Theo tờ trình dự án Luật do Tổng KTNN Hồ Đức Phớc trình bày, sau 3 năm triển khai, Luật KTNN đã phát sinh nhiều vấn đề mới cần giải quyết như phạm vi, đối tượng kiểm toán, đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất, hệ thống pháp luật chưa bảo đảm sự tương thích với các luật khác có liên quan, vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm toán và thanh tra, kiểm tra… Vì vậy, việc sửa đổi luật là cần thiết.
![]() |
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc |
Hầu hết các đại biểu đồng tình với việc sửa đổi luật để khắc phục các bất cập, thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng góp ý về một số vấn đề được đề xuất tại dự thảo.
Về đối tượng kiểm toán, một số đại biểu cho rằng, đối tượng của KTNN là quản lý tài sản công, tài chính công và các hoạt động liên quan đến quản lý tài sản công, tài chính công của đơn vị được kiểm toán. Do đó, không mở rộng so với quy định tại Điều 4 luật hiện hành mà chỉ làm rõ các đối tượng có liên quan trong quá trình kiểm toán.
Đặc biệt là đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán đối với người nộp thuế, người sử dụng tài nguyên cần được cân nhắc để phù hợp với quy định của Hiến pháp là kiểm toán tài chính công cần phải cân nhắc thận trọng.
Đại biểu Nguyễn Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, theo Luật kiểm toán quy định đối tượng kiểm toán là nguồn tài sản liên quan đến tài sản công mà đã là tài sản công thì có mối liên hệ kinh tế đối với các cơ quan trực tiếp sử dụng tài sản này, như vậy rõ ràng phạm vi đối tượng trực tiếp đúng là sử dụng tài sản công, nguồn vốn công nhưng đối tượng này có quan hệ kinh tế với các đơn vị khác thì rõ ràng khi kiểm toán sẽ có quyền được kiểm tra các liên kết thông tin và khi đó kết quả kiểm toán mới hoàn chỉnh thông tin để có thể đưa ra kết luận.
“Do đó, tôi cho rằng chúng ta cần phải khoanh vào phạm vi đích thực để không tràn lan tránh chồng chéo với các đối tượng kiểm toán khác thực hiện. Ví dụ, cơ quan thuế, cơ quan thanh tra... đó chính là công việc thanh tra cần thực hiện trong thời gian tới", đại biểu Sinh nói.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng KTNN là một thiết chế riêng không phải là cơ quan lập pháp, không phải là cơ quan hành pháp, cũng không phải cơ quan tư pháp nhưng cần ban hành các văn bản để hướng dẫn.
Ví dụ, hướng dẫn luật kiểm toán, hướng dẫn các nghị quyết của Quốc hội hoặc hướng dẫn các nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán,… nên kiểm toán cũng có quyền được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
“Một số ý kiến cho rằng KTNN không có quyền đó, nhưng tôi cho rằng như vậy rất là vô lý bởi quyền đó là do luật quy định. Do đó, theo tôi cần sửa Luật ban hành quy phạm pháp luật cho phép kiểm toán được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chức năng hoạt động của kiểm toán và đảm bảo hoạt động có hiệu quả hơn”, đại biểu Sinh nói thêm.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, trong 18 nội dung mà KTNN đưa ra thì chỉ có 5 nội dung Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng tình với dự thảo Luật; 2 nội dung đề nghị chỉnh sửa lại; 11 nội dung là các vấn đề lớn thì đa số ý kiến trong Ủy ban không đồng tình vì chưa thực sự cần thiết, không đảm bảo công bằng và đề nghị giữ như Luật hiện hành. Hơn nữa, nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung chưa nhận được sự đồng tình của các bộ, ngành liên quan.
Thanh Hoa