Hiện, giá bán lẻ điện bình quân theo quy định là 1.864,44 đồng/kWh, áp dụng từ năm 2019 đến nay. Mức này được Chính phủ quy định cứng (theo từng thời kỳ, năm) và là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt cho người dân, doanh nghiệp. EVN chỉ được tăng giá điện khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý) tăng từ 3% trở lên so với mức giá hiện hành.
Tần suất điều chỉnh giá có thể nhiều lên
Tuy nhiên, tại dự thảo quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất chỉ cần các thông số đầu vào biến động làm tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 1% trở lên, EVN có thể tăng giá điện sinh hoạt; trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tăng 1% đến dưới 5% và trong khung giá, EVN sẽ được quyết định tăng giá điện. Tập đoàn này sẽ lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN để kiểm tra, giám sát.
Đã 3 năm qua, giá bán lẻ điện bình quân chưa được điều chỉnh, do vậy khả năng tăng trong năm 2023 là rất cao. |
Tính toán của EVN hồi tháng 6 vừa qua cho thấy, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 lên mức 1.915,59 đồng/kWh (không gồm khoản chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua bán điện còn lại 2019 – 2021 của các đơn vị phát điện), mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019.
Bình luận về đề xuất trên, trao đổi với VnBusiness, GS. Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam, chia sẻ về nguyên tắc nếu cho phép biên độ để điều chỉnh hẹp lại, từ 3% xuống 1%, có nghĩa là tần suất điều chỉnh giá điện sẽ tăng lên. Điều này có hai mặt, giá điện bám sát thị trường. Tuy nhiên, mặt khác là biên độ điều chỉnh giá điện sẽ nhiều lên như vài tháng một lần, sẽ ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp, người dân, tác động tới giá cả trên thị trường.
Nếu nội dung trên được thông qua, ông Long cho rằng nên áp dụng thử một thời gian, sau đó đánh giá xem số lần điều chỉnh có quá nhiều, quá thường xuyên hay không, nếu chu kỳ điều chỉnh trên 6 tháng thì áp dụng được, còn nếu điều chỉnh thường xuyên quá – một vài tháng thì sẽ ảnh hưởng lớn tới người dân và doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, thực sự nói về giá điện là cả một vấn đề. Giá điện từ lâu rồi nói mãi về câu chuyện thiếu công khai, minh bạch, không rõ ràng. Giá điện vẫn do Nhà nước quản lý, nếu theo thị trường có cạnh tranh, bình đẳng thì việc điều chỉnh giá là bình thường theo thị trường.
Tuy nhiên, do không có yếu tố thị trường nên điều chỉnh biên độ 1% thì không phù hợp lắm vì chưa phải giá thị trường, giá cạnh tranh. Do vậy, ông Thịnh cho rằng ngành điện độc quyền, EVN được tự điều chỉnh khi thông số đầu vào tăng 1% là yếu tố cần cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định.
Ông Thịnh nhấn mạnh tới yếu tố độc quyền của EVN ở ngành điện. Nếu EVN nói giá đầu vào tăng bao nhiêu thì chúng ta cũng biết vậy. Hiện nay, quá trình cổ phần hóa của nhiều doanh nghiệp trong ngành điện vẫn trì trệ, dẫn tới việc tính toán chi phí giá thành cho sản xuất kinh doanh điện không rõ ràng, công khai minh bạch.
“EVN nói lỗ hay lãi, chúng ta không nắm rõ, lúc cần chia lương, chia lãi thì lãi to; còn khi cần tăng giá thì lỗ. Đấy là câu chuyện diễn ra nhiều lần chứ không phải bây giờ mới có, dẫn tới chúng ta thiếu niềm tin vào ngành điện, cứ nói tới điều chỉnh giá điện là dư luận bức xúc, vì không thấy tính công khai, minh bạch, rõ ràng trong sản xuất, kinh doanh điện”, ông Thịnh nêu quan điểm.
Năm 2023, giá điện sẽ tăng?
Trong một diễn biến liên quan, tại Hội thảo về phát triển năng lượng mới đây, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh giá bán lẻ điện kịp thời theo Quyết định 24/2017. Nguyên nhân là do EVN đang phải đối mặt với khó khăn lớn. 8 tháng đầu năm nay, giá thành khâu phát điện (vốn chiếm tỷ trọng 82,45% trong cơ cấu giá) tăng quá cao vì giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào leo thang. Các chi phí đầu vào (giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát và chi phí mua điện trên thị trường) trong khâu phát điện tăng vọt, tác động trực tiếp đến chi phí mua điện mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát.
