Thực tế này được nêu ra tại Hội thảo "Triển vọng xuất khẩu dệt may 2019” do Bộ Công Thương và Hiệp hội thêu đan Tp. Hồ Chí Minh tổ chức.
Ông Trần Văn Quyến cho rằng các DN dệt may hiện nay vẫn chỉ đáp ứng các đơn hàng lớn nhưng hàng hóa đơn giản, tính thời trang chưa cao. Phương thức may chủ yếu là gia công.
DN dệt may hiện nay vẫn chỉ đáp ứng các đơn hàng lớn nhưng hàng hóa đơn giản, tính thời trang chưa cao |
Đặc biệt phát triển mạnh thời trang thị giác, chưa quan tâm tới thời trang cảm giác, thời trang bền vững, thời trang chức năng và thời trang môi trường.
Trong khi đó, ngành dệt và phụ trợ phát triển không tương xứng với ngành may và thời trang. Chiến lược khoa học, công nghệ ngành dệt chưa phù hợp với xu hướng của thế giới.
Hơn nữa, Ts. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho biết, hiện nay hàng dệt may của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước như Bangladesh, Campuchia, Lào, Srilanka, Myanmar. Do vậy, các doanh nghiệp dệt may cần theo dõi nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để chiếm lĩnh được cơ hội, đứng vững trong thị trường cạnh tranh và đầy biến động này.
Theo đại diện Bộ Công Thương, năm 2019 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành trong giai đoạn cần sự bứt phá chuyển mình để tiến lên một vị thế mới, một vai trò mới trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Đó là việc chuyển từ sản xuất gia công (CMT) sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB), sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng (ODM và OBM) với mong muốn mang lại giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có tác động lớn đến ngành dệt may, buộc phải thay đổi và đầu tư mạnh mẽ hơn cho thiết bị, cũng như nhân sự. Bài toán đặt ra đối với ngành dệt may hiện nay không còn là số lượng đơn hàng, giá trị đơn hàng và mức tăng trưởng. Để giải quyết được vấn đề này, ngành cần không ngừng đổi mới công nghệ, thiết bị, đào tạo nhân sự kỹ thuật, thiết kế, đội ngũ quản lý đơn hàng, đội ngũ marketing với trình độ cao hơn.
Thy Lê