Mới đây, Bộ Công Thương dẫn cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc cân đối cung - cầu điện năm 2024 được tính toán với dự báo tăng trưởng phụ tải cơ sở (8,96%), 2 kịch bản lưu lượng nước về hồ thủy điện: bình thường và cực đoan. Trong đó, cập nhật tiến độ các nguồn điện mới (Ialy mở rộng và các nguồn điện nhập khẩu từ Lào…).
Điện gió ngoài khơi có tiềm năng mang lại hàng trăm tỷ USD
Với phương án lưu lượng nước về bình thường, hệ thống điện quốc gia cơ bản đáp ứng cung ứng điện, tuy nhiên do công suất dự phòng của hệ thống miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất dự phòng đỉnh tại một số thời điểm (từ 13-16 giờ, 19 - 22 giờ) trong ngày của các ngày nắng nóng.
Quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam sang hướng phát triển điện gió ngoài khơi có tiềm năng mang lại hàng trăm tỷ USD. |
Đối với trường hợp lưu lượng nước về cực đoan, việc đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420 - 1.770 MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và tháng 7/2024.
Như vậy, có thể thấy trong năm 2024, việc cung ứng điện vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Điều này đòi hỏi việc phát triển thêm các nguồn điện tái tạo để tránh phụ thuộc quá lớn vào các nguồn truyền thống như điện than, thủy điện; đi kèm với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường truyền tải đảm bảo huy động tốt nguồn năng lượng tái tạo.
Ông John Rockhold, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Việt Nam và AmCham Hà Nội cho biết, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất điện từ năng lượng tái tạo sạch với giá cả hợp lý.
“Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ nguồn điện tái tạo cho người tiêu dùng Việt Nam lên tới 65%. Trong một vài tháng, có hơn 40% nguồn điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Điều này đưa Việt Nam vào top 5% các nước trên toàn thế giới, xét về tỷ trọng nguồn điện tái tạo trong cơ cấu nguồn”, ông John Rockhold nói.
Điều quan trọng đối với nhiều nhà sản xuất Hoa Kỳ khi lựa chọn Việt Nam là khả năng tiếp cận nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam nên ưu tiên các nguồn năng lượng có giá cả phù hợp, đáng tin cậy và bền vững về mặt xã hội.
Thêm vào đó, quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam sang hướng phát triển điện gió ngoài khơi có tiềm năng mang lại hàng trăm tỷ USD từ việc phát triển kinh doanh chuỗi cung ứng mới cho ngành công nghiệp này.
Cùng với Hoa Kỳ, các nhà đầu tư châu Âu như Equinor, CIP, Mainstream, Vestas, Suez, Siemens Gamesa, Schneider… cũng nhiều lần bày tỏ sẵn sàng đầu tư nhiều tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng gió của Việt Nam.
“Chúng tôi đến đây là để đồng hành với Việt Nam trên con đường phát triển điện gió ngoài khơi trong dài hạn”, ông Henrik Scheinemann, đồng Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Copenhagen Offshore Partners (COP) chia sẻ tại một hội nghị điện gió diễn ra hồi tháng 3 năm nay.
Trong khi đó, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), cho biết nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD giúp Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi.
Nhà đầu tư Hoa Kỳ cam kết cung cấp điện với giá phải chăng
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%. Theo đó, kỳ vọng trong thời gian tới, lĩnh vực năng lượng tái tạo tiếp tục nhận được dòng vốn đầu tư khủng từ các nhà đầu tư nước ngoài, kéo theo đó, người tiêu dùng có thể hy vọng giá điện sẽ ngày càng rẻ.
Giải trình về Luật Điện lực sửa đổi gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương cũng nêu quan điểm trong bối cảnh hiện nay, giá điện tái tạo trên thế giới có xu hướng ngày càng giảm, quy mô ngày càng mở rộng, chiếm tỷ trọng lớn trong cấu cấu nguồn điện quốc gia. Bên cạnh đó, thị trường công nghệ, thiết bị điện gió cũng cạnh tranh hơn, nên việc xem xét, chuyển dịch sang chính sách phát triển theo hướng tiệm cận thị trường là phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới.
Theo Bộ Công Thương, việc duy trì các chính sách hỗ trợ không còn phù hợp. Việc xác định giá bán điện các dự án điện năng lượng tái tạo sẽ áp dụng tương tự như các dự án điện khác như thủy điện, nhiệt điện. Các ưu đãi đầu tư khác đã được quy định tại Luật Đầu tư.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, sau khi kết thúc các cơ chế khuyến khích phát triển theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và cả các dự án điện năng lượng tái tạo trong tương lai cũng sẽ phải thực hiện theo cơ chế: các chủ đầu tư dự án đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành để đảm bảo tuân thủ Luật Điện lực, Luật Giá và các văn bản liên quan để đảm bảo tính đồng nhất của hành lang pháp lý.
Trong khi đó, Chủ tịch AmCham cũng nhấn mạnh, các công ty và nhà đầu tư Hoa Kỳ mang các dự án điện và năng lượng chất lượng cao như công nghệ, dịch vụ và phương thức kinh doanh tiên tiến đến Việt Nam. “Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp điện giá cả phải chăng, đáng tin cậy và bền vững cho sự phát triển của Việt Nam”, ông nói.
Tuy vậy, các nhà đầu tư Hoa Kỳ mong muốn có môi trường đầu tư thuận lợi, có thể dự đoán và hợp lý, coi trọng sự đổi mới - không chỉ để thu hút đầu tư năng lượng và năng lượng mới mà còn để duy trì và phát triển các khoản đầu tư vào chuỗi cung ứng hiện quả. “Không còn nghi ngờ gì nữa, việc mở rộng hoạt động của các nhà đầu tư điện và năng lượng hiện tại là cách quảng bá tốt nhất để thu hút nguồn đầu tư mới”, ông John Rockhold chia sẻ.
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ ủng hộ việc tích hợp các chính sách về năng lượng tái tạo thành một chương riêng trong quá trình sửa Luật Điện lực, thay vì xây dựng một Luật Năng lượng tái tạo mới.
Đồng thời, AmCham cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ làm rõ những điểm vướng mắc trong Luật Điện lực đang làm cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài, đồng thời cân nhắc cẩn trọng đến các gánh nặng hành chính khi soạn thảo các dự thảo luật và quy định để có thể hạn chế tạo thêm gánh nặng bất cứ khi nào có thể.
"Chúng tôi biết rằng các dự án lưới điện mới sẽ thu hút đầu tư và nâng cao quy mô công suất của các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam", Chủ tịch AmCham cho biết.
Theo ông, cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện tái tạo và khách hàng theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ cực kỳ hữu ích cho cả hai bên trong trường hợp không sử dụng lưới điện quốc gia, hay trường hợp sử dụng lưới điện quốc gia với sự tham gia của EVN và EVN được trả một mức phí cho việc sử dụng lưới điện.
Nhật Linh