Theo phản ánh gần đây của một số doanh nghiệp (DN) nhập khẩu mặt hàng thiết bị công nghệ thông tin thông dụng (máy tính xách tay, thiết bị chuyển mạch, thiết bị định tuyến...) gặp khó khăn khi cùng một mặt hàng sản phẩm công nghệ thông tin nhưng có đến hai cơ quan chuyên ngành khác nhau quản lý.
Vẫn còn tình trạng quản lý chồng chéo
Cụ thể, các mặt hàng thiết bị công nghệ thông tin này thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và kiểm tra chất lượng đối với sản phẩm. Đồng thời có thể thuộc danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp.
Cần có sự đột phá tháo gỡ các “nút thắt” kiểm tra chuyên ngành để không gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp vốn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. |
Cho nên, để làm thủ tục hải quan cho các mặt hàng thiết bị công nghệ thông tin, phía DN nhập khẩu đang phải rà soát văn bản pháp quy thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Cơ yếu Chính phủ.
Với tình trạng “một mặt hàng, hai cơ quan quản lý” trong kiểm tra chuyên ngành như vậy đã được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) chỉ rõ trong báo cáo mới đây gửi đến Thủ tướng Chính phủ khi tổng hợp khó khăn, vướng mắc của DN trong tháng 1/2024.
Việc này cũng làm liên tưởng lại câu chuyện hai bộ cùng “ôm” quản lý mặt hàng đông trùng hạ thảo và được xem là một trong những điển hình về sự chồng chéo về quản lý chuyên ngành, trong khi quan điểm của Chính phủ là mỗi mặt hàng chỉ do một bộ quản lý.
Như Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng phản ánh hồi năm trước, Bộ NN&PTNT quản lý mặt hàng này vì cho rằng liên quan đến nguồn gốc thực vật, nhưng Bộ Y tế cũng quản lý vì cho rằng đây là dược phẩm.
Thậm chí, ngay trong Bộ NN&PTNT cũng có sự chồng chéo vì Cục Bảo vệ thực vật quản lý vì cho rằng liên quan đến nguồn gốc thực vật, nhưng một cơ quan khác trong Bộ này cũng quản lý vì cho rằng có yếu tố động vật.
Cần nhắc thêm, trong cuộc đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan tổ chức ở Tp.HCM hồi tháng 12/2023, đã có không ít DN phàn nàn về các vướng mắc trong vấn đề kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã gây tốn kém thời gian, chi phí cho họ.
Như trường hợp CTCP Thực phẩm Cát Hải (Long An) phản ánh vướng mắc về việc kiểm tra chuyên ngành đối với nguyên liệu thủy sản nhập gia công, sản xuất xuất khẩu chuyển mục đích sử dụng. Thời điểm trên, phía công ty chưa nhận được sự hướng dẫn từ Bộ NN&PTNT.
Nhân tiện, cũng nên liên hệ lại phản ánh của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) hồi tháng 12/2023 về hoạt động kiểm tra với tần suất quá nhiều, cách thức thực hiện quá phiền hà đã và đang làm phát sinh chi phí cho DN và phần nào làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN. Nhất là trong bối cảnh DN đang gặp rất nhiều khó khăn như: đơn hàng và giá cả sụt giảm, thiếu hụt lao động sản xuất, chi phí đầu vào tăng liên tục…
Cần những giải pháp đồng bộ hơn nữa
Chính vì vậy, Vasep có đề nghị các cơ quan quản lý cần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm tra, cắt giảm hoạt động kiểm tra không cần thiết đối với DN.
Và trong Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào tháng 1/2024, theo phía Vasep thì có nhiều kiến nghị của Vasep đã được Chính phủ quyết nghị tại nghị quyết này. Đơn cử như việc tiếp tục rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Trong quyết nghị của Nghị quyết 02/NQ-CP có nêu rõ việc rà soát, sửa đổi danh mục mặt hàng thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng: Thứ nhất là cắt giảm các mặt hàng có mức độ rủi ro rất thấp hoặc gần như không có rủi ro. Thứ hai là bổ sung danh mục mặt hàng miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành.
Ngoài ra, quyết nghị của nghị quyết này còn nhấn mạnh việc nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hai hướng.
Thứ nhất là áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của DN và mức độ rủi ro của hàng hóa; phân biệt những vi phạm nhỏ mang tính hành chính, không ảnh hưởng đến giá trị và chất lượng của hàng hóa. Thứ hai là đơn giản hóa hồ sơ, quy trình, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Tuy vậy, để Nghị quyết 02/NQ-CP mang lại hiệu quả thiết thực, khắc phục các bất cập, vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành cho cộng đồng DN thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Đơn cử như hiện nay vẫn còn hơn 400 văn bản quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Quy định nhiều nhưng chưa thống nhất giữa các văn bản với thực tế triển khai (như quy định về quy trình, thủ tục kiểm tra, phương thức kiểm tra).
Chưa kể, như dữ liệu thống kê gần đây của Tổng cục Hải quan là vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng còn thuộc diện điều chỉnh bởi các chính sách, quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành. Đây cũng là một thách thức lớn cho việc cải cách kiểm tra chuyên ngành trong năm 2024.
Nhất là làm thế nào để không còn tình trạng chồng chéo đối với cùng một mặt hàng phải qua kiểm tra của nhiều cơ quan hoặc chịu nhiều hình thức quản lý hoặc phương thức quản lý thiếu thống nhất, như trường hợp nhập khẩu mặt hàng thiết bị công nghệ thông tin thông dụng hay mặt hàng đông trùng hạ thảo.
Do đó, để tiếp tục tháo “nút thắt” về kiểm tra chuyên ngành đang đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ hơn nữa trong thời gian tới từ các bộ ngành có liên quan để tạo bước chuyển có tính đột phá hơn trong chuyện này.
Thế Vinh