Liên quan tới vụ xoài Cao Lãnh bị mạo danh khi xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc, sau khi xác minh, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp đã có báo cáo cụ thể về vấn đề này.
Theo đó, tỉnh Đồng Tháp có 2 mã số vùng trồng là VN-TDOR-0017 và VN-DTOR-0018 thuộc HTX xoài Mỹ Xương XK sang thị trường Trung Quốc bị Hải quan Trung Quốc "tuýt còi" vì mạo danh mã số vùng trồng.
Mã số vùng trồng xuất EU, Mỹ được quản lý thế nào?
Thời điểm sự việc bị phát hiện, tại HTX xoài Mỹ Xương đã thu hoạch dứt điểm, không còn xoài để XK. Từ đó, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp nhận định đang có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phạm vi hoạt động rộng và liên quan đến nhiều ngành. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc quản lý mã số vùng trồng XK sang thị trường Trung Quốc chưa chặt chẽ từ đơn vị cấp mã số đến các địa phương.
Vụ việc xoài Cao Lãnh bị mạo danh mã số vùng trồng là bài học đắt giá cho việc quản lý bị buông lỏng |
Là đơn vị đang chịu ảnh hưởng trực tiếp, ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, xử lý để bảo vệ quyền lợi của người trồng xoài và hơn hết là uy tín của thương hiệu xoài Đồng Tháp.
Hơn nữa, vấn đề đặt ra là: Tại sao vấn nạn này lại chỉ xảy ra với thị trường Trung Quốc, mà không phải là thị trường khác? Việc quản lý mã số vùng trồng để XK sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, hay Úc đang thực hiện thế nào?
Thời gian qua, HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng (TP Hưng Yên) được cấp 3 mã số vùng trồng XK đi Mỹ, EU, Úc. Chủ tịch HĐQT Trần Văn Mý cho biết, cùng với việc được cấp mã vùng trồng, HTX Quyết Thắng được Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và Chi cục BVTV tỉnh Hưng Yên cấp cho tem truy xuất nguồn gốc OTAS.
"Hiện, HTX đang quản lý tem này, khi xuất hàng đi đâu, vào ngày nào, chúng tôi mới kích hoạt tem ngày đó, đi kèm kiểm soát số lượng. Nếu kiểm soát tốt tem này thì các đối tượng muốn trà trộn cũng không được. Tem được cấp cho HTX là tem trắng (dán tem truy XK nguồn gốc điện tử lên bao bì), xuất hàng đi ngày nào thì HTX sẽ gọi điện thoại lên Cổng thông tin điện tử của Chi cục BVTV tỉnh để họ kích hoạt", ông Mý nói.
Ông Mý dẫn giải: "Một lô hàng khoảng 5 tấn, số lượng được cắt, thời gian cắt của gia đình nào, quy cách đóng gói, mẫu mã, dòng nhãn gì sẽ được HTX kiểm định và kích hoạt tem này. Người mua có thể check vào vùng kích hoạt để biết được hết các thông tin nêu trên, nếu sai sót thì họ có thể gọi điện thoại trực tiếp lại với HTX".
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch HĐQT HTX nhãn Miền Thiết (Hàm Tử, Khoái Châu, Hưng Yên), cho biết HTX đã được cấp 3 mã vùng trồng với tổng diện tích 31,5 ha được XK sang Mỹ, Nhật Bản, EU.
"HTX đã có mã QR Code do Cục BVTV cấp, khi thu hái đến đâu, ở vùng nào thì chúng tôi sẽ kích hoạt mã ở vùng đó. Chúng tôi khẳng định an toàn tuyệt đối lên đến 99,9% người khác không thể nhái được mã vùng trồng. Nói đơn giản thế này, khi HTX thu hái sản phẩm thì mới kích hoạt tem truy xuất nguồn gốc. Các vùng khác muốn trà trộn, nhái vùng sản xuất là tương đối khó", ông Thế chia sẻ.
Kẽ hở ở thị trường Trung Quốc
Về vấn đề quản lý mã số vùng trồng, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục BVTV) cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc điện tử kết hợp cùng với cấp quản lý mã số vùng trồng giúp kết nối các thông tin của sản xuất về mặt kỹ thuật từ khâu chăm sóc các công đoạn như sử dụng phân bón, thuốc BVTV, thời gian cách ly, các tiêu chuẩn một cách rất minh bạch và sau khi tạo ra sản phẩm sẽ được lấy mẫu phân tích, giám định.
