Tại Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu (XK), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 5 câu hỏi trên và yêu cầu các bộ ngành phải trả lời.
“Cần có giải pháp XK trước mắt và lâu dài, chứ không phải chắp vá. Tỉnh nào, bộ nào cũng có định hướng XK với bước đi thích hợp để góp phần “đông tay vỗ nên kêu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Xuất khẩu bị “kìm chân”?
Đánh giá hoạt động XK đạt được nhiều thành tích, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận hoạt động XK còn nhiều tồn tại. Trong đó phải kể tới như nếu không tính hai mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng XK cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%, khối FDI vẫn chiếm trên 70% XK, đặc biệt nhiều mặt hàng nông sản dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng vẫn chưa thâm nhập được như sữa, thịt lợn, rau quả…
Người đứng đầu ngành Công Thương cho biết các doanh nghiệp (DN) mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, có sự điều chỉnh để tạo điều kiện cho XK như chính sách thuế giá trị gia tăng (diện mặt hàng chịu thuế, thời gian, thủ tục hoàn thuế), chính sách thuế nhập khẩu đối với một số nguyên phụ liệu, quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
“Nhiều DN cho rằng chi phí của nền kinh tế còn cao (chi phí lãi suất, chi phí vận tải, mức thu các loại phí cảng còn cao ở nhiều nơi…) làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa XK”, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Chia sẻ cụ thể về ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết tổng kim ngạch XK hàng dệt may Việt Nam quý I/2018 ước đạt 7,62 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, phát triển ngành dệt may hiện nay mất cân đối.
Theo ông Cẩm, khâu yếu nhất là thượng nguồn (kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất). Năm 2017, sợi sản xuất trên 1,4 triệu tấn/năm trong đó có đến 90% XK, song lại nhập 876.000 tấn, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.
Nguồn vải cho may XK chủ yếu nhập khẩu (chiếm trên 80% nhu cầu, trong đó Trung Quốc chiếm 50% tổng giá trị, Hàn Quốc 18%, Đài Loan 15%), tạo ra tình trạng nghẽn tại khâu nhuộm. Dẫn tới tỷ lệ giá trị gia tăng tăng thêm của may mới đạt khoảng 50%.
Trong khi đó, may XK chủ yếu theo phương thức CMT (khách hàng cung cấp toàn bộ đầu vào để sản xuất sản phẩm bao gồm nguyên liệu, vận chuyển, mẫu thiết kế và các yêu cầu cụ thể; các nhà sản xuất chỉ thực hiện việc cắt, may và hoàn thiện sản phẩm), phương thức cao hơn như FOB/OEM, ODM còn thấp và OBM thì không đáng kể. Do vậy, ưu thế vượt trội của các DN FDI hiện chiếm 62% tỷ trọng XK của ngành, trong đó xơ sợi chiếm 72%, vải và may mặc chiếm 60,6%.
Ông Cẩm khuyến nghị cần tập trung để tái cơ cấu trong nội bộ ngành, đón bắt cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0, hình thành chuỗi cung ứng đổi dần các khâu từ sợi, dệt, nhuộm đến may mặc và nâng cao năng suất, đẳng cấp sản phẩm.
“Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết giữa DN dệt may trong nước với nhau, giữa DN trong nước và FDI, giữa DN sản xuất nguyên liệu, phụ liệu và may, hình thành chuỗi liên kết tại mỗi vùng, miền. Từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và khả năng chủ động về nguyên liệu cho may XK, chuyển dần phương thức CMT sang FOB và ODM”, ông Cẩm nêu giải pháp.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh nào, bộ nào cũng có cần có định hướng xuất khẩu |
Ngành gỗ nhiều tiềm năng song chưa tận dụng hết, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM, cho biết so với tiêu dùng đồ nội thất toàn cầu, tổng sản xuất của Việt Nam chỉ ở mức 2,06%. Sánh tổng thương mại đồ gỗ của 100 quốc gia XK, Việt Nam chiếm khoảng 6%.
