Đây là chia sẻ của Gs. Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT với Thời báo Kinh Doanh về làm thế nào để Việt Nam thu hút được FDI trong bối cảnh bình thường mới.
Thưa ông, Việt Nam có những cơ hội nào để thu hút FDI trong gian đoạn mới?
- Hiệp định EVFTA được thông qua sẽ tác động đến thương mại đầu tư, tăng trưởng kinh tế với mức 0,5%/năm, nhưng đây là con số được tính toán trước đại dịch.
Thế giới đã thay đổi, nên chúng ta phải có đánh giá tác động lại các FTA sau đại dịch, vì không còn dễ dàng như trước đại dịch nữa. Cần đánh giá lại để hoạch định chính sách.
Tôi thấy câu chuyện này có 2 tác động trực tiếp.
Thứ nhất, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh cho các doanh nghiệp từ Trung Quốc về nước. Nước Mỹ hiện giờ có 36 triệu người thất nghiệp, tức là khoảng gần 20% lao động Mỹ.
Hơn nữa, sau đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gẫy, chuỗi cung ứng của Mỹ - Trung đứt gẫy, xu hướng của Mỹ và nhiều nước là thiết lập lại chuỗi cung ứng trong nước. Nhật Bản cũng khuyến khích doanh nghiệp nước này chuyển về nước hoặc sang nước thứ 3.
Làn sóng các doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc sang các nước thứ 3 đang hiện hữu. Thực tế, Apple đã tuyên bố chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và sản xuất 30% tai nghe không dây ở Việt Nam để xuất khẩu ra thế giới... Như vậy, chúng ta không nói là cơ hội nữa, mà là hiện hữu rồi.
Tiếp theo là câu chuyện tất cả các nước trong khủng hoảng đều tăng trưởng âm, năm nay cả thế giới có thể âm. Còn Việt Nam, nhiều tổ chức dự báo vẫn tăng trưởng 2,7%.
Trong những tháng đầu năm, xuất khẩu tăng, lòng tin của người dân đối với nền kinh tế vẫn cao, việc giải quyết dịch càng làm cho niềm tin của người dân và doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam tăng lên.
Đây là thế mạnh mới của Việt Nam, tạo cơ hội lớn bây giờ hoặc không bao giờ, chúng ta phải tận dụng.
Trong bối cảnh hiện nay nhiều nước trong khu vực cũng đang chuẩn bị các điều kiện thu hút FDI, vậy Việt Nam có lợi thế gì hơn so với các nước trong khu vực?
- Có thể thấy các nước trong khu vực cũng đang ráo riết chuẩn bị cơ sở hạ tầng tốt nhất để thu hút FDI. Trong bối cảnh này, chúng ta phải làm nhanh hơn.
Ấn Độ đã công bố tiếp nhận 1.000 tập đoàn kinh tế lớn chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang.
Indonesia cũng tuyên bố thành lập khu công nghiệp 400ha đầu tiên tiếp nhận doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc sang. Cách đây 2 năm, Chính phủ nước này cũng ra lệnh cho các Bộ để làm thế nào để thứ bậc cạnh tranh quốc gia xuống dưới 50.
So với Ấn Độ và Indonesia, chúng ta có nhiều thuận lợi hơn. Đó là Việt Nam gần Trung Quốc nhất, hơn nữa Việt Nam đã trở thành một cứ điểm sản xuất smartphone, máy tính bảng của Samsung.
Bên cạnh đó, Việt Nam có cộng đồng ASEAN - là thị trường có 650 triệu dân, quy mô thị trường lớn hơn EU và GDP gần 4.000 tỷ USD.
Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế lớn về an toàn chính trị và an ninh kinh tế sau đại dịch. Việc kiểm soát thành công dịch Covid-19 sớm giúp Việt Nam có ưu thế hơn so với các quốc gia khác. Như vậy, cơ hội so với các "đối thủ" tương đối rõ ràng, vấn đề còn lại là chúng ta có thể tận dụng lợi thế hay không.
Việt Nam cần khẳng định đủ điều kiện về đón dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc (Ảnh: Internet) |
Cơ hội của Việt Nam là rất lớn, nhưng để đón đầu được cơ hội này, Việt Nam cần có giải pháp gì để thu hút dòng vốn FDI?
- Hiện tại, cả nước có 35 khu công nghiệp, 17 khu kinh tế biển, nhưng 1/2 số đất này vẫn đang trống, ở đó có hạ tầng tương đối tốt, giao thông thuận tiện.
Vì vậy, phải thống kê lại diện tích đất chưa sử dụng, chỉ đạo các địa phương dành đất đủ cho các dự án lớn, đất sạch, giá cho thuê chỉ bằng 40% giá thuê tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Theo tôi, chúng ta phải tuyên bố với các tập đoàn lớn của thế giới là “chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận dòng vốn đầu tư”, tôi tin là hấp dẫn.
Hiện nay, điều các doanh nghiệp FDI băn khoăn nhất về Việt Nam là thiếu nhân lực chất lượng cao, nhưng tôi cho rằng điều đó không đúng. Bởi, hiện tại Samsung Việt Nam đang sử dụng nhiều lao động Việt Nam chất lượng cao, trong đó có 1.650 kỹ sư phần mềm được đánh giá rất cao. Chính lãnh đạo Samsung cũng cho rằng năng suất lao động của Việt Nam đã xấp xỉ người Hàn Quốc, trong khi lương của lao động Việt Nam chỉ bằng 40 - 50% lương người Hàn Quốc.
Việt Nam có thể khẳng định với thế giới là có đầy đủ lao động tay nghề cao nhưng tiền lương rẻ hơn.
Ngoài ra, nhiều người lo thu hút FDI lâu dài có thể sẽ khiến Việt Nam trở thành bãi thải của thế giới. Trong trường hợp này, theo tôi, đề nghị Chính phủ không cho rằng các doanh nghiệp rời từ Trung Quốc sang Việt Nam là mang thiết bị cũ để bắt doanh nghiệp kê khai, làm như vậy thì chúng ta không cạnh tranh được.
Do đó, khi doanh nghiệp FDI dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang, tôi cho rằng nên chấp thuận cho DN vào đầu tư, chỉ khi có nghi ngờ về ô nhiễm môi trường, an toàn lao động mới đến kiểm tra, xử lý. Như vậy, chúng ta thể hiện thái độ thân thiện với nhà đầu tư và bảo vệ lợi ích cho DN.
Cuối cùng, cần phải đẩy nhanh việc cấp phép cho các nhà đầu tư. Các nước trên thế giới làm rất nhanh, nếu chúng ra mất 5, 7 tháng mới cấp giấy phép, làm mất thời gian của nhà đầu tư thì sẽ không ai vào Việt Nam để đầu tư. Tôi tin chắc rằng đây là câu chuyện trong tầm tay, không làm được là do lỗi của chúng ta mà thôi.
Xin cảm ơn ông!
Minh Thắm thực hiện