Tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2018 ngày 19/6, ông Nguyễn Quân, Hội trưởng Hội Tự động hóa Việt Nam, đánh giá trong mấy năm gần đây, người ta nói nhiều đến khởi nghiệp và quốc gia khởi nghiệp cũng như cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận chúng ta còn hiểu chưa đầy đủ về khởi nghiệp và còn làm quá ít cho việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
DN Việt phải đăng ký ở nước ngoài
Ông Quân cho biết hiện nay ở Việt Nam, phong trào khởi nghiệp còn nhiều khó khăn do hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hoàn chỉnh, đặc biệt gần như còn thiếu hai thành phần quan trọng là các quỹ đầu tư mạo hiểm và các cơ sở dịch vụ mạnh.
Trên thế giới, đầu tư mạo hiểm cho các startup năm 2017 đã đạt tới 140 tỷ USD và tổng giá trị kinh tế do các startup toàn cầu mang lại trong khoảng thời gian 2015- 2017 là 2.300 tỷ USD.
Ở Việt Nam, đến hết năm 2017, có khoảng 40 quỹ đầu tư hoạt động, đa phần là quỹ của nước ngoài (IDG Ventures, CyberAgent Ventures, DJF-Vina Capital, 500 Start-up…).
Đã bắt đầu hình thành mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần, các không gian làm việc chung (co-working spaces), các tổ chức ươm tạo DN đổi mới sáng tạo, các quỹ đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp của các tập đoàn lớn (FPT, Viettel, CMC).
Tuy nhiên, ông Quân cho rằng từ kinh nghiệm thực tế có thể nói hiệu quả hoạt động của các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp còn rất hạn chế. Nhiều nhóm khởi nghiệp gọi vốn thành công nhưng do nguồn vốn chủ yếu từ các quỹ đầu tư nước ngoài nên khi thành lập DN lại phải đăng ký kinh doanh ở nước ngoài (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hong Kong…).
Một ví dụ thất bại khác được ông Quân đề cập là năm 2014, Bộ KH&CN đã hỗ trợ thành lập Quỹ khởi nghiệp DN KH&CN, một dạng quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.
Rất tiếc là thủ tục thành lập và cấp phép hoạt động còn quá nhiều trở ngại nên mất quá nhiều thời gian đưa quỹ vào hoạt động. Hơn nữa, hành lang pháp lý cho quỹ cũng chưa được thuận lợi, vì thế quỹ chỉ có thể hoạt động như một quỹ tài chính thông thường mà không thực sự là đầu tư mạo hiểm.
"Muốn Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp trong tương lai, việc đầu tiên cần làm là dành sự ưu tiên cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có hoạt động đầu tư mạo hiểm (đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo với tư duy chấp nhận rủi ro)…", ông Quân cho biết.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ DN bình quân đầu người đang thấp so với thế giới nên cần thêm nhiều DN tư nhân mới. Tuy nhiên, hiện chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam chỉ mới xếp hạng 123 thế giới theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và xếp sau rất nhiều nước khu vực ASEAN.
"Khởi sự kinh doanh không chỉ là chứng nhận đăng ký DN, đó còn là các thủ tục làm con dấu, đăng ký con dấu, mở tài khoản ngân hàng, mua hóa đơn, nộp thuế, làm các thủ tục lao động và bảo hiểm xã hội… Đó là chưa tính đến các thủ tục mặt bằng kinh doanh, giấy phép chuyên ngành, vốn hoạt động", ông Tuấn liệt kê.
Khởi sự đã khó, DN kinh doanh còn khó hơn vạn lần. DN rời thị trường vẫn ở mức cao do bị các thủ tục "hành là chính" gây cản trở.
Theo ông Tuấn, thực tế cho thấy nhiều điều kiện kinh doanh ở một số ngành còn ưu đãi ngược cho DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gây bất bình đẳng cho DN trong nước.
Cụ thể, thủ tục đăng ký kinh doanh ở lĩnh vực giáo dục đào tạo, DN FDI chỉ cần có vốn tối thiểu 300 tỷ đồng nhưng DN trong nước phải có vốn 1.000 tỷ đồng. DN Việt Nam phải có diện tích tối thiểu 5ha nhưng DN FDI thì không cần. DN FDI được thuê trụ sở, tư nhân lại phải xây trụ sở…
"Có nhiều điều kiện kinh doanh ưu ái DN nước ngoài hơn. Thậm chí, tôi tin rằng lịch làm việc của chủ tịch tỉnh dành thời gian cho DN FDI nhiều hơn cho DN trong nước", ông Tuấn thẳng thắn nói.
