Những dự báo cho thấy, tăng trưởng của mảng bao bì nhựa trong năm 2021 ở Việt Nam sẽ nằm ở việc tăng trưởng chi tiêu cho thực phẩm, đồ uống không cồn. Theo đó, tăng trưởng bao bì nhựa ở mảng thực phẩm trong năm sẽ vào khoảng 15,2% và bao bì nhựa cho mảng đồ uống không cồn có thể sẽ là 13,1%.
“Cửa sáng” tăng trưởng
Riêng với thị trường châu Á, theo nhận định từ giới phân tích, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm bao bì nhựa sẽ tiếp tục tăng trưởng và là động lực tăng trưởng chính cho mảng nhựa bao bì tại Việt Nam khi nhắm đến xuất khẩu vào thị trường châu lục này.
Mảng bao bì nhựa nội đang đứng trước nỗi lo bị khối ngoại dần thâu tóm. |
Cần biết rằng, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bao bì nhựa tại khu vực châu Á cách đây 3 năm đã ước đạt 1.103 tỷ sản phẩm, tương đương với khoảng 46% tổng nhu cầu toàn thế giới. Đến năm 2022, nhu cầu tiêu thụ bao bì nhựa của châu Á được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 4% và đạt mức 1.288 tỷ sản phẩm.
Tại thị trường Việt Nam, trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 từ năm 2020 và vẫn còn diễn biến phức tạp trong quý I/2021, nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng chi tiêu của hộ gia đình cho hầu hết các mảng sản phẩm đều được điều chỉnh giảm ngoại trừ mảng thực phẩm và đồ uống không cồn.
Đây cũng là nhóm sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm từ 21 - 23% tổng chi tiêu hộ gia đình tại Việt Nam hàng năm. Và, sản phẩm đầu ra của mảng nhựa bao bì ở trong nước sẽ chủ yếu phục vụ giai đoạn đóng gói trong các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống không cồn. Cho nên, tăng trưởng của mảng nhựa bao bì trong nước sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng của hai mảng này.
Trong năm nay, chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống không cồn tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình lần lượt 12% và 10,5%. Đây sẽ là động lực tăng trưởng chính cho mảng nhựa bao bì.
Nêu ra một số dữ liệu để thấy thị trường bao bì nhựa ở trong nước và xuất khẩu vẫn có “cửa sáng” dù đối mặt không ít thách thức từ dịch Covid-19. Đây là một trong những lý do để khối ngoại nhắm đến việc gia tăng thâu tóm thị phần ở thị trường này, xem như “mồi ngon” béo bở.
Điển hình là Tập đoàn SCG của Thái Lan trong tháng 2/2021 đã ký thỏa thuận mua 70% cổ phần của Công ty Sản xuất Nhựa Duy Tân của Việt Nam nhằm phục vụ các nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và người tiêu dùng tại Việt Nam, cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh bao bì nhựa cứng trên toàn khu vực ASEAN.
Thêm sức ép cạnh tranh
Nên lưu ý là Nhựa Duy Tân là một trong những doanh nghiệp (DN) đứng đầu thị trường Việt Nam về các sản phẩm bao bì nhựa cứng với công suất 116.000 tấn bao bì nhựa cứng/năm. 80% sản phẩm của DN này tiêu thụ tại thị trường nội địa với khách hàng chính là các công ty đa quốc gia và các DN ngành hàng tiêu dùng nhan (FMCG) nội địa, 20% còn lại dành cho xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.
Ngoài ra, vào tháng 12/2020, Tập đoàn SCG đã chốt mua lại 94,11% cổ phần của CTCP Bao bì Biên Hòa (được thành lập từ năm 1968, được cho là nằm trong top 5 nhà cung cấp bao bì hàng đầu ở các tỉnh phía Nam, chuyên cung cấp bao bì carton, bao bì giấy cho ngành thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm…).
Như thông tin từ tờ Bangkok Post của Thái Lan, thị trường Việt Nam đang có nhu cầu lớn và tiếp tục gia tăng về các sản phẩm bao bì nhựa, chính là lý do để SCG mở rộng lĩnh vực kinh doanh ở đây.
Bên cạnh tập đoàn lớn từ Thái Lan nhắm vào việc thâu tóm mảng bao bì nói chung và mảng bao bì nhựa nói riêng, các thương hiệu nhựa nổi tiếng của Việt Nam cũng được cho là đang dần rơi vào tay các DN Hàn Quốc, Nhật Bản…
Theo giới chuyên gia, đằng sau việc mảng bao bì nhựa nằm trong “vòng xoáy” thâu tóm của khối ngoại thì sức cạnh tranh yếu của khối nội vẫn là điều đáng lo. Đặc biệt là thị phần của các DN bao bì nhựa nội địa ngày càng bị thu hẹp, nhất là với những DN còn hạn chế về tài chính, thiết kế mẫu mã và đổi mới công nghệ.
Ngoài sức ép cạnh tranh ngày càng cao từ xu hướng thâu tóm của khối ngoại, những thách thức lớn hiện nay của các DN nội địa trong mảng nhựa bao bì nằm ở sản phẩm bao bì giá trị gia tăng tương đối thấp, không có quá nhiều khác biệt cả về sản phẩm lẫn công nghệ sản xuất.
Thực tế cho thấy, công nghệ sản xuất bao bì nhựa của khối nội vẫn còn lạc hậu so với mặt bằng chung trên thế giới. Chưa kể, với gần 85% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu cũng là mặt hạn chế lớn trước các biến động giá nguyên vật liệu, tỷ giá…
Để tránh chuyện bị khối ngoại dần dần thâu tóm hoặc chiếm lĩnh thị phần đòi hỏi các DN mảng bao bì nhựa nội địa cần có những thay đổi phù hợp với bối cảnh mới. Cụ thể, bên cạnh việc DN cần đổi mới công nghệ, chủ động nguồn nguyên liệu thì rất cần thêm những chính sách hỗ trợ tích cực hơn nữa để nâng sức cạnh tranh của khối nội.
Thế Vinh