Đặt vấn đề cần có chiến lược thu hút FDI phù hợp, bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hồ Gươm, cho rằng đúng là Việt Nam rất cần thu hút FDI. Tuy nhiên, quan trọng nhất là thu hút trên quan điểm những gì DN Việt đủ sức, làm được, Nhà nước nên có hàng rào để hạn chế, chứ đừng cố gắng kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực mà DN Việt đủ khả năng đảm nhiệm, như vậy vô tình trở thành "cõng rắn cắn gà nhà".
Bên cạnh đó, một trong những điều DN lo ngại là vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Ông Phí Ngọc Chung chia sẻ rằng hàng Việt đang từng bước khẳng định chinh phục người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả, hàng nhái khiến DN e ngại.
Ông nói: "Chúng tôi mừng là các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài đã phải mạo nhận là thương hiệu Việt Nam, chứng tỏ vị trí của hàng Việt nhưng mặt khác bản thân DN khốn khổ với điều này. Chúng tôi đã mất nhiều thời gian đi đấu tranh, kiện cáo với chuyện hàng của mình bị giả mạo".
Hàng Việt khó chinh phục người Việt nếu hệ thống phân phối rơi vào tay khối ngoại |
Hàng giả, hàng nhái "đội lốt"
Bà Ninh Thị Ty cũng cho hay DN sợ nhất là sản phẩm của mình bị nhái. "Không may sản phẩm bị nhái mà DN chưa đăng ký quyền bảo hộ trí tuệ thì coi như mất hết, sụp đổ cả sự nghiệp. Hiện nay, không chỉ hàng Trung Quốc tìm cách "đội lốt" hàng Việt, mà hàng hóa nhiều nước cũng đang áp dụng thủ đoạn trên.
Trước thực tế trên, bà Ty cho rằng Nhà nước, các cơ quan liên quan cần giúp DN kiểm soát chặt chẽ điều này. DN cố gắng nhưng không thể nào cố được nếu Nhà nước không có hàng rào bảo vệ DN.
Ông Chung cũng cho rằng Nhà nước cần phối hợp với DN Việt Nam xử lý gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ. Thực tế, DN đang vô cùng vất vả khi khiếu nại giành quyền chính đáng của DN, có những vụ việc kéo dài hàng chục năm.
Không có nhiều DN đủ sức lực và thời gian để theo đuổi kiện cáo một quãng thời gian dài như vậy. Trong khi đó, cùng một sự việc nhưng rất nhiều cơ quan ý kiến, cuối cùng kết quả không đi đến đâu.
Đặc biệt, liên quan tới cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho hay cần phải nâng cuộc vận động lên một tầm cao mới, nhất là khi đang có dấu hiệu chững lại. Chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú hơn để thật nhiều người tiêu dùng biết và sử dụng sản phẩm Việt Nam.
Về phía DN, cần phải nâng cao chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Thực tế nhiều sản phẩm của DN Việt đã chinh phục được người Việt nhưng cần nỗ lực hơn nữa, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của chính DN và nền kinh tế Việt Nam.
Bà Ninh Thị Ty nêu quan điểm sắp tới, không phải người Việt ưu tiên dùng Việt mà là hàng Việt chinh phục người Việt. Đi xa hơn, hàng Việt phải chinh phục người tiêu dùng, tức là không chỉ người Việt mà là người tiêu dùng thế giới.
Đồng thời, mỗi DN cần phải lấy thị trường nội địa làm trọng. Làm sao để người tiêu dùng Việt Nam dùng hàng "Made in Vietnam" mà cảm thấy tự hào, giống như cách người Nhật luôn tự hào với cả thế giới rằng hàng nội địa của họ là tốt nhất.
Theo ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động, phát triển sản xuất kinh doanh là phải chấp nhận các quy luật của kinh tế thị trường. Nếu cộng đồng DN Việt không vươn lên, chúng ta sẽ trở thành người thua cuộc.
Với tình hình khu vực và thế giới như hiện nay, thông tin về cung ứng dịch vụ rất sòng phẳng, người tiêu dùng có quyền lựa chọn hàng hoá đáp ứng đúng nhu cầu của mình. Do vậy, hàng Việt phải nâng cao chất lượng, giá thành cạnh tranh, mẫu mã đa dạng.
Theo ông Lềnh, đi liền với chủ trương người Việt ưu tiên dùng hàng Việt là phát triển hệ thống kênh phân phối xuống các địa bàn ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.
Hiện nay, chúng ta chủ yếu phân phối hàng Việt qua chợ, siêu thị, riêng ở khu vực nông thôn chỉ được thực hiện thông qua các phiên chợ hàng Việt. Tới đây, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, cần phải có giải pháp đưa hàng Việt đi xa hơn.
Lê Thúy
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI Mỗi DN hãy tạo dựng được thương hiệu nhất định để chinh phục được người Việt. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do càng đòi hỏi tính chủ động cũng như năng lực hội nhập của DN. Trong đó, với thị trường trên 95 triệu dân, DN cần tính tới bài toán để giữ vững trận địa, không để thua trên "sân nhà". Ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình Để tiếp tục triển khai cuộc vận động, cơ quan chức năng cần thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tôn vinh, biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt cuộc vận động và kịp thời đấu tranh phê phán các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, tâm lý sính ngoại trong xã hội. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, khuyến khích và hỗ trợ DN. Ông Hầu A Lềnh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nhà nước cần phải nhanh chóng tháo gỡ khó khăn kịp thời cho DN. Có như vậy, cộng đồng DN mới có đủ dũng khí, quyết tâm vượt qua khó khăn. Có hoạt động kiểm tra, kiểm soát, cũng cần có hoạt động biểu dương, khen thưởng kịp thời. Tôn vinh không phải tung hô nhau mà qua đó là động lực cho các đơn vị khác đang yếu hơn, cố gắng vươn lên. |