Sau khi đạt kết quả, các mã vùng mới được hệ thống cấp tem truy xuất nguồn gốc. Tem này thể hiện đầy đủ các thông tin như tọa độ vùng trồng, diện tích, số hộ tham gia và tiêu chuẩn… thể hiện tính minh bạch rất cao. Bên cạnh đó, hệ thống tem này được kích hoạt vào thời điểm các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân thu hoạch và có thời hạn, làm giảm khả năng gian lận thương mại.
Tuy vậy, ông Hiếu thừa nhận cách quản lý mã số vùng trồng trên là với các thị trường khó tính. Còn đối với Trung Quốc, mã số vùng trồng đối với các sản phẩm XK còn nhiều bất cập, nhất là bài học từ vụ mã số vùng trồng xoài Cao Lãnh bị "xài chùa". Đây là tình huống phát sinh mới trong quá trình quản lý mã số vùng trồng.
Cục BVTV đã tính đến các giải pháp về công nghệ thông tin để thực hiện việc quản lý. "Chúng tôi cũng đã có những đối tác về công nghệ thông tin để thực hiện một số giải pháp ở một số địa phương. Tuy nhiên, chương trình này cần có thời gian đánh giá trước khi nhân rộng ra các địa phương", ông Hiếu nói.
Mặt khác, ông Hiếu cho biết, với một thị trường lớn như Trung Quốc, mã số được cấp rất nhiều, việc liên kết giữa cơ sở sản xuất khi XK một lô hàng ra khỏi khu sản xuất của mình là rất cần thiết. Khi đó, hàng hóa sẽ được truy xuất, các cơ quan chức năng biên giới có thể tham gia vào quá trình kiểm soát chuỗi hiệu quả. Đơn vị không nằm trong chuỗi, không xuất phát từ nhà vườn, cơ sở đóng gói đã nộp thông tin cho Cục BVTV hay cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ không làm được thủ tục thông quan qua biên giới. Như vậy, tránh được việc "mượn" mã vùng trồng.
Với cách thức quản lý như hiện nay, cơ quan kiểm dịch biên giới chỉ đóng vai trò ghi thông tin trên bao bì, chứ chưa thực hiện được chức năng kiểm soát, vì thiếu sự liên kết lên đến biên giới. “Thiếu liên kết toàn chuỗi dẫn đến không thể truy xuất ngược lại được. Việc này tạo kẽ hở để bị lợi dụng”, ông Hiếu cho biết.
Vì vậy, đại diện Cục BVTV đề nghị các đơn vị được cấp mã số cần có ý thức để bảo vệ mã số của mình như một tài sản. Đồng thời, sự phối hợp với các cơ quan chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước là hết sức quan trọng để tiến tới quản lý tốt mã số vùng trồng.
Ông Lê Thanh Hòa Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, việc sử dụng công nghệ rất quan trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tất cả thông tin về nhà sản xuất, doanh nghiệp phải được thể hiện đầy đủ trên bao bì của sản phẩm. Chúng ta phải hiểu rõ truy xuất nguồn gốc là để trong mọi trường hợp, đặc biệt trường hợp người tiêu dùng phát hiện sản phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm, lúc ấy phải truy xuất ngược trở lại nhà sản xuất. Ông Nguyễn Đình Tùng Chủ tịch Vina T&T Group Việc "mượn" mã số vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói để tiến hành XK là hết sức nguy hiểm. Lợi trước mắt có khi chưa thấy nhưng hệ luỵ sẽ đổ ập đến cả ngành hàng, sản phẩm đó. Với trường hợp vi phạm của lô xoài XK sang Trung Quốc không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của xoài Việt Nam XK mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số ngay trong mùa vụ XK sắp tới. Bà Nguyễn Thị Thành Thực Chủ tịch Công ty XNK Bagico Chúng ta đừng nghĩ rằng thị trường Trung Quốc dễ dãi, hàng vẫn xuất ầm ầm, ngày nào cũng vài trăm container mà "cẩu thả" trong quản lý mã số vùng trồng, bởi như vậy là mình cực kỳ chủ quan, nếu một ngày họ siết chặt thì chính hàng hóa, doanh nghiệp của chúng ta phải trả giá. |
Lê Thúy