Hội đồng tiền lương quốc gia vừa kết thúc Phiên họp thứ hai về tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2018 mà chưa thống nhất được phương án mặc dù đã có nhiều nhượng bộ ở các thành viên.
Đầu buổi họp, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kiên quyết “nếu không tăng LTT năm 2018 với mức 13,3% sẽ đề xuất dừng phiên họp” nhưng sau đó lại hạ mức đề xuất từ 13,3% xuống 10% và cuối cùng là 8%.
Tranh cãi kịch tính
Theo ông Chính, căn cứ vào đời sống của người lao động (NLĐ) hiện nay cho thấy họ rất khó khăn. Theo khảo sát, tiền LTT không đủ giúp NLĐ trang trải cuộc sống, 51% NLĐ cho biết họ phải làm thêm mới đủ trang trải cuộc sống, thậm chí vượt quy định. Trên 54% NLĐ không hài lòng về mức tiền LTT hiện nay.
“Chúng tôi cũng biết tăng LTT cần đảm bảo hài hòa giữa NLĐ và doanh nghiệp, trong đó có tính tới khả năng chi trả của doanh nghiệp”, ông Chính nói.
Về việc chủ sử dụng lao động đưa ra đề xuất tăng thấp, thậm chí có thành viên đề xuất không tăng, có thành viên đề xuất tăng chỉ để bù trượt giá, ông Chính cho rằng như vậy là không phù hợp, hài hòa lợi ích của các bên mà dồn gánh nặng lên NLĐ.
Ở phía đại diện doanh nghiệp (DN), nhiều đề xuất khác nhau đã được đưa ra. Như đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất 5%; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa mức 1 – 2%; đại diện Hiệp hội Dệt may đề xuất không tăng…
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc điều chỉnh tiền LTT năm 2018 là cần thiết nhưng các bên cũng cần chia sẻ với DN vì nhiều khó khăn hiện tại, nhất là những DN trong lĩnh vực dệt may, giày da, thủy sản, điện tử…
“Cần thiết điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. Nhưng nếu tăng cao, nguy cơ DN phải điều chỉnh cơ cấu, cắt giảm lực lượng lao động, tăng số lượng thất nghiệp…”, ông Phòng nói.
Tuy nhiên, sau khi các bên trao đổi, đại diện VCCI cho biết sẽ đề xuất mức tăng LTT năm 2018 lên 5%. Mặc dù đã có sự nhượng bộ giữa các thành viên nhưng đúng như dự đoán, kết thúc phiên họp, mức tăng LTT vùng 2018 vẫn chưa thể chốt.
Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá, khác với phiên họp lần thứ nhất, các thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia, đặc biệt phía đại diện NLĐ và chủ sử dụng lao động, đã rất thiện chí trong đối thoại, thương lượng để có thể tiến tới mức LTT năm 2018.
“So với cuộc họp lần trước, khoảng cách hai bên đưa ra đã thu hẹp nhiều. Lần trước, phương án của Tổng liên đoàn và đại diện VCCI có khoảng cách trên 8% nhưng đến nay thu hẹp chỉ bằng gần một nửa. Con số cụ thể, theo quy chế của Hội đồng tiền lương quốc gia, phải bảo mật”, ông Diệp cho biết.
Ông Diệp hy vọng, trong khoảng một tuần tới, đại diện các bên có thể có các buổi tiếp xúc với nhau và sẽ có phương án hài lòng cả hai bên.
![]() |
Làm sao để LTT đảm bảo cuộc sống NLĐ mà vẫn giúp DN cạnh tranh
Cân nhắc cả hai phía
Kết thúc cuộc họp, ông Phòng cho rằng theo đánh giá của các chuyên gia, LTT hiện tại chỉ đáp ứng trên 90% nhu cầu sống tối thiểu. “Theo đánh giá của chủ sử dụng lao động, tuy chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu nhưng ít nhất có để duy trì cuộc sống của NLĐ”, ông Phòng nói.
Ông Phòng đánh giá, LTT hiện tại đang tiệm cận lương trung bình cho nên dư địa của việc thương lượng tiếp là để tăng thêm nhu cầu sống của NLĐ như lương thưởng, lao động tốt, sáng kiến. Nếu LTT cao quá, dư địa này không còn. Đây là bất cập với DN vì DN nào cũng mong muốn phát triển ổn định. “Nếu LTT cao, DN sẽ cơ cấu lại, một bộ phận lao động đang có việc làm sẽ mất việc. Như vậy sẽ nảy sinh các vấn đề xã hội khác”, ông Phòng cảnh báo.
