Ts. Đoàn Bảo Huy, chuyên gia nghiên cứu về tài chính thuộc Đại học RMIT nhận định, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) còn nhiều dư địa để gia tăng mức độ sử dụng dịch vụ, tiềm năng cho các công ty Fintech vẫn còn rất lớn.
Chính sách quá chậm?
Đặc biệt, trên thị trường tài chính Việt Nam sắp tới còn có dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile Money). Theo ông Huy, các nhà mạng hiện đang sở hữu dữ liệu khách hàng rất lớn, trung bình 1 người dân sở hữu 1,3 thuê bao di động (theo số liệu của Cục Viễn thông vào tháng 1/2020), nên lợi thế của họ càng được khuếch đại lên nhiều.
Rất cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số, tài chính - tiền tệ số. |
Điểm đáng chú ý từ mục tiêu của dịch vụ Mobile Money là phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt ở nông thôn và vùng sâu vùng xa - nơi dịch vụ ngân hàng còn hạn chế, với hạn mức giao dịch tối đa chỉ 10 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, vẫn chưa có những chính sách rõ ràng cho người sử dụng dịch vụ này để họ có thể tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính khác, chẳng hạn như thực hiện các khoản vay hoặc gửi tiết kiệm dựa vào lịch sử giao dịch.
Vì thế, theo chuyên gia của RMIT, dù việc thí điểm dịch vụ Mobile Money sẽ tăng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, nhưng dịch vụ này hầu như sẽ không có tác dụng cải thiện tình hình tài chính toàn diện ở Việt Nam.
Việc phát triển các dịch vụ công nghệ tài chính và vấn đề chính sách liên quan được nêu ra tại hội thảo bàn về việc định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam được tổ chức tại Tp.HCM ngày 27/4.
Theo đánh giá, mảng kinh doanh dịch vụ Fintech được cho là nằm ngoài danh sách chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu như cách đây 5 năm ở Việt Nam chỉ có 40 công ty Fintech thì đến năm 2020 đã tăng gần 4 lần, lên 140 công ty trên nhiều lĩnh vực khác nhau (trong đó có 32 đơn vị trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đủ điều kiện kinh doanh).
Giới chuyên gia cho rằng, để các công ty Fintech ở Việt Nam phát triển mạnh và vươn xa rất cần vốn đầu tư, từ công nghệ, thị trường cho đến nhân lực và cả người dùng. Bởi vì dù có bước phát triển mạnh mẽ thì Fintech vẫn còn là lĩnh vực mới ở Việt Nam và còn rất non trẻ nếu so với mức độ phát triển trên thế giới.
Với việc phát triển kinh tế số và những mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính như Fintech hoặc tiền kỹ thuật số, cho vay ngang hàng (P2P), xây dựng cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin dữ liệu, Ts. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV có lưu ý ở khâu chính sách còn chậm ban hành so với yêu cầu thực tiễn.
Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý
Ông Lực cho rằng, năng lực quản lý rủi ro hệ thống tài chính, tính minh bạch, chuyên nghiệp của môi trường đầu tư vẫn là thách thức khá lớn trong bối cảnh kinh tế số, tài chính - tiền tệ số đang phát triển nhanh.
Do đó, rất cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số, tài chính - tiền tệ số nhằm tạo điều kiện cho hoạt động của các công ty Fintech.
Hơn thế nữa, nên xây dựng Trung tâm Fintech (có thể lựa chọn Tp.HCM, bởi đây là nơi đặt trụ sở của 60% công ty Fintech và các câu lạc bộ Fintech) để hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước, Ban chỉ đạo Fintech, các tổ chức tín dụng trong quá trình vận hành cơ chế quản lý thử nghiệm.
Còn theo Gs.Ts Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế Tp.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, diện mạo trung tâm tài chính quốc tế tương lai của Tp.HCM và của Việt Nam không thể nào khác ngoài việc hướng vào lĩnh vực Fintech, nhất là khi hệ thống tài chính toàn cầu đang định hình lại trong giai đoạn hậu Covid-19, cũng như sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo (AI) cùng với những thay đổi địa chính trị sâu sắc…
Theo đó, các nền tảng AI đang được triển khai trong hệ thống tài chính toàn cầu hiện đang mạnh lên “theo nhịp độ của hàm số mũ”.
Đơn cử như tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc tiên phong sử dụng dữ liệu hoạt động kỹ thuật số của người tiêu dùng và doanh nghiệp để đánh giá rủi ro tín dụng, giảm chi phí vay mượn, cung cấp các dịch vụ tùy chỉnh (customised services).
Đó là lý do chính khiến các tập đoàn tài chính Trung Quốc mở rộng với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Và các công ty ở các nước phát triển hiện đang chạy đua để bắt kịp “người khổng lồ” Alibaba. Giới phân tích đặt vấn đề: AI đã và sẽ định hình nền tài chính toàn cầu liệu có là xu hướng không thể cưỡng lại, và Việt Nam sẽ cần phải làm gì?
Chắc chắn thị trường tài chính ở Việt Nam sẽ không thể nằm ngoài xu hướng toàn cầu đang thay đổi với nhiều cơ hội đan xen không ít nguy cơ, thách thức, nhất là về mặt công nghệ tài chính. Do đó, việc chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính vẫn là điều cần làm trong lúc này để cơ hội thêm gia tăng và nguy cơ, thách thức sẽ giảm đi.
Thế Vinh