Để đưa sản phẩm đặc sản bánh tráng truyền thống ở làng nghề bánh tráng Củ Chi (Tp.HCM) ra hơn 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính ở Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, ông Lê Duy Toàn, Giám đốc công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh, khẳng định đã mạnh dạn "làm khác" cách làm thông thường, theo truyền thống.
Bán sự khác biệt
Cái khác ở đây, theo ông Toàn, thay vì sản xuất theo cách thức thủ công, công ty chuyển sang quy trình sản xuất công nghiệp nhằm cho "ra lò" những loại bánh có nhiều màu sắc tự nhiên.
Hơn nữa, doanh nghiệp (DN) cũng xác định phải bỏ việc sản xuất bằng tay và phơi nắng bánh ngoài trời. Nếu duy trì cách thức cũ thì khó có thể xuất vào các siêu thị nước ngoài vì không đạt tiêu chuẩn (chẳng hạn như vấn đề côn trùng, độ ẩm).
Ngay cả mùi bánh tráng và các yếu tố vi sinh cũng đòi hỏi cả một quá trình thay đổi cách làm lâu nay của bánh tráng truyền thống. Như chia sẻ của vị giám đốc vốn có thời gian du học ở Mỹ này là phải chuyển qua làm công nghiệp, sấy bằng máy để cải thiện về mùi.
"Nếu bánh tráng sản xuất thủ công và phơi ngoài nắng có mùi rất nặng khi cuộn ăn gỏi cuốn hoặc chiên chả giò có mùi nồng… Những mùi này, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc không chấp nhận vì cho rằng do nguyên liệu không chuẩn, bảo quản không đúng cách hoặc quá trình sấy khô độ ẩm quá nhiều", ông Toàn chia sẻ.
Có thể nói, đây là một cách "làm khác" điển hình để đưa sản phẩm truyền thống có thể "trụ" được ở thị trường ngoại.
Hoặc như mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, ông Đạt – một giám đốc DN có gần 10 năm sản xuất, xuất khẩu (XK) vào thị trường EU với giá trị bình quân 2 triệu USD/năm, cho biết DN phải đưa ra các bộ sưu tập mới hàng năm, thiết kế độc đáo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thì mới có thể cạnh tranh được.
Theo giới chuyên gia, để XK sản phẩm thủ công vào thị trường EU, các DN Việt nên xây dựng dòng sản phẩm riêng, độc đáo, có thông tin truyền tải về sản phẩm. Mẫu mã, màu sắc sản phẩm cũng cần chú ý thay đổi theo mùa trong năm.
Hoặc như trong lĩnh vực nông sản truyền thống, mới đây, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Vinamit (chuyên XK trái cây sấy), cho biết sau thời gian thử nghiệm thành công, DN này chuẩn bị tung ra thị trường sản phẩm cà phê tươi và nước mía ép đông khô.
Các sản phẩm mới của DN này được sản xuất bằng công nghệ sấy đông khô (freeze – dried), giúp giữ và kéo dài 100% mùi vị, chất lượng sản phẩm. Với sản phẩm mới này, người tiêu dùng mang đi xa và pha ngay với nước sạch là dùng được.
Các sản phẩm truyền thống cần sự khác biệt để cạnh tranh trên thị trường |
Cần một tư duy mở
Hoặc như trái thanh long – vốn lâu nay chỉ đơn thuần XK tươi với dạng trái ruột trắng hoặc ruột đỏ. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, ông Damien OConnor, Bộ trưởng phụ trách Thương mại, Xuất khẩu, Nông nghiệp, và An toàn thực phẩm New Zealand, có cho biết nước này sẽ giúp Việt Nam phát triển trái thanh long có sự khác biệt hơn, đó là trái sẽ có nhiều màu, nhiều vị để đẩy mạnh XK.
Xét ở góc độ địa phương với sản xuất sản phẩm truyền thống, chính quyền tỉnh Đồng Tháp có thể được xem là điển hình khi đặc biệt khuyến khích DN khai thác XK các mặt hàng truyền thống bằng sự khác biệt. Điều này đòi hỏi DN trong tỉnh phải đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất và đóng gói, từ đó nâng cao giá trị XK.
Với chủ trương này, nhiều DN sản xuất mặt hàng truyền thống của tỉnh Đồng Tháp đã có mức tăng trưởng mạnh. Ngay như trong cuộc thi Dự án khởi nghiệp đang diễn ra ở Tp.HCM, Đồng Tháp cũng là địa phương góp mặt đông nhất với 19 dự án, tập trung vào nguồn tài nguyên bản địa liên quan đến nguồn thủy sản thiên nhiên hay các sản phẩm từ sen. Ví dụ như sản phẩm "Bột rau má sấy lạnh", "Tranh thư pháp trên lá sen, vỏ tràm và một số nguyên liệu khác".
Theo giới chuyên gia, điều đáng ghi nhận ở một số DN tại địa phương khi mới tham gia vào thị trường là họ tận dụng nguồn tài nguyên bản địa và có nhiều dự án ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hàm lượng công nghệ cần được cải thiện nhiều hơn.
Thực tế, có nhiều dự án ứng dụng công nghệ vào sản phẩm truyền thống nhưng các DN chỉ tập trung nhiều vào việc phát triển công nghệ trong sản xuất, trong khi quên mất rằng cách tiếp cận thị trường XK, vấn đề tiêu thụ, an toàn thực phẩm cũng quan trọng không kém.
Hơn nữa, khi đưa sản phẩm truyền thống vào các thị trường XK khó tính đòi hỏi các sản phẩm phải đạt những tiêu chuẩn quốc tế hàng hóa, phải đạt được những chứng nhận nhất định, phổ quát nhất. Trong khi đó, với các DN trong ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam, còn quá nhiều những vấn đề cần giải quyết.
Nói như ông Lê Duy Toàn, để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm truyền thống đứng chân trên thị trường quốc tế, người chủ DN phải có một tư duy mở, liên tục học hỏi, chấp nhận thử thách. Khi mở rộng, tiếp cận thị trường quốc tế, không những phải cạnh tranh mà phải đổi mới, làm mới mình liên tục để nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống. Và khi đã mang đi XK thì tiêu chuẩn và chất lượng cũng phải khác.
Thế Vinh