Ông Phòng cũng cho rằng hoạt động kinh doanh của DN cho dù có được cải thiện, khởi sắc nhưng đại đa số DN thâm hụt lao động như dệt may, da giày, thủy hải sản, điện tử sẽ chịu tác động rất lớn của việc tăng LTT.
Theo nghiên cứu của cơ quan chức năng, Việt Nam đang có khoảng 93 triệu người với 54 triệu người trong lứa tuổi lao động và chỉ 17,35% số này có hợp đồng lao động trong các công ty, hợp tác xã. Nếu LTT điều chỉnh, các hệ số khác như giá tiêu dùng tăng, dẫn tới tăng LTT sẽ tác động lớn đến lực lượng như lao động không chính thức.
“LTT tăng phải làm sao điều chỉnh để NLĐ và DN cùng trên con thuyền phấn đấu vì sự phát triển DN, giúp DN phát triển bền vững, mục đích cuối cùng là nâng cao năng lực chi trả của DN”, ông Phòng nói.
Trước đó, ông Keisuke Taniguchi – thành viên Ủy ban lao động Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam – phàn nàn rằng tăng LTT của Việt Nam cao hơn so với tỷ lệ cải thiện tình hình sản xuất lao động của DN. Còn nếu so sánh trong khu vực, mức tăng LTT của Việt Nam đang cao hơn Philippines và gần bằng Thái Lan.
Theo Ngân hàng Thế giới, LTT của Việt Nam đang có tốc độ tăng nhanh nhất khu vực, Việt Nam có mức tăng gần 14%, Trung Quốc tăng 10%, Indonesia tăng 7%.
Ông Keisuke Taniguchi cho biết, năm 2016, tỷ lệ tăng năng suất chỉ ở mức 1 – 2% nhưng LTT tăng tới 7,3%. Như vậy, sẽ rất khó để DN đảm bảo chi phí và duy trì sức cạnh tranh của DN.
Thậm chí, theo ông Taniguchi, nếu Việt Nam cứ tiếp tục tăng LTT với tỷ lệ cao như vậy, một số DN Nhật Bản sẽ tìm kiếm một đất nước khác có sự cạnh tranh nhiều hơn để đầu tư thay vì Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) chia sẻ, việc tăng LTT quá cao như một loại chi phí đè nặng DN, khiến DN không có khả năng cạnh tranh.
“Việc tăng LTT 2018 không đóng góp vào ngân sách nhà nước cũng như không giúp thu nhập của NLĐ tăng lên. Do đó, cần chú trọng vấn đề kinh tế, các DN phát triển mới giải quyết được bài toán lao động và phát triển đất nước”, vị đại diện này nói.
Trên thực tế, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, song năng suất lao động bình quân của người Việt vẫn ở mức rất thấp so với một số nước ngay trong khu vực.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore. Như vậy, mỗi người Singapore làm việc có năng suất bằng 23 người Việt cộng lại.
Ngoài ra, năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 17,4% của Malaysia, 35,2% của Thái Lan, 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia. Điều này cho thấy, chỉ khi bài toán năng suất được giải quyết mới chấm dứt được những trận tranh cãi “nảy lửa” về mức tăng LTT như hiện nay.
Lê Thúy
Ông Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Các bên sẽ tiếp tục thương lượng để đạt được sự đồng thuận. Nếu không đồng thuận, các bên sẽ tiếp tục thương lượng phiên tiếp theo và bỏ phiếu mức tăng LTT vùng trên cơ sở đề xuất của Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia trước khi trình Thủ tướng ra quyết định tăng lương tối thiểu vùng 2018. Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Tôi nghĩ các bên phải có tiếng nói chung, đặc biệt phải có quan điểm đảm bảo lợi ích hài hòa, cùng nhìn về một phía. Nâng lương gắn với cả NLĐ và DN, kể cả phương án tăng lương cao, DN cũng được hưởng lợi bởi vì NLĐ sẽ cố gắng hoàn thành tốt công việc. Cùng với đó, khi tăng lương cũng cần xem xét cả khả năng cạnh tranh của DN, phát triển sản xuất thì mới chăm lo được đời sống. Ông Thân Đức Việt - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Việc LTT liên tục tăng đều đặn hàng năm sẽ vượt khả năng chi trả của DN. Một khi DN không thể tồn tại, việc tiền LTT tăng 5%, 7% hay 13% sẽ không còn ý nghĩa. DN cũng sẽ không dám đầu tư mở rộng do chi phí cho nhân công cao, dẫn đến mất khả năng cạnh tranh với các DN trong khu vực |