Trong năm nay Tp.HCM đặt mục tiêu sẽ khai thác du lịch trên tất cả tuyến sông Sài Gòn với mục tiêu đạt khoảng 500.000 lượt khách và doanh thu đạt khoảng 300 tỷ đồng/năm. Để đạt những mục tiêu như vậy đang đòi hỏi nhiều việc phải làm.
Nhìn từ lợi thế của Tp.HCM
Là một chuyên gia trong ngành quản trị du lịch và khách sạn, Ts. Daisy Kanagasapapathy (Đại học RMIT) cho rằng Tp.HCM cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường các hoạt động quảng bá và đa dạng hóa trải nghiệm sông nước, xem đây là những hướng đi đầy hứa hẹn có thể đẩy mạnh lĩnh vực này.
Với những lợi thế hiện có, Tp.HCM cần khai mở hết tiềm năng của du lịch sông nước. |
Bên cạnh đó, theo Ts. Kanagasapapathy, yêu cầu cấp thiết phải tăng cường nhận thức. Bởi lẽ, vẫn còn những thách thức khiến tiềm năng phong phú trong việc phát triển du lịch sông nước tại TP. HCM đang bị lu mờ.
“Du khách tiềm năng lo ngại về chất lượng nước và vệ sinh, cũng như tính an toàn của các hoạt động trên sông. Còn các con đường chật hẹp lại khiến việc tiếp cận những điểm tham quan ven sông gặp khó khăn”, Ts. Kanagasapapathy cho biết.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, hệ thống xe buýt đường sông đang phải đối mặt với các vấn đề khiến dịch vụ này chưa phát huy tối đa tiềm năng, cản trở việc tích hợp liền mạch vào cảnh quan du lịch. Giải quyết những thách thức phức tạp như vậy đòi hỏi nỗ lực từ chính quyền địa phương và các đơn vị khai thác du lịch.
“Truyền thông có thể là một công cụ vô cùng quan trọng giúp truyền tải một cách khéo léo câu chuyện về sự quyến rũ của trải nghiệm sông nước, trong khi giải quyết những vấn đề hiện hữu một cách thấu đáo, sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc thu hút sự quan tâm của du khách tiềm năng”, Ts. Kanagasapapathy khẳng định.
Lấy cảm hứng từ thành công của Thái Lan, vị chuyên gia của RMIT đưa ra một số đề xuất giúp Tp.HCM khai mở hết tiềm năng của du lịch sông nước. Thứ nhất là, tạo ra trải nghiệm phong phú từ việc kết hợp lịch sử, văn hóa và thiên nhiên. Thứ hai là, đảm bảo cơ sở hạ tầng hiện đại và dễ tiếp cận giúp tương tác liền mạch với các tuyến đường thủy của thành phố, đồng thời thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương nhằm duy trì tính chân thực và đà tăng trưởng.
Thứ ba là, thực hiện chiến lược marketing quốc tế toàn diện nhằm tạo ra chất xúc tác mạnh mẽ, nâng cao tính hấp dẫn của du lịch sông nước đối với những du khách trong nước và quốc tế. Nỗ lực này cũng sẽ phù hợp với 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc gồm: số 14 – tài nguyên và môi trường biển, và số 11 – các thành phố và cộng đồng bền vững.
“Học hỏi từ những thành công của Thái Lan, Tp.HCM có thể mở ra tiềm năng thực sự cho giao thông đường thủy, mời gọi du khách bước vào một hành trình hấp dẫn khám phá lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp tự nhiên của thành phố”, Ts. Kanagasapapathy bày tỏ.
Không chỉ với Tp.HCM, những địa phương khác có lợi thế về sông nước cũng cần khai mở hết tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là cần biến du lịch sông nước thành một loại “đặc sản” du lịch.
Nhiều việc phải làm để “nuôi dưỡng” thành công
Như ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từ lợi thế về sông nước, kênh rạch chằng chịt thì việc khai thác lợi thế này nhằm phát triển du lịch sông nước là rất cần thiết.