Điều này cho thấy xuất phát điểm của chúng ta còn rất thấp trong khi cơ hội thị trường còn rất nhiều, khả năng tăng thị phần rất cao. Tuy nhiên, đơn hàng không tự đến với DN mà phải tiếp cận thị trường mục tiêu và khách quan để kéo họ về phía mình.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso), than thở năng suất lao động trong ngành da giày hiện nay quá thấp. Năng suất lao động đang thua Bangladesh, Trung Quốc. Chính phủ, DN cần phải có kế hoạch cải thiện năng suất lao động.
“Đông tay vỗ nên kêu”
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XXK thủy sản Việt Nam (VASEP), lo lắng trong khi nhu cầu các sản phẩm cá tra chất lượng cao và hàng giá trị gia tăng có xu hướng hồi phục tại thị trường lớn như EU, Mỹ thì tình hình khan hiếm nguyên liệu trong nước đang là vấn đề của ngành cá tra, nhất là khi thương lái Trung Quốc ra sức thu mua cá tra, bất kể chất lượng, đem gia công và tăng trọng để XK qua biên giới.
“Việc không quản lý chặt chẽ chất lượng cá tra XK đi Trung Quốc đang được gia công chế biến tràn lan sẽ gây tổn hại đến uy tín chất lượng cá tra Việt Nam tại các thị trường XK khác trong khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng hình ảnh và chất lượng cá tra phát triển bền vững”, ông Hòe nói.
Ông Hòe kiến nghị, để việc XK cá tra ổn định và đạt kim ngạch XK dự kiến trên 1,8 tỷ USD, đồng thời tạo bàn đạp cho sự phát triển những năm tiếp theo, tránh những hậu quả như phụ thuộc thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, cần các giải pháp quản lý chặt chẽ, đồng bộ về sản xuất cũng như XK.
Cho rằng năng lực sản xuất trong nước gia tăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý phải nghiên cứu thị trường trước khi sản xuất cần liên tục phổ cập thông tin thị trường đến người sản xuất.
Nhất trí với các ý kiến về việc phát huy vai trò lớn hơn nữa của các hiệp hội ngành nghề trong hỗ trợ XK, Thủ tướng cho rằng các hiệp hội cần đoàn kết, bởi “một cây làm chẳng nên non”, “tách ra thì không thể làm được gì”.
Thủ tướng nhìn nhận phải sửa đổi một số văn bản pháp lý để khuyến khích XK, tạo môi trường thông thoáng cho DN. Sắp tới, Thủ tướng sẽ trực tiếp đi kiểm tra về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Về vấn đề chi phí, Thủ tướng nêu rõ chi phí cao thì không thể cạnh tranh. Do đó, việc giảm chi phí ở mọi khâu rất quan trọng như chi phí logistics, chi phí vốn, thủ tục, chi phí tiền lương, trong đó chi phí không chính thức còn lớn.
Lê Thúy
Tổng Thư ký VASEP - Trương Đình Hòe VASEP kiến nghị Chính phủ xem xét và chỉ đạo thực hiện quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế đối với mặt hàng thủy sản XK đi Trung Quốc bằng đường bộ thông qua việc cấp và kiểm tra bắt buộc chứng thư chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi XK. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có chương trình kiểm tra điều kiện sản xuất của các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản XK cho thị trường Trung Quốc hiện nay để đảm bảo chất lượng thủy sản XK. Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Cần nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam trong XK với công việc cần làm trước mắt là hỗ trợ các DN Việt Nam tạo liên kết với khu vực FDI, từ đó gia nhập và tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu. Nghiên cứu các rào cản đối với liên kết này, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, kể cả sửa đổi Nghị định 111/2015 về công nghiệp hỗ trợ… 75% kim ngạch XK là từ khu vực FDI, do đó nếu liên kết được khu vực này thì giá trị gia tăng của Việt Nam cao hơn. Phó Chủ tịch VITAS - Trương Văn Cẩm Nhà nước cần thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may 3 miền Bắc, Trung, Nam để kêu gọi và thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm tránh chồng chéo, cạnh tranh tuyển lao động, hỗ trợ đầu tư xử lý nước ở các khu công nghiệp này. Không khuyến khích DN FDI đầu tư vào sợi, may. |