Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) mới đây cho biết, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18% (năm 2019 là 25%), đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Thiếu hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị phần bán lẻ thuộc top 3. Từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng của 3 nền kinh tế internet lớn nhất khu vực Đông Nam Á đạt trung bình 35 - 36%, đứng đầu là Indonesia với 41%, tiếp theo là Việt Nam: 36%, Philippines: 30%.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 52 đưa ra nhiều quy định về tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực TMĐT. |
Do vậy, thị trường TMĐT Việt Nam được đánh giá là có sức hấp dẫn cực kỳ lớn với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc Dự thảo sửa đổi Nghị định 52 đưa ra quá nhiều điều kiện với việc thu hút đầu tư nước ngoài đang bị xem là cản trở.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW, một số điều kiện tiếp cận thị trường rất bất cập. Chẳng hạn như nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực TMĐT do Bộ Công Thương công bố định kỳ.
Ông Hà cho rằng, khi làm thủ tục đầu tư, DN, nhà đầu tư đã phải xin ý kiến chấp thuận từ Bộ KH&ĐT (có tham vấn ý kiến Bộ Công Thương), nên việc tiếp tục phải xin ý kiến Bộ Công Thương khi DN thực hiện các thủ tục điều chỉnh, thay đổi đăng ký tại các giấy tờ có liên quan sẽ làm tăng thủ tục hành chính, gây khó khăn gấp nhiều lần cho DN (ngay cả thay đổi thông thường như tên hay địa chỉ DN cũng có thể cần phải hỏi ý kiến của Bộ Công Thương), và gây sự bất an cho nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động tại Việt Nam.
"Việc chấp thuận đầu tư đã được Bộ KH&ĐT phê duyệt thì việc hỏi lại ý kiến Bộ Công Thương khi điều chỉnh đăng ký, giấy phép có thể mang tính chồng chéo và gây xung đột, vì chức năng cấp phép đầu tư thuộc cơ quan đăng ký đầu tư", ông Hà phân tích.
Đồng thời, Dự thảo quy định các DN chi phối 1 DN trở lên trong 5 DN có vị trí thống lĩnh thị trường dịch vụ TMĐT theo danh sách do Bộ Công Thương công bố phải có ý kiến thẩm định của Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an. Tuy nhiên, khái niệm “chi phối” có điểm trùng lặp với quy định của Luật Cạnh tranh, và một hành vi (chẳng hạn như nhà đầu tư nước ngoài mua 50% vốn điều lệ của DN) có thể làm cho DN phải thực hiện cùng lúc 12 thủ tục thẩm định riêng biệt theo Dự thảo (ý kiến thẩm định của Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an) và Luật Cạnh tranh.
Cần tạo sự cạnh tranh bình đẳng
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Uy, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đặt vấn đề: những quy định như vậy liệu có vi phạm các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết?
"Chúng ta mở cửa thì phải chấp nhận rủi ro. Ví dụ mở cửa để gió vào nhà cho mát thì phải chấp nhận bụi, mà có bụi thì phải thường xuyên quét dọn nhà. Vì vậy, thay vì đưa ra các quy định tiền kiểm ban đầu, tại sao không triển khai hậu kiểm sẽ hợp lý hơn", ông Uy cho biết.
Ông Tuấn Hà, CEO Vinalink cũng cho rằng, thực tế các sàn TMĐT của nước ngoài đang chiếm ưu thế tại thị trường Việt Nam, trong khi chỉ một ít sàn của Việt Nam phát triển mạnh. Nhưng đây là cuộc chiến trong thế giới phẳng, không thể cấm nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam.
Ông Hà nhấn mạnh: "Mình khuyến khích DN Việt Nam mở gian hàng để bán hàng trên Amazon thì cũng không thể hạn chế sự tham gia của các DN nước ngoài trên sàn TMĐT Việt Nam. Do vậy, vấn đề quan trọng hơn là làm sao chúng ta phải gia tăng sức cạnh tranh của DN trong nước, để cạnh tranh sòng phẳng với khối ngoại".
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông cho biết, không nên “siết" quá đối với nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn như hiện nay. Nếu quy định thắt chặt các điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài là chúng ta đang rơi vào "cái bẫy". Khi đặt ra quy định càng khắt khe thì càng có lợi cho những sàn, DN lớn, như vậy thì khả năng cạnh tranh gia nhập thị trường của các DN công nghệ đi sau sẽ càng khó.
Trong khi đó, theo phản ánh của một số DN, Dự thảo sửa đổi Nghị định 52 vẫn đang thiếu nhiều quy định. Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc điều hành CTCP Fado miền Bắc cho biết, có tình trạng là thông qua sàn Fado, người nước ngoài tiếp cận người mua hàng Việt Nam, đăng thông tin rao bán hàng hóa. Tuy nhiên, bản thân Fado lại nhận được yêu cầu phải gỡ thông tin này vì nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam phản ánh đây là sản phẩm mà họ được phân phối độc quyền tại Việt Nam.
"Trong Dự thảo Nghị định chưa có quy định để hướng dẫn việc này. Nhận văn bản kiến nghị từ phía cơ quan nhà nước yêu cầu gỡ bỏ thông tin xuống, nhưng bản thân DN vẫn băn khoăn là không biết mình có sai hay không", ông Hùng chia sẻ.
Thy Lê