Trong khi đó, đại diện VCCI dẫn ra nghiên cứu từ chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho thấy tổng thuế mà khu vực tư nhân đang đóng góp lớn hơn nhiều FDI. DN trong nước đóng thuế 43,82%, trong khi DN FDI chỉ đóng 25,28% trên tổng thu thuế cả nước. Điều đó có nghĩa là DN Việt đang yếu nhưng phải đóng thuế nhiều hơn.
Thời gian gần đây, chủ trương của Chính phủ là giảm chi phí cho DN, nhưng những dự thảo chính sách lại đề xuất tăng thu mà không thấy giảm như tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường; tiếp tục đặt ra phí hạ tầng cảng biển… khiến áp lực chi phí lên DN cao hơn.
![]() |
Áp lực chi phí vẫn đè nặng lên doanh nghiệp |
Mãi không lọt ASEAN 4
Theo các chuyên gia, thực trạng trên là do môi trường kinh doanh vẫn chậm chuyển biến. Ông Tuấn đánh giá Nghị quyết 19/2017 đặt ra mục tiêu rất tham vọng là cuối năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt mức trung bình ASEAN 4. Tuy nhiên, kết quả Việt Nam vẫn chưa lọt vào nhóm này.
Ts. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đặt câu hỏi: Chính phủ, ban ngành ngày càng tích cực nhưng năng lực cạnh tranh không lên được là do ai?
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng cải cách đang đối mặt với một số vấn đề, không giải quyết được, khó có bước phát triển.
Trước hết về thời gian thực hiện, hoàn thành cải cách. Ông Hiếu cho rằng từ khi có Nghị quyết 19 lần thứ nhất vào 2014, đến nay đã bước sang năm thứ 5 (2018) nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu ban đầu đề ra là lọt vào trung bình ASEAN 4.
"Tôi đã nói vui với một đồng nghiệp của mình rằng còn bao nhiêu năm nữa chúng ta mới hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 19, chúng tôi không mong khi về hưu rồi mà Nghị quyết này vẫn chưa đạt kế hoạch", ông Hiếu chia sẻ.
Về xóa bỏ điều kiện kinh doanh, ông Hiếu cũng đặt câu hỏi đến bao giờ hoàn thành. Trước đây ở Hàn Quốc, 3 năm rà soát 11.000 giấy phép kinh doanh, bãi bỏ dứt điểm 6.000 giấy phép.
Ở Việt Nam, tháng 8/2017, Chính phủ yêu cầu bộ ngành cắt giảm 30-50% điều kiện kinh doanh. Tháng 1/2018, Bộ Công Thương hoàn thành việc này lần thứ nhất. Tháng 6/2018, các bộ đang tiếp tục rà soát, xây dựng phương án, tuy nhiên bộ nào đi nhanh hơn cũng chỉ mới đang soạn thảo ở văn bản cấp Nghị định.
Ông Hiếu đánh giá: "Trong khi chúng ta mới đi từ tư duy xóa bỏ rào cản thì các nước về cơ bản đã sang bước khác, đó là bàn cách để tạo thuận lợi hơn".
Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), thừa nhận việc triển khai công tác đăng ký kinh doanh hiện nay đang gặp phải một số khó khăn. Khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh còn một số hạn chế dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện công tác đăng ký kinh doanh như quy định pháp lý liên quan đến thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN chưa được hoàn thiện, dẫn đến một số khó khăn trong quá trình triển khai…
Lê Thúy
Bà Trần Thị Hồng Minh - Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Song song với việc cải cách mạnh mẽ hệ thống pháp luật về DN theo hướng đề cao quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho phát triển của DN, để đảm bảo trật tự và tính an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh, cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong công tác hậu kiểm. Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM Môi trường kinh doanh Việt Nam có cải thiện nhưng vẫn là cải thiện dần dần dù chúng ta phải chạy đua và nếu thiếu sự cải cách mang tính đột phá sẽ không tạo ra sự phát triển như kỳ vọng. Tại một hội thảo quốc tế ở Hàn Quốc có bàn nhiều về quản trị quốc gia, quản trị cải cách. Kết quả họ cho rằng thành công của mỗi cải cách cho thấy chương trình, nội dung cải cách chỉ chiếm 5%, trong khi 95% là do tổ chức thực hiện. Việt Nam đang thiếu 95% này. Ts. Nguyễn Quân - Hội trưởng Hội Tự động hóa Việt Nam Để đất nước trở thành quốc gia khởi nghiệp, việc đầu tiên cần làm đó chính là tạo dựng môi trường thuận lợi cho các DN khởi nghiệp sáng tạo được sinh ra và phát triển, hay nói cách khác là xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. |