Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19 có xu hướng chững lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc.
Xu hướng chững lại và thêm điều kiện kinh doanh
Năm 2021 so với năm 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc như Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ thứ 42 xuống 44); Phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 49 xuống 51); Quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 78 xuống 84); Cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc (từ thứ 96 xuống 104).
Các dự thảo sửa đổi quy định pháp luật đang có xu hướng quay trở lại các điều kiện kinh doanh. |
"Vòng tròn luẩn quẩn" là cụm từ mà ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đặt ra. Theo đó, ông Nam cho biết việc phản ánh những khó khăn, bất cập trong thực hiện các quy định kinh doanh, nhiều khi không được bộ ngành giải quyết ngay. Vì vậy, VASEP lại phải "cầu cứu" tới Thủ tướng. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, doanh nghiệp vẫn phải quay về cơ quan kiến nghị ban đầu để cùng xử lý. "Đó là vòng tròn, bởi nếu ngay từ đầu, cơ quan đó giải quyết nhanh thì chúng tôi không phải kiến nghị lên Thủ tướng", ông Nam chia sẻ.
Đi vào kiến nghị cụ thể, VASEP cho biết đang gặp những bất cập như quy định về nước thải chế biến thủy sản và dự thảo quy chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp 2021 của Bộ TN&MT, quy định ngưỡng tối đa chỉ tiêu phospho trong nước thải chế biến thủy sản sau khi xử lý quá nghiêm ngặt so với đặc thù ngành.
Còn theo bà Đặng Tuyết Vinh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), khi dịch bệnh dần được kiểm soát, Việt Nam có cơ hội thu hút nhà đầu tư mới từ châu Âu. Nhưng có vấn đề nổi lên là điểm nghẽn đáng kể về cơ sở hạ tầng, nhân lực và môi trường kinh doanh. Hạn chế về môi trường kinh doanh là điểm nghẽn, thách thức lớn nhất cần đẩy mạnh cải thiện.
Khảo sát của EuroCham cho thấy, 52% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho rằng thủ tục hành chính vẫn là rào cản lớn trong đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đại diện EuroCham kiến nghị Việt Nam cần xây dựng một môi trường kinh doanh mang tính dự báo, bắt kịp thông lệ quốc tế. Chìa khóa để giảm thủ tục hành chính là ứng dụng công nghệ số.
"Các bộ, ngành có liên quan khi ban hành văn bản chỉ đạo pháp luật mới hay sửa đổi bổ sung văn bản hiện có không được đặt thêm các rào cản; Không được đi ngược lại những cải cách đã làm trong thời gian qua; mà phải thực hiện các giải pháp tạo thêm thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp".
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), đánh giá dường như cải cách môi trường kinh doanh hơi chững lại trong 2 năm qua. Ông lo ngại các dự thảo sửa đổi luật, nghị định, thông tư đang có xu hướng quay trở lại các điều kiện kinh doanh.
Ví dụ, Bộ Công Thương muốn quay trở lại áp đặt quy mô điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo hay thay đổi thủ tục khai báo hoá chất nhập khẩu theo hướng cần có xác nhận của Bộ mới được nhập khẩu...
Làm tốt rồi thì phải làm tốt hơn
Trước sự "chững lại" của cải cách môi trường kinh doanh, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhìn nhận chúng ta phải vượt qua dịch bệnh, đẩy lùi sức kháng cự và các nỗ lực làm chậm lại quá trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.
Ông Cung cho rằng đang có một số biểu hiện kháng cự, làm chậm lại quá trình cải cách và nỗ lực phục hồi lại một số quyền và lợi đã mất ở một số bộ, cơ quan... là khá rõ nét như kế hoạch sửa đổi lại Nghị định 15 (một thành tựu nổi bật của cải cách giai đoạn 2016-2020); hay động thái phục hồi lại một số điều kiện kinh doanh đã bãi bỏ hay bổ sung thêm các điều kiện kinh doanh mới.
Nhấn mạnh cải cách cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh đang trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết, ông Cung nêu quan điểm: Các bộ, ngành có liên quan khi ban hành văn bản pháp luật mới hay sửa đổi bổ sung văn bản hiện có không được đặt thêm các rào cản; Không được đi ngược lại những cải cách đã làm trong thời gian qua; mà phải thực hiện các giải pháp tạo thêm thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Yêu cầu các bộ ngành, địa phương giải quyết ngay theo thẩm quyền các vấn đề, sửa đổi ngay các quy định đang gây khó khăn, tốn kém cho đầu tư, kinh doanh.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đặt vấn đề sự chững lại là do có sự cải cách chưa đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, khu vực. Nếu không vượt qua được thách thức này thì kết quả cải cách bị hạn chế bởi sự không đồng đều.
"Hơn nữa, đòi hỏi về cải cách của doanh nghiệp cũng lớn hơn rất nhiều. Chưa kể, chúng ta phải đặt trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế, họ cải cách một thì mình phải làm 3", ông Hiếu nói.
Trong thời gian tới, ông Hiếu lưu ý cải cách sẽ ngày càng khó khăn hơn như đòi hỏi sự liên ngành, liên bộ. Đồng thời, cải cách gặp phải sự cạnh tranh quốc tế gay gắt. Vì vậy, cần thay đổi tư duy cải cách là "không phải cứ nghĩ rằng mình đã làm tốt rồi là thôi, mà làm tốt thì phải có suy nghĩ tốt hơn nữa".
Thêm vào đó, ông Hiếu nhấn mạnh cần đảm bảo sự đồng đều trong chuyển đổi cải cách của các ngành, lĩnh vực. Điều này giống với đi trên "con đường cao tốc, không thể có ổ trâu, ổ gà".
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, nhiệm kỳ này, Chính phủ tiếp tục ban hành hàng năm Nghị quyết số 02/NQ-CP vào đầu năm mới như thông lệ trước đây, thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.
Theo đó, Nghị quyết sẽ lựa chọn một số vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022-2025 như cải thiện các yếu tố của môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp; Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; dỡ bỏ rào cản với hoạt động đầu tư; Tạo lập khuyến khích, đổi mới sáng tạo...
Lê Thúy