Nhiều người dân cho rằng mức giảm trừ gia cảnh do Bộ Tài chính đề xuất đã lạc hậu, dù chưa áp dụng (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Bộ Tài chính vừa đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ 9 triệu lên 11 triệu đồng và mức với người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng. Mức này được Bộ Tài chính tính dựa vào số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp - chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 đã tăng 23,2%.
Mức giảm trừ quá thấp
Đánh giá về tác động của việc việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN, Bộ Tài chính cho biết, mức giảm trừ này sẽ hỗ trợ lớn cho mọi đối tượng nộp thuế. Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013. Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao.
"Đối với xã hội, việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách động viên hợp lý, công bằng, góp phần nâng cao đời sống của người nộp thuế, tạo động lực khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng; đảm bảo chính sách đơn giản, rõ ràng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, tính tuân thủ pháp luật về thuế. Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng góp phần điều tiết hợp lý thu nhập, góp phần thực hiện công bằng xã hội", Bộ Tài chính cho biết.
Tuy nhiên, trái ngược với đánh giá của Bộ Tài chính, ngay khi mức giảm trừ mới được công bố, không ít người dân đã bày tỏ sự thất vọng vì cách tính toán chưa hợp lý và mức giảm trừ quá thấp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, chỉ số CPI và GDP bình quân đầu người biến động theo từng năm, vì vậy tốt nhất là ngưỡng thu nhập chịu thuế cũng phải được điều chỉnh hàng năm để bám sát thực tiễn cuộc sống.
Cụ thể, thời điểm mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng được tính toán bằng 2,5 lần GDP bình quân đầu người năm 2014. Sau 5 năm, GDP bình quân đầu người đã tăng lên khoảng 3.000 USD (tương đương khoảng 5 triệu đồng/tháng) thì mức giảm trừ gia cảnh tối thiểu sẽ là khoảng 13 triệu đồng/người/tháng.
Chưa kể, chỉ số CPI hiện đã vượt trên 20%, trong khi theo quy định trong Luật Thuế TNCN: Mức giảm trừ gia cảnh sẽ được điều chỉnh trong trường hợp chỉ số CPI biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Như vậy, với cách tính trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mức giảm trừ gia cảnh phải tăng lên 15 triệu đồng/người/tháng.
Ts. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá: “Tiền thuế đóng mỗi năm một tăng, lương thì ì ạch, vật giá leo thang như vậy thì người nộp thuế sao đủ sức để có thể đóng thuế, chứ chưa nói đến việc để dành tiền mà tái tạo sức lao động, chăm lo cho cuộc sống gia đình?”.
Chính sách thụt lùi với đời sống
Không đồng tình với cách tính và mức giảm trừ gia cảnh mà Bộ Tài chính đang dự thảo, PGS.Ts. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng nếu muốn tính cho gọn thì phải dùng tốc độ tăng trưởng GDP để đo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người. Vì đây là "ngưỡng thu nhập chịu thuế" nên phải điều chỉnh bằng tốc độ tăng thu nhập, chứ không được đánh tráo khái niệm bằng "tốc độ tăng CPI".
Nếu tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân là 6,5% trong giai đoạn 2013-2019, để Luật thuế có hiệu lực trong năm 2020 thì mức tăng trưởng thu nhập tích luỹ là hơn 55%. Vì vậy, ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu phải là 14 triệu đồng (9 triệu đồng x 155%). Tương tự, mức miễn trừ đối với người phụ thuộc phải được làm tròn là 6 triệu đồng (3,6 triệu đồng x 155%). Nghĩa là một người có thu nhập bình quân một tháng là 20 triệu đồng, phải nuôi thêm một người phụ thuộc thì không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Trước thông tin này, bản thân là người nộp thuế như chị Hương - nhân viên kế toán một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội, tỏ ra lo lắng: "Những năm gần đây, vật giá tăng rất cao, cứ ra đến chợ là thấy "chóng mặt". Vào thời điểm năm 2014, thịt lợn có giá 60.000 đồng/kg, đầu năm ngoái tăng lên 100.000 đồng/kg, nhưng kể từ lúc cơn "bão giá" cuối năm đã tăng lên 170.000 đồng/kg. Mớ rau, con cá cũng tăng theo. Trước đây chỉ cần 100.000 đồng tiền chợ/ngày, nhưng nay nếu tiết kiệm phải lên hơn 300.000 đồng".
Tương tự, anh Sơn, nhân viên của một ngân hàng cũng tỏ ra ngao ngán khi cho rằng: "Bộ Tài chính thống kê chỉ số CPI cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 đã tăng 23,2%, nhưng mức tăng thực tế trên thị trường hơn vậy nhiều lần. Đơn cử như bánh mì ăn sáng, thời điểm năm 2013 chỉ có giá 7.000 - 8.000 đồng/chiếc nhưng nay đã lên 20.000 đồng/chiếc. Cầm 10.000 đồng bây giờ không biết chọn món gì để ăn sáng".
Theo anh Sơn, nếu tính toán mức lương bình quân của người dân hiện nay là 5 triệu đồng/tháng, chỉ nhìn vào mức chi tiêu ăn uống hàng ngày sẽ thấy nếu chi tiêu tiết kiệm thì tiền lương của hai vợ chồng mới đủ cho một gia đình gồm 4 thành viên, đó là chưa kể hầu hết các khoản phí khác cũng tăng theo như: tiền điện, nước, học phí... Ngay cả tiền đổ rác trước đây 25.000 đồng/tháng nay cũng vọt lên 60.000 đồng, tức tăng hơn gấp đôi.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, Chính phủ cũng đang yêu cầu các bộ ngành kiến nghị các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng. Việc Bộ Tài chính nâng mức giảm trừ gia cảnh quá thấp như vậy sẽ khiến cuộc sống của người dân khó chồng khó.
"Bộ Tài chính cần xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh cao hơn, khoảng 20 triệu đồng/tháng với người lao động và 10 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc", anh Sơn kiến nghị.
Thanh Hoa