Là một trong những đơn vị hàng đầu ở tỉnh Đồng Nai trong hoạt động xuất khẩu (XK) chuối, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) cho biết, cơ hội XK chuối vẫn rất lớn thông qua những chuyến đi chào hàng gần đây của HTX ở EU, Nga, một số nước Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Kỳ vọng với thị trường EU
Riêng tại thị trường EU, trong tháng 3 hoặc tháng 4 này, HTX sẽ xuất khoảng 4 - 5 container chuối già Nam Mỹ, tương đương 80 - 100 tấn.
Ông Hùng cho rằng, XK chuối sang Trung Quốc đôi lúc gặp bấp bênh, nhưng với việc XK vào EU lại rất yên tâm vì thị trường này một khi đã làm ăn uy tín với họ thì rất ổn định.
Để quả chuối trở thành mặt hàng trái cây XK chủ lực rất cần đa dạng hóa thị trường và đáp ứng các chuẩn mực. |
Năm 2020 vừa qua, với mức giá bình quân 3.192,9 Euro/tấn (tăng 16,4% so với năm 2019), nhập khẩu chuối từ Việt Nam vào EU được ghi nhận có mức giá tốt hơn rất nhiều so với nguồn cung từ các quốc gia khác.
Nhu cầu tiêu thụ chuối ở EU được dự báo sẽ tăng cao trong 7 năm tới và sẽ chiếm đến 31% thị trường nhập khẩu chuối trên toàn cầu. Rõ ràng, giá bán cao và có nhiều dư địa về tiêu thụ sẽ là động lực để HTX Thanh Bình tiến tới đẩy mạnh hoạt động XK chuối vào EU trong thời gian tới. Điều quan trọng là vùng nguyên liệu chuối của HTX cần đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU.
Việc thúc đẩy XK chuối sâu rộng vào thị trường EU nhằm tận dụng các ưu đãi về thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là rất cần thiết trong lúc này. Đặc biệt là khi sản lượng XK chuối của Việt Nam vào EU vẫn còn rất khiêm tốn: xếp thứ 55 trong các quốc gia XK chuối vào EU.
Thực tế cho thấy, thị trường EU còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh XK chuối trong thời gian tới. Và với EVFTA, chuối Việt không chỉ khai thác giá trị về mặt XK sang EU, mà thông qua thị trường này để làm “tín chỉ” chứng minh quả chuối của Việt Nam đã đến cấp độ có thể đi đến bất kỳ thị trường nào trên thế giới.
Từ đó, chuỗi giá trị với cây chuối sẽ ngày càng quy củ hơn nhằm tạo sinh kế, lợi nhuận cho nông dân, nhất là ở những địa phương đang phát triển hoạt động trồng chuối.
Đơn cử như ở Đồng Nai - vốn được mệnh danh là “thủ phủ” trồng chuối của cả nước, dù không ít lần phải “giải cứu”, nhưng diện tích trồng chuối không ngừng tăng lên. Tính đến tháng 3/2021, toàn tỉnh có gần 10,6 nghìn ha chuối, tăng hàng nghìn ha so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, huyện Trảng Bom vẫn là “thủ phủ” trồng chuối của Đồng Nai với diện tích trên 4,2 nghìn ha, nhiều nhất là giống chuối già cấy mô XK.
Hiểu rõ chuẩn mực, đa dạng hóa thị trường
Thực tế, khi thị trường EU mới khai mở, việc phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc khiến cho đầu ra của những người trồng chuối ở Đồng Nai vẫn luôn bấp bênh khi nguồn cung ngày càng gia tăng.
Trao đổi với Kinh Doanh, ông Đào Thanh Hồng, một thương lái mua chuối tại Đồng Nai cho biết, nguồn cung chuối tăng nhanh vì nông dân đua nhau trồng chuối, nhưng hồi năm ngoái do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên thị trường tiêu thụ chậm, giá chuối lại không bằng so với năm 2019.
Với XK chuối trong năm nay, theo nhận định của ông Hồng, vẫn khó lường trước khi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vẫn còn đó, trong khi hoạt động XK vẫn chờ sự đa dạng thị trường thật tốt hơn nữa để không phải phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Trong việc tránh phụ thuộc XK vào Trung Quốc, thời gian qua, với thị trường châu Á thì Hàn Quốc và Nhật Bản đã được các doanh nghiệp (DN) XK chuối chú trọng.
Đơn cử như Hàn Quốc với quy mô nhập khẩu chuối trên 300 triệu USD/năm, các DN kỳ vọng sẽ có nhiều dư địa để cải thiện và gia tăng thị phần ở thị trường này.
Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, thời gian qua, các DN Việt Nam đã tích cực phối hợp với DN Hàn Quốc và Thương vụ nghiên cứu, cải thiện giống chuối, quy trình trồng, thu hoạch, bảo quản và đóng gói sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Hàn.
Là một DN chỉ mới tham gia vào dự án trồng chuối Nam Mỹ tại nông trường ở tỉnh Tây Ninh từ tháng 3/2020 với quy mô 156ha, nhưng đến tháng 2/2021, CTCP Thành Thành Công Biên Hòa đã có lô hàng đầu tiên được XK sang thị trường khó tính như Hàn Quốc. Và thời gian tới, DN này sẽ XK sang Nhật Bản, Malaysia…
Để đa dạng hóa thị trường XK ngoài thị trường Trung Quốc cho quả chuối Việt, nhất là chinh phục những thị trường lớn khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Trung Đông..., giới chuyên gia lưu ý các DN XK chuối cần hiểu rõ và đạt các chuẩn mực ở những thị trường này.
Đặc biệt, việc trồng chuối XK ngày càng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình canh tác; nông dân trồng chuối phải chịu trách nhiệm về các tiêu chuẩn của mình sau khi xây dựng được.
Để quả chuối trở thành mặt hàng trái cây XK chủ lực của Việt Nam, các DN, HTX nên đầu tư tốt hơn nữa cho loại trái cây này theo các tiêu chuẩn quốc tế và tự nguyện tuân thủ các tiêu chuẩn mà đối tác nhập khẩu đưa ra.
Thế Vinh