Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa công bố danh sách 30 doanh nghiệp (DN) nước này (trên tổng số hơn 100 công ty đăng ký dự án đa dạng hóa chuỗi cung ứng) được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào.
Nhiều DN Nhật Bản chọn Việt Nam
Đáng chú ý, một nửa danh sách này là các công ty đăng ký chuyển sang Việt Nam, gồm DN quy mô lớn, nhỏ và vừa. Chưa rõ việc di dời này là một phần hay toàn bộ hoạt động sản xuất của họ tại Trung Quốc.
Nhiều DN Nhật Bản muốn chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam (Ảnh minh họa: TL) |
JETRO cho biết, đa số công ty được trợ cấp để sang Việt Nam thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế như dược phẩm, áo choàng, găng tay y tế, tấm chắn mặt y tế (chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ và vừa)... Bên cạnh đó, có một số DN là công ty lớn sản xuất linh kiện ổ cứng, linh kiện điện thoại, phụ tùng ô tô, kim loại hiếm.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội cho biết, các DN Nhật Bản đang đánh giá lại việc tập trung quá mức vào thị trường Trung Quốc. Năm 2000, Trung Quốc chịu các bất lợi như chi phí nhân công tăng, cạnh tranh khốc liệt, đến năm 2018 xuất hiện chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và năm 2020 là dịch COVID-19 khiến nhiều DN Nhật bị hạn chế di chuyển, lưu thông hàng hóa (ngừng sản xuất linh kiện).
Vì vậy, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến thay thế Trung Quốc với các thế mạnh như khống chế tốt dịch COVID-19, chi phí lao động tương đối thấp, chi phí sản xuất và nguồn lao động dồi dào, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), có vị thế trong khu vực.
Không phải chờ đến năm 2020, làn sóng vốn Nhật chuyển khỏi Trung Quốc mới diễn ra. Thời gian qua, một số DN Nhật Bản đã chuyển nhà máy sang Việt Nam.
Đơn cử, Olympus - hoạt động trong lĩnh vực thiết bị điện tử, năm 2018 đã ngừng hoạt động ở Trung Quốc và tập trung sản xuất máy ảnh kỹ thuật số tại khu công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai của Việt Nam.
Nintendo vào năm 2019 đã có báo cáo rằng một phần của việc sản xuất máy chơi game gia đình hàng đầu Nitendo Switch sẽ được chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hay Juki - chuyên sản xuất máy móc cơ khí, năm 2019 đã chuyển một phần của sản xuất máy may công nghiệp dành cho thị trường Mỹ và máy may gia dụng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Sharp - chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử, đã xây dựng mới một nhà máy ở TP.HCM và dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2020, sản xuất màn hình hiển thị xe ô tô dành cho thị trường Mỹ cũng như máy lọc không khí tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Vẫn là câu chuyện công nghiệp hỗ trợ
Tuy nhiên, ông Takeo Nakajima cũng nêu ra điểm yếu của Việt Nam là các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) kém phát triển khi nhà cung cấp còn non nớt, nguồn nhân lực khó khăn, chi phí tuyển dụng tăng, phát triển khu công nghiệp chậm, quy mô thị trường trong nước nhỏ.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh về làn sóng vốn Nhật dịch chuyển sang Việt Nam, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: Đây là thông tin rất tích cực cho thấy Việt Nam đang trở thành sự lựa chọn không chỉ của DN Nhật, mà còn của DN Mỹ, EU, Hàn Quốc...
Thế nhưng, ông Toàn cũng nêu ra thực trạng về ngành CNHT của Việt Nam: "Lâu nay, DN CNHT của Việt Nam kém phát triển, nên các DN FDI thường đem theo nhiều DN "vệ tinh" của họ vào Việt Nam. Vì vậy, có những DN FDI rất lớn, nhưng cũng có những DN FDI rất bé đầu tư vào Việt Nam. Đây là cái tốt cho khối ngoại nhưng là bất lợi cho Việt Nam, dẫn tới giá trị gia tăng còn lại ở Việt Nam thấp, người Việt không thu được nhiều lợi ích".
Việt Nam phải làm gì để khắc phục tình trạng này? Đây là câu chuyện "biết rồi, nói mãi" nhưng chưa có giải pháp. Phó Chủ tịch VAFIE cho rằng, DN Việt Nam có thể tham gia vào các chương trình hỗ trợ, đào tạo của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, điều này chắc chắn có điểm bất lợi là đầu ra của DN Việt Nam chỉ được cung cấp cho DN đào tạo mình.
Do vậy, ông Toàn cho biết, cách hợp lý nhất là DN Việt Nam nỗ lực để tự làm CNHT. Theo đó, các DN có thể liên kết với nhau để cung ứng cụm linh phụ kiện. Đặc biệt, các tập đoàn lớn của Việt Nam cũng cần tham gia vào hoạt động này, dẫn dắt những DN nhỏ trong ngành vươn lên.
"DN vừa và nhỏ không thể bỏ ra số vốn lớn mà không biết lời lãi ra sao, thậm chí 5 - 7 lần đi xin nhưng không đủ tiêu chuẩn để vào mạng lưới sản xuất của khối ngoại. Vì vậy, các DN lớn của Việt Nam có thể tham gia vào "cuộc chơi" này, đưa CNHT Việt Nam lên một nấc thang phát triển mới", ông Toàn nói.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh thu hút FDI với các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... Chi phí sản xuất, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và chuỗi sản xuất của Việt Nam còn kém hơn so với các nước trong khu vực.
Cùng với đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam cần phải cải thiện hơn. Cơ chế giải quyết thủ tục hành chính thông thoáng, đừng để "tham nhũng" khiến Việt Nam "mất điểm" trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
"Chúng ta phải tự cải thiện chính mình để đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia", ông Thành nhấn mạnh.
Lê Thúy