Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường toàn cầu (Global Economics & Market Research) của Ngân hàng UOB vừa công bố Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II/2023.
Theo đó, Báo cáo dẫn số liệu nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 3,72% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với con số 6,46% trong nửa đầu năm 2022.
Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam giảm sâu xuống mức 2,4% trong quý II/2023 từ mức 4,18% trong quý I và thấp hơn mục tiêu 4,5% của Chính phủ. Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng và các dịch vụ công khác) đã giảm xuống mức 4,48% trong quý II, từ mức 5,01% trong quý I/2023, tạo cơ hội cho ngân hàng trung ương nới lỏng thêm chính sách tiền tệ của mình trong nửa đầu năm.
Lãi suất điều hành của Việt Nam vẫn có thể giảm thêm ít nhất là 0,5 - 1% trong thời gian tới. |
Với tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2023 thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng chính thức trong năm, theo UOB, sẽ rất khó để đạt được mức dự báo 6,0% của Ngân hàng này trước đó.
Trước đà tăng trưởng yếu của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã hành động quyết liệt bằng cách cắt giảm lãi suất tái cấp vốn tổng cộng 150 điểm cơ bản vào tháng 6 xuống còn 4,50%.
Với những hành động này, Ngân hàng Nhà nước đã thiên về chính sách nới lỏng hơn và UOB cho rằng nhiều khả năng sẽ có thể tiếp tục hạ lãi suất trong quý III năm 2023.
Theo Ngân hàng này, hoạt động xuất khẩu yếu với khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước, việc Fed tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6 và có thể giảm lãi suất vào năm 2024, cũng như niềm tin vào tỷ giá hối đoái VND ổn định bất chấp các đợt giảm lãi suất trước đó đã thúc đẩy triển vọng cắt giảm lãi suất tiếp theo của Việt Nam trong năm nay.
“Chúng tôi dự đoán lãi suất sẽ giảm thêm 100 điểm cơ bản trong quý III năm 2023 trước khi NHNN tạm dừng để đánh giá các tác động”, các chuyên gia UOB dự đoán.
Đánh giá về dư địa giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa cho những đợt giảm lãi suất điều hành tiếp theo nhờ lạm phát ở mức khoảng 3,5%. Tuy nhiên, nhà điều hành sẽ cần nhiều thời gian hơn để ước tính mức độ ảnh hưởng của các chính sách giảm lãi suất vào tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam như thế nào, để có sự điều tiết phù hợp cho những lần giảm lãi suất tiếp theo.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank phân tích, lạm phát của Việt Nam cũng đã giảm nhanh hơn so với các nước khác, cộng với việc năm nay tỷ giá không còn áp lực nào nữa, cùng với các chính sách hỗ trợ kinh tế phục hồi trở lại, lãi suất điều hành của Việt Nam vẫn có thể giảm thêm ít nhất là 0,5% nữa, có thể là trong vòng ba tháng tới.
Thanh Hoa