Là một trong những địa phương có diện tích trồng cây ăn trái có quy mô lớn của cả nước, thế nhưng vào những ngày cận Tết Nguyên đán này, tại tỉnh Đồng Nai giá cả nhiều mặt hàng trái cây mà nông dân xuất bán lại ở mức giảm sâu đồng loạt, không có “giá Tết” như các năm trước.
Nỗi buồn giảm giá
Chẳng hạn với trái thanh long ruột đỏ loại 1 chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu hiện bán tại vườn chỉ có giá dưới 20 ngàn đồng/kg, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoặc như xoài giống Đài Loan xuất khẩu (XK) cũng còn khoảng 10 ngàn đồng/kg, không chỉ thấp hơn nhiều lần so với giá Tết năm ngoái mà còn thua xa mức giá bán ngày thường. Giá xoài giảm mạnh, thương lái chỉ mua cầm chừng do hầu như không XK được nên giờ đây các nông dân trồng xoài chỉ biết trông chờ vào thị trường nội địa.
Giá bưởi da xanh cận Tết Nguyên đán vừa giảm sâu vừa khó khăn đầu ra. |
Hay như bưởi da xanh chỉ còn 15 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức giá các tháng trước đó. Thời điểm này thương lái thu mua cầm chừng, mua giá thấp khiến cho các nông dân trồng bưởi ở Đồng Nai lo lắng vì bưởi còn đầy vườn.
Tuy vậy, vẫn có “cửa sáng” về mặt XK đối với những mô hình trồng trái cây sạch, đạt tiêu chuẩn cao làm ăn căn cơ. Điển hình như HTX Thanh Bình ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) khi khởi động vụ chuối XK đầu năm 2021 đã có nhiều đơn hàng từ 3-4 ngàn tấn hàng/năm với một số khách hàng Hàn Quốc.
Và dự kiến trong quý I/2021, HTX này sẽ XK đơn hàng trái cây đầu tiên vào thị trường châu Âu. Rất tiếc là do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến vận chuyển tàu biển nên đơn hàng XK đi châu Âu của HTX Thanh Bình từng bị hoãn lại 2 lần.
Còn ghi nhận ở “vựa trái cây” Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những ngày cận Tết Nguyên đán, giá bưởi giảm xuống mức thấp đang làm khó người nông dân.
Cụ thể, giá bưởi da xanh loại 1 tại Tp.HCM vào những ngày đầu tháng 2/2021 thấp hơn Tết 2020 khoảng 25% - 30%, chỉ còn từ 25-35.000 đồng/kg. Còn bưởi da xanh loại 2-3 giá còn 10.000 - 20.000 đồng/kg, giảm trên 50% so cùng kỳ năm ngoái.
Tại Bến Tre (với hơn 7.200ha diện tích bưởi da xanh cho sản lượng 57.000 tấn/năm), giá bưởi da xanh đang xuống thấp, chỉ còn từ 15.000-30.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay. Giá giảm nhưng nhiều thương lái lại không đến mua. Nhà vườn trồng bưởi da xanh ở các tỉnh khác ở ĐBSCL như Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh...cũng không khá gì hơn.
Việc giảm giá mạnh bưởi da xanh hay một số loại trái cây khác được cho là vì nguồn cung quá nhiều vì thu hoạch rộ trong khi nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết lại yếu đi do ảnh hưởng dịch Covid-19 dẫn đến giá giảm đồng loạt.
Hy vọng vượt khó
Do đó, dù thống kê mới đây cho thấy, XK rau quả tháng 1/2021 ước đạt hơn 556,22 triệu USD (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ tháng 1/2020) nhưng ngành hàng trái cây vẫn đang đối mặt với thách thức khó lường ở phía trước.
Việc thương lái thu mua trái cây cầm chừng cũng có lý do. Nhất là khi thị trường Trung Quốc trong mùa Tết 2021 này lại càng khác hơn so với những năm trước vì nhu cầu tiêu dùng giảm sút với trái cây nhập khẩu và ưu tiên hơn cho hàng nội địa của họ.
Theo những nhận định gần đây từ truyền thông Trung Quốc thì người tiêu dùng nước này ngày càng đòi hỏi khó hơn, ưa chuộng những loại trái cây chất lượng cao và có tên tuổi, song cũng bắt đầu chú ý nhiều hơn tới hương vị và chất lượng trái cây nội.
Ngoài ra, nhiều loại trái cây trước kia Trung Quốc chỉ nhập khẩu mới có thì nay đã trồng được, lấn dần thị phần của thị trường trái cây nhập khẩu. Trong khi đó, với XK của ngành hàng trái cây Việt thì Trung Quốc vẫn đang là thị trường có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 56,6% tổng giá trị XK.
Được biết mục tiêu kim ngạch XK của ngành rau quả trong năm 2021 là 4 tỷ USD. Đây là con số mà đáng lẽ ngành hàng đã đạt được trong năm 2020 nếu không có Covid-19. Nhưng năm nay, với tình hình Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới thì để đạt giá trị XK này cũng là cả một thách thức lớn.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà Trần Thị Kim Nhung, giám đốc một DN XK trái cây sạch đang có liên kết vùng trồng với các nông dân ở Đông Nam Bộ và ĐBSCL, cho rằng năm nay hoạt động của ngành hàng trái cây sẽ vẫn còn đầy gian nan do dư âm từ năm 2020 và những rủi ro khó lường trước từ dịch Covid-19.
Tuy vậy, bà Nhung cũng kỳ vọng là XK của trái cây Việt Nam trong năm nay sẽ vượt khó, đạt kim ngạch tốt hơn năm vừa rồi nếu như tận dụng tốt được các hiệp định thương mại tự do (FTA) với điều kiện là vùng trồng trái cây cần đáp ứng tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật ở thị trường nhập khẩu.
Riêng với nông dân trong ngành hàng trái cây đang đối mặt với tình trạng giá giảm sâu và khó khăn đầu ra như hiện giờ, giới chuyên gia có lời khuyên là họ ngoài làm ăn với thương lái theo kiểu truyền thống thì cũng nên tiếp cận với thị trường đa kênh hơn (trong đó có triển vọng khai thác kênh thương mại điện tử) như một cách để giảm thiểu tạm thời những khó khăn.
Thế Vinh