Tại buổi thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Đầu tư công sửa đổi chiều 16/11, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) đã đánh giá như vậy.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) |
Liên quan tới phạm vi sửa đổi, đại biểu Mai cho biết, còn nhiều ý kiến khác nhau, một số ý kiến cho rằng chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, một số ý kiến khác cho rằng cần sửa đổi toàn diện.
“Vấn đề không phải là sửa đổi toàn diện hay là chỉ sửa đổi một số điều, mà quan trọng là phải chọn những vấn đề thực sự cần thiết, bức xúc để đưa vào phạm vi sửa đổi. Tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật những quy định chưa được đánh giá kỹ lưỡng”, đại biểu Mai nhấn mạnh.
Từ đó, đại biểu Mai kiến nghị cần phân định, bóc tách cụ thể những hạn chế nào liên quan tới cơ chế, chính sách và thể chế, pháp luật, những hạn chế nào do con người, do quá trình tổ chức thực hiện.
Đánh giá dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, bà Mai cho rằng dự thảo Luật còn thiếu vắng tiêu chí lựa chọn dự án, chưa gắn việc phân bổ nguồn lực với hiệu quả đầu ra. Đồng thời, dự thảo cũng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân đối với hiệu quả dự án. Nhất là trường hợp đầu tư không hiệu quả gây thất thoát lãng phí.
Vì vậy, trong lần sửa đổi này cần bổ sung các tiêu chí đánh giá dự án và tính hiệu quả đầu ra. Cương quyết không đưa vào dự thảo Luật những dự án chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế - xã hội, không phân bổ cho các dự án ở giai đoạn sau nếu chưa làm rõ hiệu quả đầu tư ở giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, cần bổ sung vào dự thảo Luật quy định về thẩm quyền. Thời gian qua, việc thiếu vắng các quy định về thẩm quyền đã gây ra không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, về thời hạn giải ngân. Theo đại biểu Mai, Luật hiện hành kéo dài thời hạn giải ngân 2 năm, trong trường hợp cần thiết thì kéo dài thời hạn lên tới 5 năm. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ của dự án… Chính vì vậy, thời hạn kéo dài giải ngân chỉ nên thực hiện trong thời hạn tối đa là 2 năm.
Lê Thúy