Tại buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước mới đây, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, hệ số bảo toàn vốn của Tập đoàn năm 2017 là 0,99 lần; ước 6 tháng đầu năm 2018 là 1,0 lần.
Vốn chủ sở hữu năm 2017 là 13.559 tỷ đồng; ước 6 tháng đầu năm 2018 là 13.625 tỷ đồng. Tổng tài sản năm 2017 là 20.797 tỷ đồng; ước 6 tháng đầu năm 2018 là 20.581 tỷ đồng; Lợi nhuận năm 2017 là 287 tỷ đồng; ước 6 tháng đầu năm 2018 là 70 tỷ đồng.
Năm 2017, Vinachem không bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại Tập đoàn |
Về tình hình hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, ông Nguyễn Phú Cường thừa nhận, năm 2017, Vinachem không bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại Tập đoàn, nguyên nhân là do Công ty mẹ hoạt động kinh doanh lỗ, chưa bảo toàn và phát triển được vốn do trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính của 04 Công ty thua lỗ (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Công ty CP DAP – Vinachem; Công ty CP DAP số 2 – Vinachem), và trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.
Ngoài ra, về kết quả thực hiện cơ cấu lại, đổi mới DNNN, Vinachem cho biết đã hoàn thành thoái vốn, bán bớt vốn tại 13/17 doanh nghiệp năm 2016, 2017; Năm 2018, thực hiện thoái vốn tại 15 doanh nghiệp; Năm 2019, thực hiện thoái vốn tại 14 doanh nghiệp; Năm 2020, thực hiện thoái vốn tại 04 doanh nghiệp.
Trong giai đoạn tới, Chủ tịch Vinamchem khẳng định sẽ tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn và chỉ đạo của Tập đoàn đối với Người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các doanh nghiệp thành viên.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhận định: "Vinachem đang đứng trước nhiều thách thức do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô, do tác động của các chính sách, quy định hiện hành, nguyên liệu đầu vào, vốn và điều kiện sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm... Nếu không giải quyết được nút thắt về vốn, nhân lực; công nghệ sản xuất; giảm thua lỗ bằng nhiều hình thức... thì Tập đoàn sẽ rất khó khăn".
Vì vậy, Vinachem cần dốc toàn lực để đẩy mạnh và đột phá ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất; đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, quản trị vốn; nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh thị trường tiêu thụ sản phẩm mới có thể đưa Tập đoàn thoát lỗ và phát triển.
Lê Thúy