Mới đây, trên tờ báo The Nation (của Thái Lan) có dẫn lời Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Napintorn Srisunpang cho rằng xuất khẩu (XK) trái cây Thái Lan sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn trong tương lai, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc do cạnh tranh ngày càng lớn từ Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á.
Lợi thế vận chuyển theo đường bộ
Như chia sẻ từ vị thứ trưởng thương mại của Thái Lan, mặc dù Trung Quốc có khả năng nhập khẩu nhiều trái cây hơn nhưng cạnh tranh XK gay gắt sẽ đặt ra thách thức cho các nhà cung cấp Thái Lan.
Ngành hàng sầu riêng của Việt Nam cần tiếp tục cải thiện về mặt vận chuyển trong “cuộc đua” về mặt tốc độ với Thái Lan tại thị trường Trung Quốc. |
Đơn cử như Thái Lan từng thống trị hoàn toàn thị trường sầu riêng Trung Quốc, nhưng thị phần của nước này đã giảm xuống còn 95% hồi năm 2022 do sự xâm nhập của các nhà XK Việt Nam chiếm 5%. Rồi đến năm 2023 (chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu), thị phần của Thái Lan đã giảm xuống còn 70% trên thị trường sầu riêng của Trung Quốc và Việt Nam chiếm 30% (trong năm 2023, XK sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đạt tới 2,3 tỷ USD).
Thứ trưởng Bộ Thương mại của Thái Lan giải thích: “Việt Nam có lợi thế trong XK sầu riêng do thời gian thu hoạch dài hơn nên có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc khi Thái Lan đang trong giai đoạn sản xuất”.
Không chỉ vậy, ông Napintorn Srisunpang cũng chỉ rõ mặt lợi thế của Việt Nam là có thể XK sầu riêng sang Trung Quốc trong thời gian ngắn và chi phí XK thấp.
Điều này cũng làm gợi nhớ lại cách đây vài tháng, báo chí Trung Quốc cũng có nhận định chi phí vận chuyển đường bộ thấp, giúp cho sầu riêng Việt Nam cạnh tranh giá cả với sầu riêng Thái tại thị trường Trung Quốc.
Như thông tin trên báo South China Morning Post (của Trung Quốc), Việt Nam tăng cường XK sầu riêng sang Trung Quốc qua đường bộ biên giới giúp tiết kiệm chi phí. Chiến lược này có khả năng giúp Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh với sầu riêng Thái.
Giới chuyên gia cho rằng việc vận chuyển sầu riêng qua biên giới đường bộ Việt Nam - Trung Quốc dài 1.306km sẽ tiết kiệm chi phí. Điều này được phản ánh qua giá bán lẻ. Nhất là theo Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) thì Trung Quốc cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải biên giới. Từ đó giúp Việt Nam có lợi thế về khối lượng và tính khả thi của việc vận chuyển, giá cả sẽ cạnh tranh hơn.
Không những thế, tiềm năng thị trường sầu riêng Việt Nam nhập khẩu bằng đường bộ đã thúc đẩy nhiều thành phố Trung Quốc tại khu vực biên cải thiện mảng logistics thương mại.
Nhân những nhận định nêu trên, trong trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định trong 2 năm nữa, kim ngạch XK trái cây của Việt Nam sẽ ngang bằng với Thái Lan với kim ngạch khoảng 8 tỷ USD/năm) - được xem là một cường quốc XK trong khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Nguyên, hiện nay trình độ sản xuất của ngành rau quả Việt đang ngày càng thu hẹp, rút ngắn với Thái Lan, là quốc gia đã đi trước chúng ta gần 20 năm về công nghệ trồng trọt, chế biến rau quả.
Không được chủ quan, tiếp tục cải thiện logistics
Riêng về việc so kè XK trái cây với Thái Lan tại thị trường Trung Quốc (thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất thế giới), ông Nguyên cũng công nhận mặt lợi thế của Việt Nam là có vị trí nằm kề cận nước này, nên thời gian và chi phí vận chuyển là một lợi thế lớn.
Vị tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam hy vọng trong thời gian tới tuyến cao tốc Bắc - Nam sớm hoàn thành một cách xuyên suốt sẽ giúp cho hoạt động vận chuyển trái cây bằng đường bộ từ miền Nam ra cửa khẩu ở phía Bắc để sang Trung Quốc một cách nhanh chóng hơn nữa. Có như vậy thì lợi thế cạnh tranh của trái cây Việt trước trái cây Thái Lan sẽ càng được nhân lên.
Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận một thực tế là chi phí logistics nông nghiệp ở Việt Nam đang cao hơn Thái Lan 6%. Đó cũng là một bất lợi trong việc so kè ở thị trường Trung Quốc.
Bất lợi này có thể này có thể thấy rõ ở “vựa trái cây” Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Như chia sẻ của ông Đặng Quý Nhân, Tổng giám đốc CTCP nông sản Nam Mekong, việc vận chuyển nông sản từ ĐBSCL về Tp.HCM bằng đường bộ lại có chi phí cao (như mức thu phí cao khi vào đường cao tốc). Còn nếu vận chuyển bằng đường thủy thông qua các sà lan thì hiện rất ít đơn vị có thể đảm đương cho doanh nghiệp (DN) trong chuyện này.
Chưa kể, khi DN thu mua trái cây tại nhà vườn ở ĐBSCL, các phương tiện vận chuyển loại lớn không thể đến tận nơi, DN buộc phải sử dụng xuồng, ghe, xe máy, xe ba gác, xe tải loại nhỏ…làm phương tiện trung gian. Đây là những bất cập lớn với hoạt động XK trái cây đi Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên cũng chỉ rõ việc vận chuyển từ nhà vườn ra bằng những phương tiện thô sơ, trong khi đường xá giao thông lại hư hỏng, chưa được tốt. Không những vậy kho bãi cũng còn hạn chế, ngay cả như các hợp tác xã trái cây vẫn chưa hoàn chỉnh được kho tập kết hàng, nhiều khi phải chở hàng bằng xe máy, xe ba gác…
Cho nên, mặc dù Thứ trưởng Bộ Thương mại của Thái Lan có cho rằng Việt Nam có lợi thế chi phí XK thấp khi xuất sang Trung Quốc thì ngành hàng trái cây Việt cũng không nên quá chủ quan mà cần nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện về mặt chi phí XK.
Thực tế cho thấy với thời gian vận chuyển ngắn sang Trung Quốc đang là lợi thế cực lớn của ngành rau quả Việt so với Thái Lan. Chính vì thế, trong cuộc so kè này càng đòi hỏi trái cây Việt cần giữ cho được nhịp vận chuyển chính ngạch nhanh. Song song đó, trong nước cần tiếp đầu tư hạ tầng giao thông của vùng nguyên liệu trái cây XK, quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics cho ngành hàng này để vừa kéo giảm chi phí logistics vừa đạt “cuộc đua” về mặt tốc độ.
Thế Vinh