Thông tin mới đây từ các hãng tin Reuters, Bloomberg về việc hãng ô tô của Việt Nam là Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast có khả năng niêm yết, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại thị trường chứng khoán Mỹ với dự kiến huy động 2 tỷ USD đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Tín hiệu tích cực
Không những vậy, theo các hãng tin nêu trên, VinFast được kỳ vọng có mức định giá khoảng 50 - 60 tỷ USD.
Ngành lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước cần rút ngắn khoảng cách cạnh tranh với ô tô nhập thông qua tự chủ công nghiệp phụ trợ và ứng dụng công nghệ 4.0. |
Trước những thông tin này, phía Tập đoàn Vingroup (doanh nghiệp sở hữu VinFast) đã có phản hồi là các giao dịch huy động vốn còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường và nhu cầu vốn thực tế của công ty. Bản thân tập đoàn này cũng thường xuyên xem xét các lựa chọn để huy động vốn và đầu tư cho VinFast.
Ở một diễn biến khác, VinFast hôm 13/4 đã công bố chọn công nghệ chip của Nvidia (Công ty điện toán Trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới) trên các mẫu xe điện thông minh tự hành cấp độ cao. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp cho VinFast đẩy nhanh việc phát triển các dòng ô tô điện thông minh lên cấp độ mới.
Có thể nói, với một hãng ô tô nội địa có tiềm lực lớn được kỳ vọng định giá cao trên thị trường quốc tế và đang có định hướng kết nối trí tuệ toàn cầu như nêu trên là một tín hiệu tích cực, thúc đẩy gia tăng sức cạnh tranh cho công nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô của Việt Nam trong thời gian tới.
Còn hiện tại, vẫn còn đó những mối lo về khoảng cách cạnh tranh giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước với ô tô nhập khẩu nếu nhìn vào tình hình tiêu thụ trên thị trường ô tô.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 3/2021, trong khi doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 24% thì xe nhập khẩu tăng đến 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm nay, tổng lượng ô tô nhập khẩu ước đạt 35.367 xe, tương ứng với tổng kim ngạch 770 triệu USD, tăng 31,1% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ.
Một số ý kiến cho rằng, ngoài chuyện sính ngoại của người tiêu dùng thì giá thành xe lắp ráp trong nước là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh so với xe nhập khẩu. Trong khi đó, việc nhập khẩu nhiều linh phụ kiện và số lượng lắp ráp sản xuất cho mỗi dòng sản phẩm còn thấp là thách thức lớn cho ngành lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước, dẫn đến kém cạnh tranh hơn.
Chẳng hạn, nếu không có đầu tư thích đáng cho việc sản xuất linh kiện phụ tùng cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp (DN) nội địa sẽ thiếu đi lợi thế cạnh tranh khi so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan (sản xuất 2 triệu xe mỗi năm).
Nắm bắt xu hướng công nghệ 4.0
Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ riêng 2 tháng đầu năm nay, trị giá nhập khẩu nhóm hàng linh kiện và phụ tùng ô tô đạt 730 triệu USD, tăng 11%, tương ứng tăng hơn 72 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Các DN Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu từ Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.
Về mặt sản xuất linh phụ kiện ô tô của khối nội, có thể ghi nhận vai trò hàng đầu của CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco). DN này thời gian qua đã chú trọng đến việc sản xuất và cung ứng linh kiện, thiết bị gốc (OEM) cho các đối tác lớn, được xem là phương thức để công ty tham gia sâu vào chuỗi giá trị của thế giới.
Còn trong tháng 3 vừa qua, hãng Reuters có đưa tin Foxconn - hãng chuyên linh kiện điện tử của Đài Loan (Trung Quốc), đã đàm phán với VinFast để sản xuất pin và phụ tùng xe điện. Trong khi Foxconn đề nghị mua lại dây chuyền sản xuất xe điện của VinFast thì hãng xe nội địa này lại muốn thiết lập quan hệ hợp tác thay vì bán lại dây chuyền.
Tuy mọi chuyện chưa ngã ngũ nhưng một số ý kiến đánh giá là hãng xe của Việt Nam đã bước vào cuộc chơi toàn cầu. Điều này được ví von “khi bạn đã trở thành một ngôi sao thì tự những nhà sản xuất lớn sẽ tìm đến bạn” và mong rằng các DN hàng đầu về sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cần đẩy mạnh đầu tư, áp dụng công nghệ 4.0 nhằm làm chủ công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp ô tô.
Để có thể rút ngắn khoảng cách cạnh tranh giữa ô tô lắp ráp trong nước với ô tô nhập, điều quan trọng vẫn là phải giải quyết cho được vấn đề tồn tại nằm ở công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp ô tô, nhất là khi xu hướng công nghệ 4.0 đang có những tác động lớn đến công nghiệp này.
Theo chuyên gia Nguyễn Thị Xuân Thuý, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công thương (VIOIT), đó là việc tạo ra sự thay đổi toàn diện về cách thức sản xuất chế tạo ô tô và quy trình tạo ra giá trị trong ngành công nghiệp ô tô (như ô tô điện, tạo ra phụ tùng linh kiện ô tô bằng công nghệ in 3D...).
Giới chuyên gia cho rằng, trong lúc này, các DN nội có tiềm lực lớn trong ngành công nghiệp ô tô, bên cạnh việc thu hút thêm dòng vốn lớn thì cần đầu tư mạnh hơn nữa về mặt công nghệ, cũng như tiếp tục tái cấu trúc mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị của các OEM nhằm tạo vị thế cạnh tranh tốt hơn nữa trên thị trường ô tô.
Thế Vinh