Trên website của mình trong thượng tuần tháng 2/2024, CTCP Gỗ Đức Thành cho biết đang tràn ngập niềm vui trong mùa xuân mới khi may mắn nhận được rất nhiều tín hiệu lạc quan, các khách hàng cũ cũng như khách hàng mới liên tục đặt nhiều đơn hàng.
Chuẩn bị cho những đơn hàng sau Tết Nguyên đán
Với phương châm không bỏ bất cứ đơn hàng nào, Gỗ Đức Thành gần như đã huy động toàn bộ nhân lực để hỗ trợ sản xuất, sắp xếp nhân sự, máy móc và nguyên vật liệu phù hợp, giao hàng đúng tiến độ cho khách.
Sau khi duy trì những con số tích cực về xuất nhập khẩu trong tháng 1/2024, để hoạt động XK phục hồi tốt hơn nữa trong thời gian tới đang rất cần các DN ở tâm thế sẵn sàng để đón các cơ hội quay trở lại trong năm con Rồng. |
Theo bà Lê Hải Liễu, Chủ Tịch HĐQT của công ty này, lực lượng lao động và khách hàng là hai yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn và khủng hoảng điều đó đã giúp DN sống sót. May mắn thay, 2 yếu tố này đang đồng hành, giúp công ty tự tin vươn xa hơn trong tương lai.
Giới phân tích cho rằng, đà phục hồi của XK ngành gỗ có thực sự bền vững hay không có thể sẽ trông chờ vào mùa hội chợ vào tháng 3-4/2024. Các DN kỳ vọng thị trường XK gỗ sẽ phục hồi nhanh trong năm 2024 khi tình hình đơn hàng có vẻ khá khả thi. Hiện tại, tương tự như Gỗ Đức Thành, một số DN lớn trong ngành đã có đơn hàng trở lại, dù không quá dồi dào nhưng cũng đủ việc cho công nhân sản xuất, nhà máy vận hành sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán
Còn theo chia sẻ mới nhất từ CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), các nhà máy chế biến của công ty đang tất bật chế biến trước đơn hàng, chuẩn bị cho những chuyến hàng xuất đầu năm âm lịch ngay khi vào việc lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài 8 ngày.
Trong tháng 1/2024, với thế mạnh về XK tôm, FMC đã đạt doanh số 19,2 triệu USD, bằng 126% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm 189 tấn, bằng 116% so cùng kỳ năm trước. Sản xuất tôm thành phẩm 1.250 tấn, tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ năm trước.
Sách lược chính của DN này trong năm nay nằm ở 3 vấn đề nhận thức, thích ứng và linh hoạt. Thứ nhất, về nhận thức, là việc chú ý để tìm ra điểm cân bằng, điểm dừng từ đó hướng đến sự hài hòa giữa các mục tiêu và nhận diện thời cơ, cơ hội kinh doanh.
Thứ hai là thích ứng, môi trường liên tục biến động đòi hỏi DN luôn thích ứng. Muốn thích ứng thì cần phải có những kịch bản cho nhiều tình huống xảy ra. Thứ ba là linh hoạt, trong bối cảnh có nhiều biến động thì sự linh hoạt, kịp thời có thể mang nhiều cơ hội, khi thoát khỏi nguy cơ sớm.
Cho rằng môi trường hoạt động còn đầy phức tạp và nhất là trở ngại còn quá nhiều, chính vì vậy, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT của FMC, nhấn mạnh công ty luôn toan tính tìm lối đi của mình có thể thoát ra hoàn cảnh này sớm nhất. Từ đó công ty luôn chú trọng tìm thời cơ cho mình. Thời cơ có thể là sự sa sút mạnh của đối thủ, khiến vị thế mình được tăng lên.
Nên có sách lược phù hợp nhất
Ngoài chia sẻ của hai công ty XK nêu trên, trong báo cáo kinh tế vĩ mô vào đầu tháng 2/2024 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset đã kỳ vọng XK sẽ hồi phục hơn nữa trong năm 2024 sau khi duy trì tích cực trong tháng 1/2024.
Bàn về động lực XK trong thời gian tới, phía Mirae Asset có nhắc đến 3 yếu tố. Thứ nhất là điện thoại và linh kiện hồi phục nhờ việc ra mắt dòng điện thoại thông minh S24 mới của Samsung vào tháng 1/2024. Thứ hai là nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng trưởng dương trong tháng 1, báo hiệu tích cực nhu cầu cho hoạt động sản xuất tăng cao.
Thứ ba là dấu hiệu cho thấy nhu cầu cải thiện ở một số thị trường XK trong những tháng gần đây, với PMI (chỉ số Quản lý Mua hàng) sản xuất của Mỹ, Trung Quốc, ASEAN và Hàn Quốc trên ngưỡng 50 và PMI sản xuất của Khu vực đồng Euro và Nhật Bản tăng so với các tháng trước mặc dù dưới mức 50 trong tháng 1.
Về việc hồi phục XK điện thoại và linh kiện hồi phục. Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy khởi đầu năm mới 2024, điện thoại và linh kiện đã lấy lại ngôi vị là nhóm hàng XK lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ, nửa đầu tháng 1/2024, XK nhóm hàng này đạt 2,86 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước (tương đương kim ngạch tăng thêm gần 200 triệu USD). Với kim ngạch kể trên, điện thoại và linh kiện đã lấy lại ngôi vị số 1 về XK từ nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Đối với việc nhập khẩu. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng đến 33,3% so với cùng kỳ năm trước.
Từ con số tăng trưởng nhập khẩu như vậy sẽ thấy, các DN đã bắt đầu có đơn hàng mới nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất tăng trở lại. Như ở một địa phương hàng đầu về sản xuất công nghiệp phục vụ XK là tỉnh Đồng Nai, dữ liệu cho thấy nhập khẩu tháng 1/2024 ước đạt 1,27 tỷ USD, tăng 1,25% so tháng trước và tăng 28,25% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó điển hình như nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng đến 96,12%. Từ đó thể hiện tình hình sản xuất của nhiều DN ổn định hơn, XK hàng hoá tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc.
Còn đối với vấn đề thị trường XK trong năm nay. Giới chuyên gia lưu ý việc cân bằng và đa dạng hóa giữa các thị trường, khách hàng và chủng loại sản phẩm cung ứng rất quan trọng. Nhất là vừa có thể duy trì được khách hàng và thị trường truyền thống, vừa tránh được việc “bỏ trứng vào 1 giỏ” khi thị trường gặp khó khăn.
Cũng nên nhắc thêm chia sẻ của ông Hồ Quốc Lực, để tăng tốc trong năm nay thì DN cần nghĩ đến thời và vận có tới hay không. Điều này còn phụ thuộc khả năng phân tích tình hình và rút ra điều có thể tạo lợi ích cho DN của mình, luôn không chủ quan và luôn tìm tòi cơ hội.
Tựu trung, để hoạt động XK phục hồi trong thời gian tới đang rất cần các DN ở tâm thế sẵn sàng để đón các cơ hội quay trở lại trong năm con Rồng, cũng như linh hoạt ứng phó trước các thách thức, có được sách lược phù hợp nhất cho mình.
Thế Vinh