Thật ra, các địa phương ở ĐBSCL cũng đã tạo ra những tuyến du lịch sông nước với nhiều sản phẩm độc đáo. Chẳng hạn như đưa du khách trải nghiệm đi đò trên kênh rạch, thưởng thức các loại trái cây đặc sản, thưởng thức nhạc tài tử, tham gia vào các bữa ăn dân dã, cũng như tìm hiểu về các sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ và văn hóa truyền thống của người dân vùng sông nước Nam Bộ.
Tuy vậy, theo Ts. Nguyễn Văn Vũ, Trung tâm Phân tích và Kiểm định địa chất, Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mặc dù tiềm năng lớn, nhưng thực tế hoạt động của loại hình du lịch sinh thái này vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách, từ việc thiếu một chiến lược phát triển mạch lạc, đến hiệu quả hoạt động vẫn chưa thực sự nổi bật. Các sản phẩm du lịch sinh thái ở ĐBSCL vẫn chưa thực sự tạo được điểm nhấn trong lòng du khách cả trong và ngoài nước.
Như lưu ý của ông Vũ, chính quyền địa phương thường gặp hạn chế về năng lực quản lý, cộng đồng địa phương tham gia còn hạn chế và xuất hiện nhiều vấn đề liên quan đến quá trình triển khai, bao gồm cả xung đột lợi ích kinh tế sinh kế và quyền tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, cũng như quyền kiểm soát ranh giới đất đai giữa các cơ quan chính quyền và cộng đồng địa phương.
Không chỉ vậy, các vấn đề về kết nối đặt ra thách thức thứ ba khi sự hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch và điểm đến du lịch sông nước ở ĐBSCL vẫn chưa chặt chẽ. Điều này cản trở tạo ra các sản phẩm du lịch tích hợp và hấp dẫn cả khách trong nước và quốc tế.
Để du lịch sông nước ở vùng ĐBSCL phát triển xứng tầm, tại các cuộc hội thảo, tọa đàm gần đây, giới chuyên gia cho rằng điều quan trọng là cần giải quyết sớm những vấn đề về hạ tầng (như kết nối trên bờ và dưới nước, cơ sở hạ tầng đồng bộ), môi trường (tránh rác thải sinh hoạt thải ra từ các khu dân cư dọc theo hai bờ, tránh tình trạng bị cạn kiệt tài nguyên), sản phẩm (chẳng hạn như làm sống lại những chợ nổi trên sông) và quảng bá tiếp thị.
Ngoài ra, để phát triển du lịch sông nước ở Việt Nam lên tầm cao hơn, Ts. Kanagasapapathy gợi ý sự chung tay của cộng đồng cũng đóng một vai trò quan trọng. Điều này có thể thấy rõ như trong thành công của du lịch sông nước Thái Lan. Bản hòa ca về tính chân thực cất lên khi cộng đồng địa phương trở thành một phần không thể thiếu của câu chuyện, giúp họ gặt hái được những lợi ích vừa làm đời sống của họ thêm phong phú, vừa duy trì sự hấp dẫn trong mắt du khách.
Hơn nữa, việc quảng bá và marketing hiệu quả được cho sẽ là nốt thăng trong “bản giao hưởng” du lịch sông nước ở Việt Nam, để từ đó thu hút khán giả toàn cầu và vẫy gọi du khách đến tìm kiếm những chuyến phiêu lưu độc đáo và khó quên.
Nói chung, việc “nuôi dưỡng” thành công cho du lịch sông nước ở Việt Nam đang đòi hỏi nhiều việc phải làm. Nhất là cần tính chuyên nghiệp nhiều hơn nữa, có chiến lược về thương hiệu nhằm thu hút sự quan tâm của du khách. Hơn nữa, rất cần khắc phục việc thiếu sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ toàn diện đang kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực du lịch sông nước.
Thế Vinh