Báo cáo mới nhất vào cuối tháng 6/2023 từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect có nhận định, các chính sách ưu đãi từ Chính phủ sẽ là động lực chính cho sự phục hồi của ngành ô tô trong nửa cuối 2023.
Bước ngoặt đến từ các chính sách ưu đãi
Nhất là khi Chính phủ vừa ban hành Nghị định 36 gia hạn thời hạn nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và thông qua đề án giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ 1/7/2023 đến hết năm 2023).
Các chính sách ưu đãi được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt cho đầu ra của ngành công nghiệp ô tô nội địa trong các tháng tới. |
Điều này cần đặt trong bối cảnh sản lượng ô tô bán ra thị trường trong nước trong nửa đầu năm nay đã sụt giảm mạnh. Trong đó, tính riêng 5 tháng đầu năm 2023, doanh số bán xe cá nhân và xe lắp ráp đã giảm 43% và 40% so với cùng kỳ năm 2022, do kết thúc ưu đãi giảm thuế trước bạ và nhu cầu yếu vì lãi suất cho vay mua ô tô cao.
Theo kỳ vọng của VnDirect, lãi suất cho vay sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng xa xỉ như ô tô. Còn hiện tại, mặt bằng chung lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng niêm yết tại các ngân hàng thương mại đã giảm xuống dưới 8%/năm.
Từ nhận định nêu trên, có thể thấy ngành công nghiệp ô tô nội địa đang trông chờ vào “bước ngoặt” đến từ khâu chính sách sau những khó khăn bủa vây ngành này trong suốt nửa năm qua.
Và không riêng gì ngành này, đây cũng là sự trông chờ chung của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo để đầu ra được “tuôn chảy” trong nửa cuối năm nay, nếu như khâu chính sách tạo ra được sự thuận lợi cho DN và loại bỏ đi các yếu tố bất lợi.
Bởi lẽ, trong cuộc khảo sát mới đây của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của các DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cho thấy quý 3/2023 được dự báo khả quan hơn quý 2/2023.
Cụ thể, có tới 72,6% DN đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý 3/2023 so với quý 2/2023 tốt hơn và giữ ổn định (34,3% tốt hơn, 38,3% giữ ổn định), còn 27,4% DN đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Bên cạnh khảo sát nêu trên, cũng cần tham khảo dự báo từ một số địa phương khác đang có thế mạnh về công nghiệp chế biến, chế tạo. Như ở tỉnh Bình Dương, kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của 413 DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý 3/2023 cho thấy có 26,4% DN dự báo tình hình sẽ tốt hơn, 38,5% dự báo tình hình ổn định. Bên cạnh đó, có 24,4% DN dự báo có số đơn hàng mới tăng, 38,3% DN dự báo có số đơn hàng mới ổn định.
Trong khi đó, ở Đồng Nai, theo dự báo của Cục Thống kê, tình hình sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm 2023 còn tiếp tục gặp khó khăn lớn, chưa có dấu hiệu khả quan hơn.
Kích cầu chi tiêu đòi hỏi phải dài hơi
Cũng nên nhắc lại, trong quý 2/2023 vừa qua, hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” vẫn là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ lệ DN lựa chọn lần lượt là 55,5% và 47,2%. Không chỉ vậy, quý 2/2023 vừa qua cũng là quý đầu tiên trong vòng 5 năm gần đây có tỷ lệ DN sử dụng công suất máy móc, thiết bị đạt dưới 40%.
Nhìn từ những khó khăn về sản xuất kinh doanh của quý 2 và những dự báo về xu hướng kinh doanh trong quý 3/2023 để thấy khâu chính sách cần lưu tâm, góp phần cải thiện về đầu ra cho ngành công nghiệp chế biến trong thời gian tới.
Đơn cử như các chính sách để thúc đẩy đầu ra cho ngành công nghiệp ô tô. Chuyên gia phân tích của VnDirect đã dẫn chứng, sau khi được áp dụng giảm lệ phí trước bạ trong nửa cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh số bán ô tô toàn thị trường ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ.
Chính vì vậy, giới chuyên gia nhấn mạnh khâu chính sách cần làm sao để góp phần kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Chẳng hạn, chính sách kích cầu chi tiêu đòi hỏi phải dài hơi, đủ để các DN sản xuất có thể xoay xở. Điều này có thể thấy ở chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng 2% cần tránh những rủi ro mang lại cho DN.
Như lưu ý của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều trường hợp hai DN mua bán hàng hoá với nhau nhưng không thống nhất được áp dụng thuế suất 8% hay 10% khiến hợp đồng không thể thực hiện được.
Không chỉ vậy, bản thân cơ quan thuế, cơ quan hải quan cũng lúng túng trong việc phân loại hàng hoá, dịch vụ để áp dụng. Vấn đề này thậm chí còn gây nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực khi DN bị thanh kiểm tra do cơ quan Nhà nước có thể diễn giải quy định theo nhiều cách khác nhau.
Ngoài ra, cần để ý thêm vấn đề các DN trong ngành công nghiệp chế biến vẫn còn đang gặp vướng về mặt chính sách đối với tiêu chí sản xuất xanh, dễ dẫn đến nguy cơ giá sản xuất và tiêu dùng tăng cao.
Đơn cử như các vướng mắc về tuần hoàn chất thải trong sản xuất, đầu tư dự án điện mặt trời áp mái để có nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất, thiếu nguồn vốn xanh với lãi suất ưu đãi để DN vay đầu tư máy móc, giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải, định mức về chi phí tái chế…
Điều này cũng cần vai trò của khâu chính sách nhằm loại bỏ những yếu tố bất lợi cho DN. Một khi các rào cản được sớm tháo gỡ sẽ tăng được lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam và việc các DN nhận được nhiều đơn hàng từ các nhãn hàng quốc tế sẽ khả quan hơn trong thời gian tới.
Thế Vinh