Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chuẩn bị hội nghị Thủ tướng với DN năm 2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thống kê có 274 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận và đã chuyển các cơ quan theo thẩm quyền xử lý và tổng hợp 182 kiến nghị của các hiệp hội DN và DN.
Theo đó Văn phòng Chính phủ đề nghị các Bộ, cơ quan theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu xử lý các kiến nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp tại công văn nêu trên để chuẩn bị trả lời tại hội nghị.
Cụ thể, trong số rất nhiều kiến nghị trên, về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN, Hiệp hội DN Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kiến nghị cần loại bỏ sự quản lý chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra.
Theo Hiệp hội này, hàng năm DN phải tiếp rất nhiều Đoàn thanh kiểm tra. Trong năm 2016, công ty CP xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Việt Nam được 4 đoàn tới thanh kiểm tra với nội dung gần như nhau: Đoàn của UBND huyện, đoàn của Sở TNMT; đoàn của công an môi trường, đoàn thanh tra liên ngành của UBND tỉnh. Nội dung thanh tra là theo các quy định của pháp luật và các văn bản pháp lý liên quan đến các hoạt động từ khi có dự án mà không giới hạn thời gian những năm trước đã kiểm tra rồi.
Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hoá cũng cho rằng trong thời gian qua, thủ tục hành chính đã được cải thiện mạnh mẽ, giúp DN tiết kiệm được thời gian, chi phí, tuy nhiên khi DN đến giải quyết các thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, chấp thuận chủ trương đầu tư, tiếp cận đất đai và các thủ tục khác liên quan đến hoạt động của DN vẫn còn tình trạng kéo dài thời gian gây khó khăn cho DN và ảnh hưởng đến dự án đầu tư.
![]() |
DN than phí sử dụng hạ tầng cảng biển cao đang tác động xấu làm giảm năng lực của DN trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá với các đối thủ Trung Quốc
Đồng thời về đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN, Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng kiến nghị do vướng Luật Đất đai năm 2013, DN cần đất nuôi tôm thì không mua được, hàng ngàn hecta đất ở Sóc Trăng đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng (vì chờ cơ chế chính sách chậm sửa đổi) bị bỏ hoang, mua không được, thuê không được, không khai thác được. Đất nuôi tôm đang thế chấp bỏ hoang gần chục năm nay gây lãng phí lớn. Năm 2012 đất được cấp nuôi tôm hết thời gian không chuyển thời hạn mới vì đang thế chấp bị nợ xấu, bán nợ chờ toà thụ lý.
Đáng chú ý, về việc thu phí hạ tầng cơ sở của Cục Hải quan thành phố Hải Phòng, công ty CP Dệt 10/10 sản xuất và kinh doanh thiết bị hoá chất và các loại màn tuyn, sợi, rèm cửa cho biết số lượng container xuất khẩu hàng năm các sản phẩm của công ty là 3.000 container loại 40 feet và công ty cũng nhập khẩu hàng năm một số lượng container là 2.000 container 40 feet. Hầu hết lượng container xuất nhập khẩu kể trên đều qua các cửa khẩu của cảng Hải Phòng.
Hiện tại, chi phí vận tải và các chi phí phải nộp trung bình cho mỗi container của công ty là 1.879 USD/container. Các chi phí phải nộp có nhiều thứ loại và lớn về trị giá được kể đến như phí D/O, CIC, THC, CFS... nên có thể nói rằng các DN xuất nhập khẩu nói chung và công ty CP Dệt 10/10 nói riêng đang phải gánh nặng chi phí và rất khó khăn để duy trì doanh số cũng như có lãi. Tuy nhiên, trong tình hình như vậy, DN xuất nhập khẩu tiếp tục nhận được thông báo số 158/TB-UBND ngày 21/12/2016 của UBND quận Hải An, Thành phố Hải Phòng, thông báo về việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu trên địa bàn thành phố Hải Phòng và yêu cầu các DN xuất nhập khẩu qua Cảng Hải Phòng phải nộp thêm khoản phí mới.
Theo Thông báo số 1548/TB-UBND của UBND quận Hải An, TP.Hải Phòng, các DN xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng sẽ phải tính thêm chi phí hạ tầng cơ sở của các cửa khẩu thuộc cảng với mức phí là 500.000 VNĐ/container 40 feet. Thêm chi phí sẽ phát sinh thêm tốn phí cho hoạt động xuất nhập khẩu của công ty CP Dệt 10/10, ước tính riêng khoản nộp phí tăng đối với công ty sẽ vào khoảng 2,5 tỷ VNĐ/năm.
Công ty CP Dệt 10/10 và các DN xuất nhập khẩu cho rằng đây là một khoản phí không hợp lý, DN phải nộp trùng hai lần do chi phí sử dụng hạ tầng tại cảng biển đang được DN xuất nhập khẩu trích nộp từ cước vận tải thông qua các công ty kinh doanh dịch vụ vận tải đã được thành phố Hải Phòng cấp phép sử dụng cầu cảng, kho bãi, công trình dịch vụ công cộng tại khu vực cảng biển Hải Phòng.
Đặc biệt, "điều này đang tác động xấu làm giảm năng lực của DN trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá với các đối thủ Trung Quốc", công ty CP Dệt 10/10 cho biết.
Lê Thuý