Năm 2020, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến một bước tăng tốc vượt bậc trên kênh online. Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất truyền thống buộc phải thay đổi suy nghĩ về kênh bán hàng online. Điều mà trước đây họ ít khi nghĩ tới.
'Mỏ vàng' thị trường nông thôn
Dịch COVID-19 đã làm thay đổi suy nghĩ của nhà sản xuất, ông Lê Anh Huy, Phó Tổng Giám đốc Sendo kể: Trước dịch COVID-19, chủ yếu là DN nước ngoài muốn đưa hàng của mình lên trang thương mại điện tử (TMĐT) còn với DN Việt Nam khi chúng tôi đặt vấn đề tham gia thì nhiều DN bày tỏ tâm lý e ngại vì muốn giữ kênh truyền thống, phát triển thị trường truyền thống trước.
Người tiêu dùng ngày càng mua sắm thông minh hơn. |
Tuy nhiên, đến khi dịch COVID-19 xảy ra, thị trường phân phối truyền thống bị "đứt gẫy", các DN đã hiểu rằng mình cần thay đổi cách thức bán hàng. "Khi Sendo đặt vấn đề, nhiều DN đã cởi mở hơn, họ muốn đưa hàng lên TMĐT nhiều hơn", ông Huy cho biết.
Đại diện Sendo dự báo kể từ năm 2021 trở đi, dư địa phát triển TMĐT vẫn còn nhiều tiềm năng. Theo số liệu từ nghiên cứu thị trường của Sendo và báo cáo gần nhất của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, ở Tp.HCM và Hà Nội chỉ chiếm 18% dân số nhưng chiếm trên 70% giao dịch TMĐT của cả nước. Điều này có nghĩa là 61 địa phương phương còn lại chiếm 82% dân số nhưng chỉ đóng góp chưa tới 30% quy mô TMĐT.
Điều đó có nghĩa dư địa phát triển TMĐT ở khu vực địa lý rộng lớn với dân số lớn chính là khu vực nông thôn đang rất tiềm năng. Đây sẽ là động lực tăng trưởng TMĐT trong năm 2021, cũng như cả giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại cấp cao khu vực miền Bắc của Tiki, mọi dự đoán về tăng trưởng TMĐT từ trước đến nay gần như đã không đúng vì dịch COVID-19 làm thay đổi toàn bộ, TMĐT tăng trưởng nhanh, phát triển mạnh hơn rất nhiều.
Ông Quyền cũng nhìn nhận thị trường nông thôn giống như "mỏ vàng" của các DN TMĐT. Làm sao để người tiêu dùng nông thôn tiếp cận được thị trường sẽ là công việc của DN, cũng chính là cơ hội mà các DN cần phải nắm bắt trong thời gian tới.
Theo Bộ Công Thương, hiện Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, với quy mô dân số trên 95 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ và thuộc nhóm có mức độ truy cập internet cao là cơ sở để thị trường TMĐT Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Thông minh để chiều lòng người dùng
TMĐT sẽ phát triển hơn nữa là điều mà ai cũng thấy nhưng làm cách nào để tận dụng được lại là câu trả lời không dễ với các DN. Bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc Khu vực miền Bắc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, cho hay trước đây chúng ta quan tâm tới người tiêu dùng giàu có, nhưng giờ xuất hiện người tiêu dùng kết nối với internet, sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại nên hiểu biết nhiều, mua sắm thông minh hơn. Năm 2020, ước tính nhóm người tiêu dùng kết nối đã đạt con số 40 triệu người, chiếm 50% lượng tiêu dùng trong xã hội.
Điều đặc biệt là người tiêu dùng thông minh rất quan tâm tới sức khoẻ, họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm cao cấp có lợi cho sức khỏe, đồng thời 60% người tiêu dùng hiện nay đang kết nối internet nên tìm kiếm lợi ích mua sắm online nhiều hơn. Khi nói chuyện với người tiêu dùng, Nielsen thấy rằng kể cả khi dịch COVID-19 không còn nữa thì 64% người dùng vẫn khẳng định vẫn sẽ mua sắm online.
Đặc biệt, theo đại diện Nielsen, một tin vui cho DN sản xuất trong nước là 58% người dùng nói có xu hướng sử dụng hàng nội địa nhưng người tiêu dùng hiện nay quá thông minh nên có 3 điều có thể là cơ hội nhưng cũng là khó khăn.
Đó là người tiêu dùng hiện nay không trung thành với bất kỳ một sản phẩm. Nếu trước đây, mua sản phẩm mới, người dùng có 80% cơ hội mua lại, giờ nghiên cứu thì 47% người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu thử sản phẩm mới.
Tiếp đó, điều người tiêu dùng quan tâm là sự tiện lợi về thời gian, không gian và thanh toán. Cuối cùng, người tiêu dùng hiện nay cũng cần một cái gì là cá nhân hóa, DN nhìn trước họ cần gì dựa trên hành vi của họ.
Trước xu hướng này, ông Hoàng Quốc Quyền, đại diện Tiki nhìn nhận người tiêu dùng thông minh thì nhà bán hàng, nhà sản xuất cũng phải thông minh, nếu không thông minh sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Đối với Tiki, trung bình một tháng có khoảng 40 triệu giao dịch, nhìn chung xu hướng người dùng đang tìm kiếm nhiều nhất là sản phẩm liên quan tới sức khoẻ, các sản phẩm thuần tự nhiên.
"Người tiêu dùng thông minh - DN phải thông minh", đại diện Tiki nói ai thông minh hơn người đó sẽ thắng.
Trong khi đó, ông Lê Anh Huy, Phó Tổng Giám đốc Sendo, cho rằng cần phát triển hệ sinh thái trong TMĐT để phục vụ người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Hiện nay, logistics đang là điểm quan trọng nhất của kinh tế số nhưng lại là trở ngại cho TMĐT.
"Ở TP.HCM và Hà Nội, chi phí giao nhận trung bình 10 nghìn đồng nhưng ở các tỉnh thành khác là hơn 30 nghìn đồng. Làm sao chúng ta phải giảm chi phí giao nhận xuống dưới 10 nghìn đồng, thì TMĐT mới trở thành động lực phát triển của kinh tế số và thị trường tiêu dùng trong nước", ông Huy dẫn chứng.
Về phần mình, Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2021 sẽ chú trọng phát triển hạ tầng TMĐT, xây dựng, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật cho TMĐT, tạo môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng, thuận lợi cho DN và người tiêu dùng Việt Nam.
Thy Lê