Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã công bố Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 nhằm đánh giá quá trình hoạt động của thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019.
77% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong năm. |
Theo đó, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) ở Việt Nam năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Ước tính số người tham gia mua sắm trực tuyến là 44,8 triệu người, với giá trị mua sắm trực tuyến của một người là 225 USD.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có quy mô thị trường thương mại điện tử thấp hơn Indonesia. Cụ thể, doanh thu thương mại điện tử B2C của nước này đạt 18,8 tỷ USD, với 168,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, giá trị mua sắm một người 111,5 USD.
Tuy vậy, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam cao hơn nhiều nước, như Thái Lan có doanh thu thương mại điện tử B2C đạt 4,3 tỷ USD, với 34,8 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, giá trị mua sắm một người 124 USD.
Đồng thời, so với các nước phát triển, việc phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam còn khoảng cách khá xa. Năm 2019, doanh thu thương mại điện tử B2C của Mỹ đạt 365,2 tỷ USD. Ước tính số người tham gia mua sắm trực tuyến là 263 triệu người, với giá trị mua sắm một người là 1.388 USD.
Quay trở lại Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết: tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong năm vào năm 2019 đạt tới 77%, cao hơn 2018 là 70%. Trong đó, người dùng tập trung các sản phẩm hàng hóa phục vụ sinh hoạt.
Người dùng chủ yếu mua hàng qua các website thương mại điện tử (52%), diễn đàn mạng xã hội (57%), các ứng dụng thương mại điện thoại di động (57%).
Hình thức thanh toán người mua hàng trực tuyến ưu tiên lực chọn là tiền mặt khi nhận hàng (chiếm 86%).
Lý do khiến người dùng lựa chọn 1 website để mua hàng qua mạng là qua bạn bè người thân giới thiệu, xem bình luận, đánh giá trên mạng xã hội, xem quảng cáo...
Đặc biệt, tỷ lệ người dùng internet mua hàng qua các website nước ngoài chiếm 29% trong năm 2019.
Tuy vậy, vẫn còn các trở ngại khi mua hàng trực tuyến như sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo. lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ, giá cả đắt hơn mua trực tuyến, dịch vụ chăm sóc khách hàng kém...
Mặt khác, một số người dùng chưa mua sắm trực tuyến là do mua hàng tại cửa hàng thuận tiện hơn, khó kiểm định chất lượng hàng hóa khi mua qua internet, không tin tưởng đơn vị bán hàng, sợ lộ thông tin cá nhân.
Thy Lê