“Mặc dù EVN đã nỗ lực cố gắng để tiết kiệm chi phí, huy động tối ưu các nguồn điện… để giảm lỗ nhưng với các giải pháp trong nội tại EVN đã và đang thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao so với kế hoạch đầu năm”, ông Hải chia sẻ.
Hơn nữa, đại diện EVN cho hay, đây là năm thứ 3 liên tiếp, giá bán lẻ điện bình quân chưa được tăng kể từ tháng 3/2019. Vì vậy, EVN đề nghị cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời theo đúng quy định của Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở các thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện tác động trực tiếp đến chi phí mua điện mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát như phân tích ở trên.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính 6 tháng của EVN, tập đoàn này ghi nhận khoản lỗ trên 16.500 tỷ đồng do chi phí sản xuất điện tăng cao. Việc này tạo áp lực tăng giá điện trong năm 2023 là rất lớn.
Về điều chỉnh giá điện trong thời gian tới, Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam Trần Đình Long cho rằng, nếu Nhà nước đã có chủ trương phát triển kinh tế theo hướng thị trường thì nên tuân thủ quy luật thị trường, điều đó có nghĩa không nên gìm giá điện lâu quá, đến khi chênh lệch giá điện với thị trường quá lớn thì phải điều chỉnh biên độ lớn, không đáp ứng được nhu cầu linh hoạt thị trường. EVN có thể đề xuất, giải trình về sự hợp lý phải điều chỉnh giá điện trong năm sau tới Bộ Công Thương, Chính phủ.
Tuy nhiên, mặt khác cũng cần nhìn nhận một thực tế là trong những năm qua, giá điện hầu như chỉ tăng, chứ không giảm, Viện trưởng Viện Điện lực nhấn mạnh rõ ràng cần duy trì cơ quan kiểm toán xem yếu tố nào dẫn tới tăng hoặc giảm giá điện. Ví dụ như giá xăng dầu thế giới giảm, thì cần tính xăng dầu chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong giá điện và giá điện phải giảm tương ứng là bao nhiêu. “Cơ quan quản lý Nhà nước có công cụ xác định tương đối rõ, nếu luận chứng cho thấy giá thành sản xuất điện giảm thì Nhà nước có quyền can thiệp để EVN giảm giá điện”, ông Long chỉ ra.
Song vị chuyên gia này cũng nhìn nhận thời gian qua, yếu tố giảm giá điện hầu như “không thắng" được yếu tố tăng nên giá điện luôn được điều chỉnh tăng.
TS. Lê Đăng Doanh Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Bộ Công Thương nên có một hội đồng độc lập để giúp giám sát và đáp ứng yêu cầu của người dân, DN liên quan đến điều chỉnh giá điện và hoạt động kinh doanh của ngành điện. Đây cũng là một yêu cầu rất lành mạnh giúp EVN phát triển và nhận được sự ủng hộ của người dân. Còn việc EVN đang lỗ nặng do biến động giá đầu vào nên muốn tăng giá điện thực tế cũng là yêu cầu cấp bách nhưng cần xem xét cơ chế điều chỉnh thế nào, bởi giá điện ở nhiều nước được điều chỉnh rất linh hoạt, như giá ban đêm khác ban ngày để khuyến khích dùng dưới điện vào ban đêm... PGS.TS. Bùi Xuân Hồi Chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng điện lực miền Bắc EVN nói năm nay lợi nhuận bằng 0, năm sau cũng có khả năng bằng 0 thì sẽ tạo áp lực rất lớn cho các nhà đầu tư tư nhân khác nếu muốn tham gia vào ngành điện. Điều này nằm ở vai trò của Nhà nước trong việc tính toán cơ chế điều hành giá điện, bởi thay đổi này có thể là chi phí của đơn vị kinh tế này nhưng lại là lợi ích của đơn vị kinh tế kia. Làm sao giá điện đảm bảo thu hút đầu tư nhưng cũng đảm bảo cả lợi ích xã hội tổng thể. Nghịch lý của ngành điện ở Việt Nam là có thị trường phát điện cạnh tranh nhưng giá bán điện cho người tiêu dùng cuối cùng do Nhà nước quy định. TS. Nguyễn Đức Độ Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính Về nguyên tắc đã gọi là kinh doanh thì phải liên quan đến cạnh tranh, trong khi mặt hàng điện bán lẻ chưa có cạnh tranh. Thị trường nặng tính độc quyền nên việc tăng giá sẽ khó chấp nhận trong bối cảnh hiện tại. Chưa kể, giá điện tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa thiết yếu, nhất là trong hoạt động nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, nếu không tăng thì ngành điện lại kêu lỗ, đây rõ ràng là bài toán cần phải giải quyết thấu đáo. |
Lê Thúy