Chiều 9/7, Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến Việt Nam - Nhật Bản được Bộ KH&ĐT tổ chức đã thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản từ các điểm cầu tại Nhật Bản và trên khắp thế giới, thể hiện mối quan tâm và kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp Nhật tới Việt Nam.
Doanh nghiệp Nhật cần phải nhanh hơn
Là lãnh đạo một doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, ông Watanabe Yutaka, Giám đốc Công ty Towa Industrial Việt Nam (Tp.HCM) chia sẻ, ông đã sống ở Việt Nam được 25 năm.
Rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tới thị trường Việt Nam (Ảnh: TL) |
"Năm 1996, nhà máy số 1 của chúng tôi chính thức đi vào hoạt động, đến nay hơn 20 năm, doanh nghiệp đã xây dựng thêm 3 nhà máy nữa. So với thời điểm mới đầu tư vào Việt Nam, công ty ngày càng lớn mạnh", ông cho biết.
Giới thiệu tới các doanh nghiệp Nhật Bản, Giám đốc Towa Industrial Việt Nam đánh giá, ở các địa phương của Việt Nam còn nhiều tiềm năng lớn để đầu tư. Tăng trưởng kinh tế của các địa phương tăng qua từng năm, sức mua của người dân cũng ngày càng tăng... Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản hướng tới, chọn Việt Nam là điểm đến thay thế Trung Quốc.
Nhìn nhận việc ra quyết định đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản còn khá chậm, ông Watanabe Yutaka khuyến nghị các doanh nghiệp nước nhà cần phải nhanh hơn nữa để nắm lấy cơ hội tại thị trường Việt Nam. Hiện, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, EU... cũng đang tính tới việc đầu tư vào Việt Nam, sự cạnh tranh thời gian tới rất khốc liệt. Các doanh nghiệp Nhật Bản cần hành động nhanh hơn để đầu tư nhiều vào Việt Nam.
Tuy vậy, ông Watanabe Yutaka cũng khuyến nghị: Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo tăng trưởng nguồn điện và đặc biệt cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
"Hiện, doanh nghiệp vẫn đang gặp phải những khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Có quá nhiều yêu cầu, giấy chứng nhận bắt chúng tôi phải hoàn thiện", ông nói.
Trong khi đó, ông Sagara Hirohide, Giám đốc Công ty Marubeni Việt Nam (Hà Nội), kể lại những câu chuyện vui, cảm động của ông khi sống tại Việt Nam. "Một lần tôi sơ ý bỏ quên ví của mình ở một quán phở, nhưng ngay sau đó, ông chủ quán đã chạy theo và đưa lại chiếc ví. Có thể nói, ở Việt Nam, tôi rất yên tâm về an ninh trật tự", ông chia sẻ.
Về cơ hội kinh doanh, ông Sagara Hirohide nhìn nhận khi kinh tế Trung Quốc gặp bất ổn, Việt Nam đang cho thấy là một điểm đến đầu tư tin cậy. Hiện nay, cả thế giới chú ý tới Việt Nam. "Tôi nghĩ trong thời gian tới đây, Việt Nam cũng sẽ xuất hiện những nhu cầu mới với cơ chế thu hút đầu tư hấp dẫn đưa Việt Nam sang một bước ngoặt phát triển mới. Nhật Bản cần phải đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Việt Nam", ông Sagara Hirohide nhìn nói.
Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh
Trình bày về triển vọng kinh tế Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội cho hay, dự báo tăng trưởng GDP của các tổ chức quốc tế với Việt Nam đang cao hơn các quốc gia trong khu vực. Đơn cử, Ngân hàng Thế giới dự báo năm 2020, Việt Nam tăng trưởng kinh tế 2,8%, trong khi Philippines là -1,9%, Malaysia -3,1%...
Ông Miura Nobufumi, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cũng cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản đang rất quan tâm tới thị trường Việt Nam. "Hội nghị trực tuyến đầu tư này, chúng tôi vừa thông báo, ngay hôm sau đã có đủ số lượng doanh nghiệp tham dự", ông cho biết.
Đặc biệt, mới đây, JCCI khảo sát câu hỏi với nội dung "Thời gian tới, sẽ có bao nhiêu người Nhật Bản muốn di chuyển sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư?". Kết quả, có tới 2.800 người muốn sang Việt Nam.
Tuy vậy, đại diện JCCI cũng bày tỏ những khó khăn mà doanh nghiệp Nhật Bản phản ánh như hạ tầng chưa đồng bộ, quá trình xin cấp phép thủ tục đầu tư còn khó khăn. Các nhà đầu tư Nhật Bản kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm giải quyết được những vấn đề này.
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đối thoại với các doanh nghiệp Nhật Bản. Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào các ngành nghề truyền thống của Việt Nam như nông nghiệp, công nghiệp, đặc biệt những lĩnh vực rất tiềm năng như năng lượng, dược liệu, dược phẩm...
Trong năm 2020 - 2021, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các doanh nghiệp đang phát triển này.
Ông Thắng cho biết: Sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam được cổ phần hóa, trong đó nổi bật như VNPT, Agribank, cũng như nâng trần tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài với các doanh nghiệp ngân hàng như VietinBank, Vietcombank...
"Kênh M&A chắc chắn sẽ rất hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản. Thông qua đó, các bạn dễ dàng rót vốn vào nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động tốt, hiệu quả cao của chúng tôi", ông Thắng nhấn mạnh.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra những cơ hội đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản có thể quan tâm như đầu tư vào các dự án giao thông huyết mạch của Việt Nam, hay các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo...
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: Việt Nam sẵn sàng đón nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư thế giới nói chung đến Việt Nam, khuyến khích các tập đoàn trên thế giới mở văn phòng điều hành khu vực tại Việt Nam.
Đồng thời, Quốc hội vừa thông qua các Luật: Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo hướng tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với các thông lệ quốc tế nhằm thu hút có hiệu quả các dự án FDI có chất lượng, cũng như cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới.
Đặc biệt, Việt Nam có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới với một số yếu tố nổi bật như an ninh chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế cao, các chi phí kinh doanh thấp. Việt Nam cũng đang hội nhập sâu rộng với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA. Đây là con đường kết nối mạnh mẽ hàng hoá sản xuất từ Việt Nam với thị trường lớn trên thế giới.
"Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam đang quyết liệt vào cuộc, tạo thuận lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam sẽ là một trong những địa điểm để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư sản xuất kinh doanh", ông Thắng nhấn mạnh.
Nhật Linh