Theo thông tin mới đây từ Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Công ty Thai Containers Group Company Limited (TCG) – có trụ sở chính tại Thái Lan, đã chỉ định công ty con của mình là TCG Solutions Pte., Ltd (trụ sở tại Singapore) nhận chuyển nhượng 94,11% vốn điều lệ của CTCP Bao bì Biên Hòa (SVI).
Áp lực bị bao bì Thái thâu tóm
Từ giữa tháng 5/2020, Bộ Công Thương đã nhận được hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong lĩnh vực sản xuất bao bì giấy, bìa và carton giữa 2 doanh nghiệp (DN) này.
Khối ngoại được cho là đang “làm chủ cuộc chơi” ở mảng bao bì giấy tại Việt Nam |
Sau giao dịch, SVI sẽ thuộc quyền sở hữu trực tiếp của TCG Solutions Pte., Ltd và tiếp tục hoạt động dưới sự kiểm soát của TCG Solutions Pte., Ltd tại thị trường Việt Nam. TCG và SVI đều có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì giấy, bìa và carton.
Trên cơ sở quy định hiện hành, Bộ Công Thương cho rằng việc tập trung kinh tế giữa TCG và CTCP Bao bì Biên Hoà không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại Điều 30 Luật Cạnh tranh 2018.
Được biết, khối lượng sản xuất của CTCP Bao bì Biên Hoà (ra đời từ trước năm 1975, từ năm 2003 chuyển sang hình thức CTCP và trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai) vào khoảng 90.000 tấn bao bì carton và 10.000 tấn bao bì thực phẩm đóng gói mỗi năm.
Doanh thu của SVI giai đoạn 2008 - 2018 tăng đều đặn. Riêng hồi năm ngoái, công ty đã đạt 1.704 tỷ đồng doanh thu (khoảng 73 triệu USD).
Có thể nói, việc một DN bao bì nội địa lâu năm vẫn kinh doanh tốt như SVI nay thuộc quyền sở hữu của một DN bao bì Thái Lan là một điều tiếc nuối với ngành bao bì Việt.
Nhiều DN bao bì trong nước cũng đang đứng trước áp lực có thể sẽ bị thâu tóm khi mà nhiều nhà đầu tư ngoại rất chuộng “khẩu vị” M&A ở ngành này, nhất là các “con mồi” trong lĩnh vực bao bì, giấy carton của Việt Nam.
Một đánh giá cũng cho thấy hơn 80 – 90% thị trường giấy bao bì trong nước do các công ty sản xuất bao bì nước ngoài chiếm lĩnh. Trong đó, các DN bao bì Thái Lan chiếm một phần đáng kể.
Mối lo ngại bao bì Thái lấn sân thị trường bao bì thông qua việc thâu tóm các DN nội địa thực ra đã được cảnh báo từ cách đây 5 năm khi Tập đoàn SCG (Thái Lan) mua 80% cổ phần của CTCP Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) và tăng gấp đôi năng lực sản xuất của nhà máy của SCG đặt ở Bình Dương.
Bên cạnh Thái Lan, một loạt “ông lớn” trong ngành bao bì của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thuỵ Điển... cũng không ngừng rót vốn đầu tư vào ngành nhựa ở Việt Nam. Trong đó, các thương vụ M&A với các thương hiệu bao bì Việt được nhiều DN ngoại lựa chọn với mục tiêu sớm chiếm lĩnh thị phần.
Khó thoát trở thành “con mồi”?
Các báo cáo phân tích gần đây cho thấy các DN bao bì ngoại nếu như vài năm trước chỉ nhắm vào việc thâu tóm các DN nội trong lĩnh vực bao bì nhựa, thì hiện nay “con mồi” mà họ ngắm nghía là các DN nội trong mảng bao bì giấy, bao bì thực phẩm và bao bì đồ uống.
Đặc biệt, hiện nay, các DN ở Việt Nam đang có nhu cầu ngày càng cao trong việc đóng gói bao bì thực phẩm, nông sản, đồ uống nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường xuất khẩu cũng như thị trường trong nước.
Không những vậy, như đánh giá của Công ty FPTS, bao bì thực phẩm và bao bì đồ uống là 2 loại sản phẩm bao bì có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất trên thế giới. Chỉ riêng nhu cầu tiêu thụ bao bì thực phẩm đã được dự báo sẽ đạt mức 1.788 tỷ sản phẩm vào năm 2022.
Hay như thị trường sữa và đồ uống, được cho là sẽ tăng gấp đôi lượng tiêu thụ trên đầu người ở Việt Nam - lên đến 28 lít trong năm nay, trong khi thị trường nước trái cây tươi và nước cốt trái cây dự kiến cũng sẽ tăng 17,5% trong 5 năm tới.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một chuyên gia trong ngành bao bì cho biết việc các DN bao bì nội chấp nhận “bán mình” hoặc nhượng một phần cổ phần cho các "đại gia" nước ngoài có thể phần nào do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cũng như sự thiếu tự tin về việc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.
Điều này càng khiến cho các công ty bao bì nước ngoài dễ dàng thâu tóm các DN vừa và nhỏ và việc “làm chủ” thị trường ở một số phân khúc trong ngành bao bì đối với họ chỉ còn là vấn đề thời gian nếu như các DN Việt “bỏ cuộc chơi”.
Chẳng hạn với các DN nội trong lĩnh vực bao bì nhựa được đánh giá là có sản phẩm giá trị gia tăng tương đối thấp, không có quá nhiều khác biệt cả về sản phẩm lẫn công nghệ sản xuất.
Thị trường mảng nhựa bao bì lại khá phân mảnh. Trong khi đó, số lượng DN hoạt động trong mảng nhựa bao bì lên đến 1.353 DN. Riêng phân khúc bao bì màng mỏng chủ yếu tập trung các DN nhỏ và hộ gia đình với khả năng cạnh tranh yếu, lại chịu sức mạnh mặc cả của khách hàng ở mức độ cao vì sản phẩm không có khả năng xây dựng thương hiệu trên thị trường.
Thực tế cho thấy ngành bao bì ở Việt Nam càng có nhiều dư địa tăng trưởng thì việc các DN bao bì trong nước có nguy cơ trở thành “con mồi” bị thâu tóm và phải đối mặt với sức cạnh tranh khắc nghiệt từ các DN nước ngoài là khó tránh khỏi.
Thế Vinh