Báo cáo tài chính quý 1/2023 của CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) vừa công bố cho thấy doanh thu đạt 1.185 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ do giá Urê và NH3 giảm mạnh.
Đà lao dốc doanh thu và lợi nhuận
Chưa kể, giá vốn bán hàng của công ty này tăng 29% lên 1.104 tỷ đồng trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nguồn than thì thiếu hụt. Đáng chú ý, đây cũng là quý lỗ đầu tiên sau 6 quý có lãi trở lại của Đạm Hà Bắc với khoản lỗ 129 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi đến 868 tỷ đồng.
Các nhà máy sản xuất phân Urê trong nước đối mặt với bối cảnh dư cung, giá giảm. |
Tính đến nay, vốn chủ sở hữu của Đạm Hà Bắc âm 382 tỷ đồng và ghi nhận tổng lỗ lũy kế lên tới 3.104 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo tài chính quý 1/2023 mới công bố của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) cho thấy doanh thu đạt 2.735 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế sau khi khấu trừ các khoản chi phí đạt 229,6 tỷ đồng, giảm 84%. Đây là mức lãi thấp nhất theo quý của Đạm Cà Mau trong vòng 2 năm qua, kể từ quý 1/2021.
Trong khi đó, dự báo trước thị trường phân Urê năm nay có thể qua thời hoàng kim nên các DN phân đạm đã đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi trong năm 2023 sau một năm lãi kỷ lục.
Như Đạm Hà Bắc năm nay đặt mục tiêu 4.615 tỷ đồng doanh thu, 931 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng giảm 4% về doanh thu và giảm 61% về lợi nhuận so với thực hiện của năm 2022. Hiện tại, công ty mới hoàn thành 26% kế hoạch về doanh thu.
Năm 2023, Đạm Cà Mau lên kế hoạch 13.459 tỷ đồng doanh thu và 1.383 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng lần lượt giảm 18% và giảm 70% so với năm 2022. Như vậy, sau quý đầu tiên, công ty đã thực hiện được 20% chỉ tiêu doanh thu và 16,6% mục tiêu lợi nhuận.
Còn trong tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 được công bố trong tháng 4/2023, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (chủ thương hiệu Đạm Phú Mỹ - DPM) đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm nay khoảng hơn 17.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 2.670 tỷ đồng. So với mức thực hiện năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Đạm Phú Mỹ dự kiến giảm 13% về doanh thu và giảm 58% về lợi nhuận trước thuế.
Xét về tình hình thị trường phân Urê, trong báo cáo chuyên đề về hàng hóa vừa phát hành trong tháng 4/2023, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VCBS cho biết, giá Urê trong nước vào quý 1/2023 đã ghi nhận mức giảm 15%-20% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhu cầu nội địa suy yếu.
Khó khăn nhưng vẫn có hy vọng
Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diện tích sạ lúa hè thu vẫn chưa gia tăng đáng kể, nhu cầu phân Urê thấp khiến các thương nhân, đại lý nhập hàng cầm chừng do lo ngại giá tiếp tục giảm. Tại miền Trung, lúa Đông Xuân cuối tháng 4 bắt đầu thu hoạch nên nhu cầu sử dụng Urê ở mức thấp, lúa Đồng Xuân tại miền Bắc trong giai đoạn chăm bón nhưng lượng tiêu thụ Urê cũng giảm.
Chưa kể, lượng nhập khẩu gia tăng trong khi các nhà máy, đại lý nội địa còn nhiều hàng tồn kho nên thị trường chịu sức ép dư cung. Thị trường phân Urê nội địa được cho là đồng pha với thế giới trong bối cảnh dư cung. Theo Bộ phận phân tích của VCBS, thế giới ghi nhận mức giảm giá đáng kể trong quý 1/2023 do nguồn cung gia tăng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ yếu.
Giá Urê suy yếu ở tất cả các thị trường từ quý 4/2022 cho đến nay chủ yếu do một số nhà máy Urê ở châu Âu vận hành trở lại do giá khí tự nhiên giảm. Trong khi đó, xuất khẩu Urê từ Trung Quốc tăng mạnh vào cuối năm 2022. Nguồn cung phân đạm sẽ tiếp tục tăng khi Trung Quốc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm xuất khẩu phân bón trong năm 2023 và gây áp lực lên mặt bằng giá nói chung.
Xét về triển vọng thị trường phân Urê trên thế giới, giới phân tích nhận định chưa thực sự khả quan do nguồn cung gia tăng tại các khu vực chính. Sản lượng xuất khẩu Urê của Trung Quốc được dự báo tăng trong năm 2023 so với năm 2022 do chi phí sản xuất cạnh tranh của các nhà máy sản xuất Urê chạy bằng than so với các nhà máy chạy bằng khí ở châu Âu.
Ở thị trường trong nước, giá Urê năm nay được dự báo giảm so với mức đỉnh năm 2022 nhưng vẫn duy trì ở mức nền cao chủ yếu do giá nguyên vật liệu (khí, than) giảm sẽ giảm áp lực chi phí sản xuất Urê. Nhu cầu tiêu thụ Urê trong nước được dự báo sẽ phục hồi 12%-16% trong năm 2023 do kỳ vọng giá Urê giảm.
Nhất là xuất khẩu lúa gạo có nhiều triển vọng, cộng với điều kiện thời tiết thuận lợi trong nửa đầu năm hỗ trợ hoạt động canh tác nông nghiệp, qua đó thúc đẩy nông dân gia tăng diện tích canh tác, kéo theo nhu cầu sử dụng phân Urê tăng theo.
Dù có thể đã qua thời hoàng kim, nhưng với triển vọng như vậy đang đòi hỏi các DN sản xuất phân Urê cần có những giải pháp sản xuất kinh doanh phù hợp hơn để thích ứng nhanh trước những biến động.
Tuy nhiên, các DN nội địa trong ngành hàng này vẫn đang e ngại khi Việt Nam phải mở cửa thị trường phân bón trong quá trình hội nhập, nhiều DN nước ngoài sẽ đầu tư sản xuất kinh doanh phân bón có thể thay thế một phần Urê. Những DN nước ngoài với kinh nghiệm, năng lực quản lý kinh doanh tốt có thể sẽ trở thành những đối thủ mạnh tại Việt Nam. Khi đó, những mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận sẽ tiếp tục là bài toán nan giải đối với DN nội.
Thế Vinh